Kỷ niệm một thời, kỷ niệm một đời

Tôi có Quyết định về làm báo vào cuối năm 1972, lại đúng lúc Tổng thống Mỹ Nixơn tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta.

 Tác giả - nhà báo Đỗ Bảo Châu.

Tác giả - nhà báo Đỗ Bảo Châu.

Những ngày “Bê năm hai”

Vào thời điểm cuối năm 1972, Mỹ điên cuồng đánh phá Hải Phòng, Hà Nội. Cuộc chiến căng thẳng cả ngày lẫn đêm, cũng là lúc các nhà báo xông vào nơi căng thẳng nhất, thậm chí xông vào nơi bom đạn, nơi “tử địa” để hoạt động nghề nghiệp.

Vừa về cơ quan, ông Tổng biên tập đã vỗ vai tôi: “Thế nào! Có dám đi một chuyến không?” Một chuyến đi ngoại thành, lấy tài liệu, chụp ảnh tại chỗ, trong bối cảnh Mỹ đang leo thang đánh phá tại Hà Nội. Tôi không đắn đo suy nghĩ gì cả, nhận lời liền.

Ông Tổng biên tập đã khêu gợi đúng vào bầu máu thanh niên đang sôi sục của tôi. Và thế là tôi và anh Nguyễn Đức Hy, nghe nói cũng mới về báo được máy tháng nay thôi, hăm hở lên đường…

Hai chúng tôi đạp xe đi dọc theo đường Quốc lộ 1, đến Thường Tín thì rẽ sang đường đi Thanh Oai, rẽ tiếp sang đường 6, đi Chương Mỹ. Trong thời gian đi, luôn phải dừng lại, vào hầm trú ẩn có sẵn dọc đường, hết báo động, hoặc khi nghe loa đài nói “Máy bay địch đã bay xa” mới đạp xe đi tiếp.

Đến Chương Mỹ, chúng tôi được cán bộ ở phòng Lương thực huyện đón ở nơi sơ tán. Tranh thủ lúc trời chưa tối, chúng tôi ra “trận địa” của phòng, chụp mấy cảnh trực chiến. Chỉ có một ụ súng có khẩu trung niên lắp đầy băng đạn, còn lại các ụ khác là súng trường.

Lần đầu tiên tôi thấy các ụ trực chiến, súng trường chĩa lên trời để bắn máy bay phản lực Mỹ. Khi hết báo động, các anh chị em lại về nơi sơ tán. Được biết đội “trực chiến” thay nhau trực suốt ngày đêm.

Khi các cán bộ của phòng đang chuẩn bị đãi cơm các nhà báo, thì có còi báo động. Thế là tất cả đều chui xuống hầm “dã chiến”. Hầm này được đào sâu, đắp đất xung quanh, nhưng khá rộng rãi, có “lưới phòng không” chăng bên trên.

Và một mâm cơm thịnh soạn, có cả thịt gà, canh khoai sọ, bày trong hầm “dã chiến”. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được đón tiếp ngay trong hầm, giữa tiếng còi báo động. Một bữa cơm tiếp khách được dọn ngay dưới hầm, trong những ngày làm báo “Bê năm hai” này…

Chuyến đi vừa “xui” vừa “hên”

Đó là chuyến đi các tỉnh miền Tây, tức là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hồi đó vào cỡ năm 1977 – 1978.

Trong lúc đang tha thẩn để chụp một số cảnh sinh hoạt ở Sài Gòn, tôi bỗng thấy một gã – cũng cầm máy ảnh – bám theo. Tôi hơi ngạc nhiên, thì gã chủ động bắt chuyện: “Anh là phóng viên, là nhà báo?” Tôi trả lời: “Ừ! Thế thì sao?” Gã cười, kiểu cười nịnh: “Em thì… chỉ là chụp ảnh dạo thôi. Em muốn nói với anh thế này…”.

Gã hơi ngập ngừng. Mà tôi cũng hơi tò mò. Tôi nhìn gã. Năm đó, tôi hơn ba mươi tuổi. Còn gã phải cỡ “tứ tuần”. Ấy thế mà gã cứ gọi “anh” xưng “em” ngọt xớt. Hẳn là gã muốn nhờ vả, cầu cạnh gì đây.

Chắc là lại chuyện nhờ mua phim, mua giấy ảnh. Tôi đã thầm chuẩn bị câu trả lời từ chối, thì gã nói: “Anh à! Mấy hôm nữa là bắt đầu hội Vía Bà. Năm nào họ cũng tổ chức cho chụp ảnh dạo. Nhưng chỉ cấp thẻ cho các nhà báo thôi. Bọn em thì…”.

Thấy gã gãi tai, tôi liền hỏi: “Thế thì sao?” Gã cười nhăn nhở: “…Là em muốn nói, anh đi đi…Cũng kiếm được kha khá đấy. Chỉ cần dự độ ba, bốn ngày thôi mà… Anh đi, cho em đi cùng. Có anh, em mới có được cái thẻ…”.

Tôi đã hiểu ra, bèn hỏi: “Vía Bà ở đâu?”. Gã mừng ra mặt, nói vanh vách đường đi lối lại. Tôi nghĩ cũng chả mất gì. Cho gã đi cùng, cũng hay. Cũng là một dịp học thêm cái nghề “chụp ảnh dạo” kiếm tiền…

Đi hội Vía Bà đến ngày thứ tư, tính chuyện rút. Buổi trưa, tôi ra chỗ phơi quần áo, cất cái áo sơ-mi. Nhưng không thấy đâu.

Quái lạ! Đã cặp cẩn thận. Tôi chột dạ, vào chỗ để túi đồ nghề, hoảng hồn vì cái máy ảnh “Ca-non net” không cánh mà bay. Ngó sang chỗ giường gã đi cùng, thì gã đã “chuồn” từ lúc nào. Hiểu rồi! Làm phúc phải tội. Vớ phải một thằng lưu manh. Thật đáng đời.

Tôi định về ngay Sài Gòn. Nhưng nghĩ lại, có về ngay cũng giải quyết được gì? Đành tiếp tục chuyến đi. Cũng may còn cái máy ảnh chủ, máy “Plếch” luôn đeo bên người. Tôi bèn ra bến sông, chụp vớt vát lấy mấy kiểu ảnh các đoàn tàu, ghe chở thóc. Tôi leo lên một cái xuồng, nhờ chủ xuồng chèo ra giữa sông.

Chọn được chỗ thuận lợi, tôi giơ máy lên bấm. Đúng lúc ấy, một chiếc tàu lớn chạy qua. Sóng đánh khiến chiếc xuồng chòng chành, nghiêng ngả. Bất ngờ cái máy ảnh đang cầm, rơi tõm xuống sông.

Tôi hốt hoảng, không biết làm sao, thì một anh ở xuồng bên cạnh nhảy ùm xuống. Chỉ lát sau đã dơ lên cái máy ảnh. Tôi mừng quá, vừa cảm ơn, vừa hỏi tên. Anh ta xua tay: “Anh Hai về lẹ Sài Gòn mà sửa máy. Để lâu là hư máy đó nghe!”.

Tôi hiểu ra, gật đầu lia lịa. Tôi lên bờ, vẫy một chiếc xe đò, về Sài Gòn, đến thẳng chỗ xưởng sửa chữa Thông tấn xã. May quá! Cuộn phim chụp dở vẫn tráng ra phim, không bị hỏng. Máy sấy khô. Thoát!

Tôi về, tìm chỗ mấy tay chụp ảnh dạo. Một ông cao tuổi, nghe chuyện, bảo tôi: “Thôi em ạ! Cái thằng ấy ở đây, ai cũng biết. Gia đình mạt hạng, kiếm ăn từng bữa. Rồi nó cũng chẳng ra gì. Đừng tìm mà thêm tức!” Tôi thấy ông già nói phải, đành thôi.

Tưởng được ăn cỗ, hóa ra…

Hồi đó, cơ quan không có xe con. Đi đâu cần có xe, phải mượn. Nhà máy hoa quả xuất khẩu Tương Mai, vốn là chỗ thân thiết với báo. Ông Minh – Giám đốc – xởi lởi và nhiệt tình. Ông Thịnh, lái xe, cũng rất thích đi với các nhà báo. Do báo Nông nghiệp Việt Nam có một bài điều tra khá “gai góc” về xã Tam Hiệp, thuộc huyện Thanh Trì – Hà Nội, nên cả xã sục sôi phản ứng. Họ hẹn báo Nông nghiệp Việt Nam xuống làm việc.

Biết là tình hình sẽ căng, Ban biên tập bèn cử một Trưởng ban, một Phó ban và tác giả bài báo đi. Nhưng trong tình thế như vậy, phải có xe con xuống…

Tòa Soạn nghĩ ngay đến nhà máy hoa quả Tương Mai, bèn cử tôi và ông Phó trưởng ban xuống liên hệ, mượn xe. Nhà máy có chiếc Uoat “đít tròn” rất oách và giám đốc cho mượn ngay. Bác Thịnh lái xe cũng khấp khởi mừng thầm, chắc hẳn có một bữa nhậu thịnh soạn để tiếp các nhà báo.

Không dè, buổi làm việc khá căng thẳng. Cán bộ xã (có một ông “đại tá”, tự giới thiệu là hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã) rất gay gắt, cho rằng bài báo đã nói xấu họ, nói xấu xã.

Trong tình thế đang ở trên đất địa phương, lại thấy bên ngoài một bọn đang chuẩn bị gậy gộc, nên đoàn nhà báo giữ thái độ mềm mỏng. Mềm mỏng nhưng kiên quyết.

Đến gần trưa, lấy lý do cơ quan báo chí rất bận, phải về, nên nhanh chóng rút lui. Đúng lúc đoàn nhà báo ra xe, thì một bọn chuẩn bị gậy gộc định chặn đường. Ông Trưởng đoàn vội vàng bảo bác Thịnh nổ máy và rồ ga, vọt xe, khiến bọn côn đồ không kịp trở tay. Khi xe ra đến đường quốc lộ, ông Thịnh mới hoàn hồn, bảo rằng: “Thì biết đâu tiếp nhà báo lại có một bọn thiếu văn hóa đến thế. Cứ tưởng…”.

Ông Trưởng đoàn cười trừ: “Thôi bác Thịnh ạ! Bọn em sẽ chiêu đãi bác một bữa, không phải ở xã, mà ở nhà hàng…”

Thế là tất cả kéo nhau vào một quán ăn ven đường…

Đỗ Bảo Châu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ky-niem-mot-thoi-ky-niem-mot-doi-d277876.html