Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Nỗi niềm bác sĩ ngành lao

'Cái nghề gắn với cái nghiệp', có lẽ đó là lời giải thích thấu tình nhất khi nhắc đến những cán bộ y tế gắn bó sự nghiệp của mình với bệnh nhân lao phổi. Môi trường làm việc nguy hiểm, khả năng lây nhiễm cao, thu nhập bị hạn chế là nỗi niềm là rào cản khiến các bệnh viện lao phổi luôn 'khát' nhân lực.

 Hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục tại BV Phổi Hà Nội

Hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục tại BV Phổi Hà Nội

Ngày tắm hai lần
Gắn bó hơn 20 năm cuộc đời với các bệnh nhân lao phổi, bác sĩ Uông Thị Mai Loan - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội có không ít tâm tư, trăn trở về công việc của mình. Nhớ lại ngày chính thức bước chân vào ngành lao, bác sĩ Loan kể: “Thời điểm vào ngành tôi đang nuôi con nhỏ nên cũng băn khoăn và lo lắng nhiều. Lúc ấy, kinh nghiệm chưa có nên lúc nào cũng lo mình sẽ mắc bệnh nghề nghiệp rồi lại lây truyền cho bạn bè, người thân trong gia đình. Thế nhưng nghĩ lại, ai cũng sợ cũng không dám vào nghề thì lấy đâu bác sĩ chữa cho bệnh nhân lao. Vào nghề rồi mới thấy, bệnh lao cũng như các bệnh lây nhiễm khác, quan trọng là mình biết cách phòng tránh”.
Giống như bác sĩ Loan, bác sĩ Hoàng Văn Huấn - Phó Giám đốc BV Phổi Hà Nội vẫn nhớ y nguyên những ngày đầu mới vào nghề trong ngành lao phổi. Cũng vì tâm lý e ngại mình mang nguồn lây nhiễm đến cho mọi người nên không ít lần bác sĩ Huấn phải “giấu” thân phận mình là bác sĩ lao phổi. “Virus lao lây truyền qua đường hô hấp, sợ virus vẫn bám lại người lại lây truyền cho mọi người trong nhà nên gia đình yêu cầu tôi mỗi khi đi làm về phải tắm gội sạch. Tuy tắm ở bệnh viện rồi nhưng về nhà vợ vẫn yêu cầu phải tắm gội lần nữa mới được bế con, đấy mình còn là nam giới chứ mấy chị em thì gia đình họ lại có yêu cầu cao hơn” - bác sĩ Huấn cười nói.
Tại Khoa cấp cứu của BV Phổi Hà Nội, bác sĩ Phạm Thị Kim Ngân (sinh năm 1994) là bác sĩ trẻ nhất trong khoa. Chia sẻ về cơ duyên lựa chọn chuyên ngành lao và sự vất vả với đặc thù của công việc, bác sĩ Kim Ngân bộc bạch: “Bản thân tôi cũng như tất cả các sinh viên trẻ mới ra trường đều có cái khó khăn là không biết mình làm được gì và đã hiểu về việc mình làm chưa, chỉ khi nào đi làm mới có thể biết công việc như thế nào, đặc thù công việc ngành y là khác nhau”. Khó khăn nhất với những bác sĩ mới ra trường như bác sĩ Ngân chính là những rào cản về bảo hiểm y tế, thiếu thốn về trang thiết bị y tế, thái độ của bệnh nhân… khiến “nhiệt huyết” với nghề bị cản trở phần nào.
Sự vất vả của ngành y là điều dễ thấy, nhưng nỗi niềm của bác sĩ ngành lao lại lớn hơn nhiều, bởi sự kỳ thị, sự hoài nghi vẫn còn đó trong xã hội hiện nay. Cái khó hơn cả là thu nhập của các bác sĩ trong ngành lao phổi hiện nay còn khá thấp. Mặc dù có phụ cấp 70%, song so với thu nhập các bác sĩ chuyên ngành ngoại, sản, nhi… còn thua kém rất nhiều. Như bác sĩ Huấn chia sẻ, làm các chuyên ngành khác có thể mở phòng khám tư để kiếm thêm thu nhập, còn làm ngành lao thì chẳng ai mở được phòng khám. Mong bệnh nhân đến chữa bệnh miễn phí theo chương trình của Nhà nước còn khó.

Bác sĩ Phạm Thị Kim Ngân - Khoa Cấp cứu, BV Phổi Hà Nội khám cho bệnh nhân

Bệnh viện “khát” nhân lực
Nhiều khó khăn, thách thức là thế nên việc các bệnh viện lao phổi khó tuyển bác sĩ là điều dễ hiểu. Như tại BV Phổi Hà Nội, với cơ cấu 320 giường bệnh, số bác sĩ cần có tối thiểu khoảng 90 người, song BV hiện nay mới chỉ có 60 bác sĩ làm việc. Để khắc phục những khó khăn về nguồn nhân lực bác sĩ, BV Phổi Hà Nội đã tuyển dụng bằng nhiều cách, nhiều nguồn, thậm chí đến tận các trường Đại học Y để thông tin tuyển dụng. Tuy nhiên, chỉ riêng 2018, BV mới chuyển được 2 bác sĩ. Trong 5 năm trở lại đây, mặc dù BV tuyển được 5 bác sĩ thì lại có 3 bác sĩ chuyển công tác.
Trước những khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực bác sĩ của BV, bác sĩ Hoàng Văn Huấn cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần phải tăng các vấn đề chi trả, phụ cấp chế độ cho các y, bác sĩ đúng với chế độ chuyên ngành. “Bản thân từ trường y cũng phải có công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng để cho các bác sĩ hiểu, làm điều trị khi công tác trong môi trường nào của ngành y cũng vinh quang. Cùng với đó là trong quá trình làm việc cũng phải có sự quan tâm, tôn vinh của xã hội với những người làm trong công tác ngành lao, thực hiện các cơ chế đặc thù tốt nhất trong ngành để bác sĩ yên tâm, phấn khởi công tác” - bác sĩ Huấn cho biết.
Là một bác sĩ trẻ còn đầy nhiệt huyết, bác sĩ Phạm Thị Kim Ngân mong muốn, ngành y tế Việt Nam sẽ phát triển hơn, quyền lợi y tế của bệnh nhân sẽ được mở rộng hơn. Người dân được tuyên truyền nhiều hơn về bệnh lao, về cách phòng tránh bệnh. Và, các BV sẽ có thêm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại để các bác sĩ được khám chữa bệnh nhân trong điều kiện tốt nhất.

Trần Nga - Ngọc Tú

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-niem-ngay-thay-thuoc-viet-nam-272-noi-niem-bac-si-nganh-lao-337161.html