Kỷ niệm nhỏ về tờ báo lớn

Buổi sáng, ánh nắng xuyên qua tán cây đầu hồi mỗi dãy nhà làm ửng lên màu xanh ngọc bích khắp giảng đường. Khi các học viên vừa rời khỏi lớp để chuyển giảng đường học nội dung môn học mới, tôi cẩn thận vuốt lại từng trang Báo Quân đội nhân dân (QĐND), xếp lại tập bài các đồng chí đã hoàn thành.

Nhìn những dòng chữ nắn nót của học viên, lòng tôi chộn rộn nghĩ đến cuốn sổ nhỏ ghi chép lại kiến thức, kỹ năng qua các chuyên đề khi tham gia lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí toàn quân khóa 10 do Báo QĐND tổ chức tại Hà Nội (tháng 7-2016).

Sớm tiếp cận với báo từ nhỏ, cùng với việc được hoạt động trong Câu lạc bộ đọc và xây dựng Báo QĐND tại Khoa Văn học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng phải đến khi về công tác tại Trường Sĩ quan Chính trị, tôi mới bắt đầu cộng tác với tờ báo chiến sĩ. Những bài viết đầu tiên, tôi mắc khá nhiều lỗi như diễn đạt dài dòng, chọn chủ đề quá rộng mà khả năng phân tích chưa sâu, chưa gắn với đời sống bộ đội, nhất là cách đặt tít cho bài viết còn nhiều hạn chế.

May mắn đến khi tôi được tham dự lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí toàn quân khóa 10. Đây là lần đầu tiên tôi được giới thiệu toàn diện và đầy đủ về lịch sử phát triển của tờ báo hai lần anh hùng, xứng đáng với sự tin yêu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Những nét chữ đầu tiên của tôi trong cuốn sổ nhỏ đã chộn rộn những suy nghĩ được cộng tác với Báo QĐND là vinh dự, tự hào nhưng cũng đầy thách thức, trách nhiệm.

Rồi nét chữ nối dài khi tôi bắt đầu được tiếp cận với những bài giảng, những lời chia sẻ tâm huyết, truyền nghề của các thầy là những nhà báo giàu kinh nghiệm trong và ngoài quân đội. Nhiều kiến thức cơ bản về các loại hình, thể loại báo chí và đặc điểm từng ấn phẩm, phòng, ban của Báo QĐND được giới thiệu qua 24 chuyên đề. Qua mỗi buổi lên lớp, hình ảnh về các nhà báo giàu kinh nghiệm-những người mà trước đây tôi chỉ có thể liên lạc qua bài viết gửi về tòa soạn-trở nên gần gũi, chia sẻ với chúng tôi những thuận lợi, khó khăn trong quá trình cộng tác. Trong cử chỉ, ánh mắt, giọng nói của mỗi người, tôi nhận thấy rõ từng nét cảm xúc. Có khi là nhiệt huyết tràn đầy khi nói về chuyên môn, nghiệp vụ; có khi là thân mật, tình cảm khi nói về chuyện đời, chuyện người.

Trở về đơn vị, may mắn hơn khi tôi được đồng hành cùng tờ báo chiến sĩ không chỉ qua những bài viết cộng tác mà còn gắn chặt với công việc tại đơn vị mình công tác. Trong quá trình giảng dạy, tôi đã sử dụng các ấn phẩm của Báo QĐND là nguồn tư liệu gần gũi, thích hợp để các học viên thực hành bài tập xác định đề tài, chủ đề, tư tưởng, kết cấu của một tác phẩm văn học, tác phẩm báo chí. Qua mỗi giờ thực hành, các đồng chí học viên không chỉ rèn cách xác định cấu trúc của một tác phẩm mà còn tự bồi dưỡng cho mình cách viết, cách nói khoa học, chính xác. Với tôi, dù đứng dưới vai trò, cương vị nào-cộng tác viên hay giáo viên, niềm vui lớn nhất của mình là được lan tỏa tri thức, kỹ năng đã được học tập, rèn luyện qua thời gian tham dự lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí do Báo QĐND tổ chức.

Trong cuốn sổ nhỏ của mình, tôi còn ghi lại những dòng chữ tâm đắc khi một người thầy-nhà báo của Báo QĐND chia sẻ cùng chúng tôi. Câu nói đại ý rằng khi nhà báo bền bỉ, thành tâm nuôi dưỡng niềm tin-thông qua những tác phẩm báo chí tốt đẹp của mình-để gieo trồng niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội, thì nhất định sẽ được công chúng và xã hội dành trọn tình cảm mến yêu và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho báo chí hoạt động. Dòng chữ nằm gọn gàng trong cuốn sổ nhỏ, âm thầm nuôi dưỡng niềm tin cho những cộng tác viên như chúng tôi tiếp tục đóng góp một phần những sản phẩm báo chí cho tờ báo được đông đảo bạn đọc trân quý.

Thượng úy NGUYỄN ĐỨC HÀ

(Giảng viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ, Trường Sĩ quan Chính trị)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ky-niem-nho-ve-to-bao-lon-577009