Kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22.12: Những danh hiệu độc đáo trong QĐND Việt Nam

Bạn hẳn đã từng nghe những cái tên 'Trung đoàn Thủ đô', 'Sư đoàn Quân tiên phong', 'Binh đoàn Quyết thắng', 'Đoàn không quân Sao đỏ'... Từ ngày thành lập cách đây tròn 73 năm, rất nhiều đơn vị QĐNDVN đã được tặng những danh hiệu đặc sắc. Các danh hiệu đó có thể đến từ địa phương thành lập, từ những chiến công đơn vị lập được, hoặc theo tên các trận đánh, các anh hùng dân tộc trong lịch sử.

Lễ thượng cờ cấp Quốc gia trên tàu ngầm Hà Nội (nguồn: nangluongvietnam.vn)

Tên các địa phương

Hình thành đầu tiên trong những ngày đầu của cuộc toàn quốc kháng chiến, các lực lượng vũ trang liên khu 1 đã có thành tích kìm chân quân Pháp suốt 2 tháng trong khu vực nội thành Hà Nội để các cơ quan trung ương và nhân dân tản cư an toàn. Ngày 12.1.1947, Hội nghị quân sự toàn quốc đã quyết định tặng Trung đoàn Liên khu 1 danh hiệu Trung đoàn Thủ đô. Hiện nay, Trung đoàn Thủ đô mang phiên hiệu Trung đoàn 102, đứng chân trong đội hình Sư đoàn 308, Quân đoàn 1.

Tháng 5.1947, tại mặt trận miền Tây của Tổ quốc, đã diễn ra lễ thành lập đoàn quân tiến về vùng biên giới phía Bắc, và tiến sang Lào làm nghĩa vụ quốc tế. Đó chính là Trung đoàn Tây Tiến, tức Trung đoàn 52, đã đi vào lịch sử với lời thơ hào hùng của Quang Dũng: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc, quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Ngày 19.8.1949, các Trung đoàn 74 (Cao Bằng), 28 (Lạng Sơn) và 72 (Bắc Cạn) được sáp nhập thành Trung đoàn 174, lấy tên là Trung đoàn Cao Bắc Lạng, địa bàn hoạt động chính của đơn vị.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhiều đơn vị khác cũng được mang tên các địa phương nơi xuất phát, tuyển quân hoặc hoạt động như Trung đoàn 165 (sư đoàn 312) mang tên Lao Hà Yên do hoạt động tại các tỉnh Lao Cai, Hà Giang, Yên Bái; Trung đoàn 36 (Sư đoàn 308) mang tên Bắc Bắc, khi hợp nhất các lực lượng vũ trang của Bắc Ninh và Bắc Giang. Sư đoàn 325 mang tên gọi Bình Trị Thiên cũng hình thành từ việc sáp nhập các trung đoàn của phân khu Bình Trị Thiên: 18 (Quảng Bình), 95 (Quảng Trị), 101 (Thừa Thiên). Ra đời muộn hơn, Sư đoàn 341 mang tên Sông Lam hay Sư đoàn 324 mang tên Ngự Bình. Đến đầu những năm 1950, khi quân đội tổ chức thành lập các đại đoàn, thì Đại đoàn 320 được mang danh hiệu Đại đoàn Đồng bằng, vì đơn vị chủ yếu hoạt động tại vùng địch hậu ở đồng bằng Bắc Bộ.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, là đơn vị thuộc quân khu 4, trung đoàn pháo binh 164 được điều vào hoạt động ở khu vực giới tuyến và mang danh hiệu đoàn pháo binh Bến Hải. Ngày 20.3.1967, Đoàn Bến Hải đã dội sấm sét trên đầu kẻ thủ, băm nát ba mẫu đất trên căn cứ Dốc Miếu diệt 1.070 tên lính thủy đánh bộ Mỹ, 22 xe tăng và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Danh hiệu các quân đoàn chủ lực của quân đội cũng chỉ rõ địa bàn hoạt động của đơn vị, như Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang - khi thành lập hoạt động ở chiến trường Trị - Thiên), Quân đoàn 3 (Tây Nguyên), Quân đoàn 4 (Cửu Long)...

Các đơn vị phòng không, không quân cũng thường mang danh hiệu theo tên địa phương đơn vị bảo vệ, như Sư đoàn Không quân Thăng Long (371), trung đoàn 923 - Đoàn Yên Thế (lúc đầu đóng ở Bắc Giang), Trung đoàn 927 - Đoàn Lam Sơn (lúc đầu đóng ở Thọ Xuân, Thanh Hóa), Trung đoàn 940 - Đoàn Tây Sơn (Bình Định), hoặc Đoàn phòng không Hà Nội (Sư đoàn 361), Hải Phòng (Sư đoàn 363), Đoàn Hàm Rồng (Trung đoàn 228)...

Trong những năm gần đây, khi hải quân Việt Nam đưa vào biên chế đội tàu ngầm lớp kilo, các tàu ngầm này cũng được đặt tên theo các địa danh trong cả nước: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu, với số hiệu lần lượt từ 102 đến 107.

Lưu danh các chiến thắng oanh liệt

Tháng 10.1947, trong chiến dịch Thu Đông giữ vững vành đai bảo vệ an toàn cho an toàn khu, tiểu đoàn 42 đã lập chiến công xuất sắc, bắn cháy nhiều tàu chiến Pháp tại bến Bình Ca của dòng sông Lô, do đó tiểu đoàn được vinh dự mang tên chiến thắng này. Sau này, tiểu đoàn Bình Ca chuyển thành Tiểu đoàn 12 trực thuộc trung đoàn thủ đô, là đơn vị có nhiệm vụ tiếp quản thủ đô những ngày đầu tháng 10.1954. Từ kháng chiến chống Mỹ đến nay, Tiểu đoàn Bình Ca chuyển tên thành Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308.

Cũng trong chiến dịch này, Trung đoàn 112 cùng Trung đoàn 87 đã phối hợp tổ chức đánh địch ở Đoan Hùng, Khe Lau. Trong trận đánh nổi tiếng trên dòng Sông Lô, Trung đoàn 112 đã bắn chìm 4 ca nô, xà lan, 1 tàu chiến, tiêu diệt 350 tên địch. Sau chiến dịch, hai Trung đoàn hợp nhất, lấy phiên hiệu là Trung đoàn 87, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tặng danh hiệu cao quý “Trung đoàn Sông Lô”. Đến ngày 2.9.1949, trung đoàn đổi tên thành trung đoàn 209, nay thuộc sư đoàn 312.

Trong trận chiến thắng trên đèo Bông Lau tại quốc lộ 4A nối Lạng Sơn và Cao Bằng ngày 30.10.1947, Tiểu đoàn bộ binh 374 thuộc Trung đoàn 11 Lạng Sơn đã diệt gọn một đoàn xe cơ giới của Pháp, từ đó được vinh dự mang tên tiểu đoàn bộ binh Bông Lau.

Trong chiến thắng này, Trung đoàn pháo binh 38 cũng phối hợp với bộ binh lập công oanh liệt nên được mang tên là Trung đoàn pháo binh Bông Lau. Năm 1972, tại chiến trường Quảng Trị, đoàn pháo binh Bông Lau đã lập một chiến công đặc biệt: Pháo kích uy hiếp, khiến toàn bộ Trung đoàn 56, thuộc Sư đoàn 3 quân đội VNCH phải ra hàng.

Ngày 25.7.1948, Tiểu đoàn 11 đã đánh thắng trận Phủ Thông, huyện Bạch Thông khiến quân Pháp phải rút chạy khỏi Bắc Kạn. Tổng kết Chiến dịch đường số 3 và trận Phủ Thông, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã tặng tiểu đoàn danh hiệu Tiểu đoàn Phủ Thông. Sau này, tiểu đoàn Phủ Thông được chuyển về đội hình Trung đoàn 141, Sư đoàn 312...

Trong kháng chiến chống Mỹ, thêm rất nhiều đơn vị được mang danh hiệu theo các chiến thắng lập được như Sư đoàn 10 (Sư đoàn Đăk Tô), Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 10 (Pleime)...

Tên các khẩu hiệu

Ngày 28.8.1949, quân đội thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên, gồm các trung đoàn 102, 36, 88, mang số hiệu là đại đoàn 308. Đại đoàn vinh dự mang tên Quân tiên phong.

Sau đó, đại đoàn 304 được thành lập tháng 3.1950, mang tên Đại đoàn Vinh Quang. Đây là đơn vị sáng ngày 30.4.1975 đã tiến vào chiếm Dinh Độc lập, bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn trong ngày toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 27.12.1950, đại đoàn 312 được thành lập, được vinh dự mang tên Đại đoàn Chiến thắng. Đúng với tên gọi này, đại đoàn đã tham gia rất nhiều chiến dịch lớn trong 2 cuộc kháng chiến và đều lập chiến công vang dội. Ngày 7.5.1954, đại đoàn là đơn vị bắt sống tướng De Casteri.

“Đoàn pháo binh Tất Thắng” là tên gọi do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho Trung đoàn pháo binh 33, nay là Lữ đoàn 45. Lữ đoàn là đơn vị vinh dự bắn phát đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, tên tuổi của Lữ đoàn gắn liền với mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị, Đường 9..., với nhiều trận đánh tiêu biểu cho Bộ đội Pháo binh. Lữ đoàn cũng vinh dự được giao nhiệm vụ bắn pháo nghi lễ trong các dịp đại lễ của đất nước.

Sư đoàn 3, sư đoàn chính quy đầu tiên của quân giải phóng miền Nam được thành lập ngày 2.9.1965 tại chiến trường Bình Định. Lãnh đạo sư đoàn đã đề nghị các cấp lãnh đạo cho sư đoàn được mang tên “đoàn Sao Vàng” để nhắc nhở cán bộ chiến sĩ hãy dũng cảm chiến đấu vì lá cờ vinh quang của Tổ quốc.

Khi QĐNDVN xây dựng quân đoàn đầu tiên, Quân đoàn 1, thành lập ngày 24.10.1973, đã đặt danh hiệu là Binh đoàn Quyết Thắng, khẩu hiệu vinh quang trên lá quân kỳ.

Trung đoàn không quân đầu tiên của QĐNDVN mang số hiệu 921 được thành lập ngày 30.5.1963 có tên gọi Đoàn Sao Đỏ - biểu tượng chói lòa sơn trên những chiếc máy bay của không quân Việt Nam. Đây là trung đoàn ra quân chiến thắng ngay từ trận đầu, bắn rơi 2 máy bay F-8 của Hải quân Mỹ ngày 3.4.1965. Trong kháng chiến chống Mỹ, trung đoàn đã bắn rơi 137 máy bay Mỹ gồm 14 kiểu loại, trong đó có cả máy bay chiến lược B-52.

Tên các anh hùng dân tộc

Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, nhiều đơn vị tại chiến trường Bình Trị Thiên lấy danh hiệu theo tên các anh hùng dân tộc, như Trung đoàn 101 (Thừa Thiên) lấy tên Trần Cao Vân, Trung đoàn 18 của Quảng Bình mang tên Lê Trực và Trung đoàn 95 của Quảng Trị mang tên Nguyễn Thiện Thuật. Tại chiến trường Phú Yên những năm kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 20 mang tên Trần Hưng Đạo, Trung đoàn 10 mang tên Ngô Quyền.

Bảo vệ vùng trời thủ đô những năm chống Mỹ, trung đoàn tên lửa 263 mang mật danh theo tên vị anh hùng áo vải Quang Trung, trong khi Trung đoàn 274 được mang danh hiệu Đoàn Hùng Vương. Thành lập sau ngày giải phóng miền Nam, Sư đoàn không quân 370 có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời các tỉnh phía Nam, được vinh dự mang tên anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Từ năm 2011, hải quân Việt Nam đưa vào biên chế đội tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9, hai chiếc đầu tiên đặt tên theo tên các vị anh hùng là Đinh Tiên Hoàng (HQ-011), Lý Thái Tổ (HQ-012). Chiếc tàu hộ vệ tên lửa thứ ba mang tên Ngô Quyền (HQ-013) mới được tiếp nhận cuối tháng 10 vừa qua. Theo kế hoạch, hải quân Việt Nam chuẩn bị tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa thứ tư, mang tên anh hùng Trần Hưng Đạo (HQ-014).

lê tiên long

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ky-niem-ngay-thanh-lap-qdnd-viet-nam-2212-nhung-danh-hieu-doc-dao-trong-qdnd-viet-nam-581686.ldo