Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3: Cùng tôn vinh vẻ đẹp chiếc áo dài trên toàn quốc

Những ngày này, các công sở, góc phố, con đường trên cả nước trở nên rực rỡ lạ thường bởi những tà áo dài bay phấp phới với đủ sắc màu. 'Tuần lễ áo dài' là hoạt động thiết thực nằm trong chuỗi sự kiện 'Áo dài- Di sản văn hóa Việt Nam' do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Văn hóa-thể thao và du lịch phối hợp tổ chức đã được các cấp Hội phụ nữ toàn quốc nhiệt liệt hưởng ứng.

Kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 110 năm Ngày quốc tế phụ nữ 8-3, Hội LHPN Việt Nam cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động hội viên, phụ nữ, cán bộ công chức viên chức, nữ thanh niên, sinh viên cả nước mặc áo dài trong “Tuần lễ Áo dài” dài từ 2 đến 8-3-2020 nhằm lan tỏa, tôn vinh giá trị áo dài Việt Nam. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các tỉnh thành và các cấp Hội trên toàn quốc đã vô cùng hào hứng với cuộc phát động và nhanh chóng triển khai đến 100% cán bộ Hội chuyên trách thực hiện; khuyến khích 100% nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện “Tuần lễ Áo dài”. Trong tuần lễ này, ở bất cứ đâu trên đất nước ta đều thấy sự hiện diện vẻ đẹp của tà áo dài. Với nhiều màu sắc vừa rực rỡ, vừa nền nã, chiếc áo dài không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà còn mang ý nghĩa cao đẹp hơn, rộng lớn hơn, là một trong những biểu tượng đẹp đẽ của đất nước, con người Việt Nam.

 Vẻ đẹp áo dài Việt Nam . Ảnh: Fb Tự hào áo dài Việt Nam

Vẻ đẹp áo dài Việt Nam . Ảnh: Fb Tự hào áo dài Việt Nam

Không chỉ mặc áo dài đi làm, các cấp Hội còn vận động chị em mặc trang phục áo dài dân tộc trong các hội nghị, sự kiện của đơn vị, của địa phương, của quê hương, đất nước và trong các sự kiện của gia đình, cộng đồng nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài, đẩy mạnh tuyên truyền, tôn vinh, quảng bá chiếc áo dài và khẳng định chủ quyền áo dài của Việt Nam.

Thêm nữa, các cấp Hội còn có nhiều hình thức tôn vinh áo dài sinh động và phong phú như tổ chức thi ảnh đẹp áo dài, thi ảnh áo dài với di sản quê hương, vận động ủng hộ áo dài cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các cuộc tọa đàm, nói chuyện chuyên đề truyền cảm hứng về áo dài… Một nhóm trên facebook với tên gọi “Tự hào áo dài Việt Nam” đã được thiết lập từ giữa tháng 2 năm 2020. Sau 3 tuần thiết lập, đến nay, nhóm đã có gần 5.000 thành viên với gần 3.000 bài viết.

Các hoạt động trình diễn áo dài, diễu hành và đồng diễn áo dài dự kiến sẽ được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 10 và cao điểm là tại 6 tỉnh/TP(Thủ đô Hà Nội, TP HCM, Đắk Lắk, Cần Thơ, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam). Và trong tháng 4, Hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa quốc gia tổ chức sẽ làm rõ hơn các giá trị liên quan đến áo dài, giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của áo dài Việt Nam, góp phần thu thập thông tin để lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

“Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” là chuỗi hoạt động nhằm góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, khẳng định bản sắc văn hóa qua chiếc áo dài Việt Nam; đồng thời, hướng tới việc công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-niem-ngay-quoc-te-phu-nu-8-3-cung-ton-vinh-ve-dep-chiec-ao-dai-tren-toan-quoc-182398.html