Kỷ niệm Ngày truyền thống Kho bạc Nhà nước 29/5: Gương sáng nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức

Trong nhiều năm qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) luôn được Chính phủ, các bộ, ngành, người dân đánh giá cao bởi những nỗ lực trong cải cách, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng cho khách hàng. Đằng sau những kết quả đó là sự cống hiến hết mình, âm thầm từng ngày của tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành. Nhân ngày truyền thống của KBNN 29/5, Báo Hải quan xin giới thiệu 2 gương điển hình của ngành Kho bạc về nghiệp vụ chuyên môn và phẩm chất đạo đức tiêu biểu trong ngành.

Ông Nguyễn Chí Dũng.

Ông Nguyễn Chí Dũng.

Chuyên gia "gỡ vướng" giải ngân vốn đầu tư công

Công tác giải ngân vốn đầu tư công của KBNN vốn lâu nay còn nhiều khó khăn về phía chủ đầu tư và tiến độ giải ngân đôi lúc còn chậm trễ. Để giải quyết bài toán này, ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng phòng Kiếm soát chi, KBNN Lào Cai đã có sáng kiến thiết thực để gỡ vướng.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, hiện quy trình thủ tục đề nghị xét chuyển kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công qua nhiều cấp từ địa phương đến Trung ương tốn nhiều thời gian do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì tổng hợp và thông báo kế hoạch vốn kéo dài trước ngày 30/4 hàng năm. Như vậy, 4 tháng vốn đầu tư công không được giải ngân mà phải chờ thông báo xét chuyển (từ ngày 31/1 đến 40/4).

Để gỡ vướng từ quy định này, ông Nguyễn Chí Dũng cùng Giám đốc KBNN Lào Cai Vũ Trọng Cường và chuyên viên Nguyễn Mạnh Kiểm đã đề xuất quy định kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, không phải xét chuyển.

Vốn "kinh qua" nhiều vị trí tại KBNN Lào Cai như: Kế toán trưởng KBNN huyện Bảo Yên (từ năm 2000-2003), Phó Giám đốc KBNN Si Ma Cai (từ 2003-2008), Giám đốc KBNN Si Ma Cai (từ 2008-2016) và phụ trách vị trí Trưởng phòng Kiểm soát chi, KBNN Lào Cai (từ 2016 đến nay), ông Nguyễn Chí Dũng được đánh giá có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, am hiểu các nghiệp vụ. Kể từ khi tiếp nhận vị trí Trưởng phòng Kiểm soát chi, tận mắt tận tay xử lý những khó khăn vướng mắc trong công tác giải ngân vốn, chứng kiến những tháng đầu năm việc giải ngân vốn dường như "dậm chân tại chỗ", ông Nguyễn Chí Dũng đã luôn đau đáu những giải pháp để giải bài toán khó lâu năm của ngành này.

Với sự hỗ trợ của lãnh đạo KBNN Lào Cai cùng với những cán bộ, chuyên viên trong đơn vị, ông Nguyễn Chí Dũng đã đào sâu nghiên cứu Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước cùng với những quy định của KBNN, để đưa ra giải pháp thiết thực. Theo đó, kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn theo hướng: Giao cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hàng năm (bao gồm cả vốn ODA, vay ưu đãi) được kéo dài thời gian thực hiện sang năm sau, không phải xét chuyển.

"Với quy định như vậy sẽ tạo sự chủ động trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian phải làm thủ tục xét chuyển. Đồng thời phù hợp với với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó quy định cụ thể các khoản chi, nguồn kinh phí, dự toán... được chuyển nguồn sang năm sau không phải xét chuyển", ông Dũng khẳng định.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, kiến nghị của nhóm đã được UBND tỉnh Lào Cai báo cáo gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cũng là cơ sở để từ đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

"Kể từ khi được áp dụng, từ tháng 9/2018 đến nay, sáng kiến đã giúp nâng cao sự chủ động trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương và nhất là trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Một số KBNN tỉnh như Yên Bái, Lai Châu... đã học hỏi KBNN Lao Cai thực hiện", ông Dũng nói.

Chia sẻ với Báo Hải quan, Trưởng phòng Nguyễn Chí Dũng không giấu nổi niềm tự hào, sáng kiến nhỏ nhưng đã giải quyết được vấn đề khó khăn thiết thực, giúp tình hình giải ngân trên địa bàn tỉnh Lào Cai được cải thiện rõ rệt.

Chuyện về người thủ quỹ nam trả lại tiền thừa cho khách

Thủ quỹ tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) luôn là công việc thầm lặng, khô khan nhưng lại nhiều cám dỗ khi hàng ngày luôn phải tiếp xúc với tiền bạc và thường do các cán bộ nữ đảm nhiệm. Ấy vậy mà tại KBNN huyện Kim Sơn, Ninh Bình có một thủ quỹ nam, dù đã lớn tuổi nhưng những năm qua luôn giữ vững phẩm chất và "đôi bàn tay sạch" của người cán bộ KBNN.

Ông Vũ Minh Thước.

Ông Vũ Minh Thước giữ vị trí thủ quỹ tại KBNN Kim Sơn từ tháng 8/2015 đến nay. Tuổi ngoài 50, lại giữ vị trí thủ quỹ (cần sự cẩn trọng, tỉ mỉ, nhanh nhẹn vốn là những ưu điểm của phụ nữ) nhưng ông Thước luôn để lại ấn tượng tốt đẹp với khách hàng giao dịch tại KBNN bởi thái độ nhã nhặn, đúng mực, thể hiện văn hóa công sở trong quá trình tiếp xúc khách hàng. Suốt gần 4 năm đảm nhiệm vị trí thủ quỹ, ông Vũ Minh Thước là một tấm gương sáng về lòng trung thực, được nhiều người trong ngành nể phục khi hầu như năm nào ông cũng trả lại tiền thừa cho khách hàng. Năm 2017, ông Thước trả lại 10.190.000 đồng; năm 2018, ông trả lại 10 món tiền với tổng giá trị 47.540.000 đồng; đến tháng 5/2019, ông đã thực hiện trả lại 4 món tiền thừa với tổng giá trị là 6.691.000 đồng.

Ông Thước chia sẻ, mỗi một món tiền đều không nhiều, do sơ suất của khách hàng phần vì vội vã, phần khác do chủ quan khi được giao tiền mà không kiểm đếm lại. Món tiền ông thực hiện trả lại nhiều nhất là 21 triệu đồng thuộc bệnh viện Kim Sơn. Ngay khi ông Thước phát hiện ra tiền thừa, nữ kế toán tại đơn vị tỏ ra ngạc nhiên và không nghĩ đến việc sẽ thừa nhiều tiền như vậy.

"Khi kiểm đếm phát hiện có tiền thừa, thú thực tôi rất run, dù có kiểm đi kiểm lại 2, 3 lần nhưng trong lòng vẫn có nỗi lo sợ không biết mình sai hay người ta sai. Tiền dù ít dù nhiều cũng là tiền của đơn vị và khách mất cũng sẽ đau xót như mình mất. Chỉ đến khi thực hiện hạch toán đẩy đủ tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm bởi dù sao những số tiền đó cũng không nhỏ với bản thân mình", ông Thước chia sẻ.

Có thể ai đó nghĩ rằng, việc trả lại tiền thừa cũng chỉ là một “việc tử tế” trong vô vàn các “việc tử tế” được ca ngợi gần đây. Điều này là đúng nhưng chưa đủ, bởi có đặt vào từng hoàn cảnh mới thấy hết được những điều tốt đẹp mà mỗi cán bộ trong hệ thống KBNN đang nỗ lực hướng tới để tô đẹp cho cuộc đời.

Trước những món tiền lớn mà ông Thước đã trả lại khách hàng, đâu đó sẽ có người nói rằng sao ông không giữ lại cho bản thân mình vì dù gì khách hàng cũng không thể phát hiện ra. Nhưng ông Thước đã gạt đi tất cả, ông đã vượt qua sức cám dỗ của đồng tiền để giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. "Thành tích" trả lại tiền thừa cho khách hàng của ông trong suốt thời gian qua đã minh chứng cho phẩm chất cao đẹp từ lâu đã trở thành thương hiệu đối với mỗi cán bộ KBNN đó là: Trung thực, liêm khiết, thật thà, luôn vì công việc chung.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/ky-niem-ngay-truyen-thong-kho-bac-nha-nuoc-295-guong-sang-nghiep-vu-va-pham-chat-dao-duc-105565-105565.html