Kỷ niệm ngày nhà thơ Tố Hữu mất (9-12-2002 – 9-12-2012): Tố Hữu với thơ - đi tìm mùa xuân vĩnh hằng

    Tạp chí Văn Hóa & Phát Triển
    Gốc

    Những năm sau 1975 đất nước hòa bình thống nhất, nhà thơ Tố Hữu vẫn hoạt động sáng tác theo quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước. Một lòng trung trinh với cách mạng, dòng thơ mới của ông nhuốm sắc màu thế sự vẫn giữ âm hưởng hào hùng.

    Nhà thơ Tố Hữu mùa xuân 75 tuổi

    Nhà thơ Tố Hữu mùa xuân 75 tuổi

    Tập thơ “Một tiếng đờn” và “Ta với ta” diễn đạt cung bậc nỗi cô đơn bản thể kinh qua trải nghiệm trường đời. Tập thơ được giải thưởng Văn học của khối Asian năm 1996. “Một tiếng đờn” ông viết trong thời kỳ chan chứa niềm vui vẫn bao gồm những chiêm nghiệm sâu lắng về cuộc đời:

    MỚI

    Thế nào là mới, hỡi em?

    Có bao giờ cũ, ngày đêm, đất trời

    Bao giờ chẳng mới dòng đời

    Từ nơi vô tận đến nơi vô cùng!

    Vẫn là muôn thuở thủy chung

    Mầm non nên lá, nên đồng tốt tươi

    Dù qua giông bão, quả rơi

    Thì từ đất, hạt đâm chồi lên xanh

    Và cây lại mọc ra cành

    Cho xuân trước lại hóa thành xuân sau (…)

    Nhà thơ chính luận hàng đầu sâu sắc trước đây giờ chuyển sang triết luận kết lắng. GS Phong Lê nhận định: chất hùng biện được thay bằng sự suy tưởng. Trước đây tiếng thơ của Tố Hữu là tiếng nói lớn với đời, nói với lòng tin, thì lúc này đã có lúc ông nói với mình!

    Nhà thơ Tố Hữu bồng con gái đầu lòng

    Nhà thơ Tố Hữu bồng con gái đầu lòng

    VƯỜN NHÀ

    Cây mơ mọc trước vườn nhà

    Đợi mùa xuân để ra hoa trắng ngần

    Nước mơ như ước mơ gần

    Mát lòng trưa nắng, khỏe chân đường đời.

    Cây đào chín mọng quả tươi

    Ngày chim rúc rích, đêm dơi lượn vòng

    Dịu thơm quả trắng quả hồng

    Chát tê chút vị cho lòng nhớ quê.

    Sân ngoải, cây bưởi xum xuê

    Xuân sang hương ngát, thu về quả treo (…)

    Vườn còn mấy gốc hồng xiêm

    Quanh năm ủ mật, hết chiêm đến mùa

    Đáng yêu cây táo già nua

    Cũng dâng đôi chút ngọt chua cho người (…)

    Thơ Tố Hữu sau 1975 là mảng thơ trữ tình thế sự. Giọng điệu thơ tươi mới hơn với những cảm hứng đời thường. “Cây Táo Già Nua” đã suy ngẫm trong thơ vào cuối đời. Thế kỷ XX sắp kết thúc, nhà thơ “vào tuổi bát tuần” vẫn còn lạc quan yêu đời:

    Bác Hồ lắng nghe Tố Hữu đọc thơ

    Bác Hồ lắng nghe Tố Hữu đọc thơ

    NHƯ XUÂN

    Nghìn năm mà cảnh không già

    Như Xuân tươi mãi vẫn là Như Xuân

    Rừng vàng biết mấy mà cân

    Núi đồi hương quế, hương trầm bay quanh

    Hỡi người sức trẻ, tuổi xanh

    Lại đây, Bến Mẩy, Bãi Trành đợi ai

    Cho ngày nay, cho ngày mai (…)

    Đạt đến tuổi thượng thọ, trong số nhà thơ Việt Nam hiện đại Tố Hữu là một người làm thơ xuân khá nhiều. Thơ ông là lời tin tưởng ở tương lai, tạo thêm màu sắc rực rỡ cho vườn hoa xuân đua nở và trìu mến gửi gắm tin yêu đối với bạn đọc:

    TẠM BIỆT

    Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

    Còn mấy vần thơ, một nắm tro

    Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

    Sống là cho và chết cũng là cho.

    Sinh- Tử là lẽ thường tình của con người. Nhà thơ lớn Tố Hữu "tạm biệt" chúng ta vào một ngày mùa đông năm Nhâm Ngọ (9-12-2002). Những bài thơ Xuân trong toàn bộ sự nghiệp thi ca là tài sản quý báu ông để lại trong kho tàng văn học Việt Nam...

    Vũ Hảo

    Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-ngay-nha-tho-to-huu-mat-9-12-2002-9-12-2012-to-huu-voi-tho-di-tim-mua-xuan-vinh-hang-a16737.html