Kỷ niệm làm báo ở đảo vắng

Mới đây tôi có dịp trở lại thôn Tân Lập, một thời đông hộ nghèo nhất của xã Quan Lạn (Vân Đồn). Dáng dấp của một làng quê nghèo đã không còn, mà thay bằng hình bóng điểm du lịch năng động đang dần hiện lên. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Tuy Tân Lập là thôn của xã Quan Lạn, nhưng địa giới hành chính lại nằm trên đất đảo của xã Bản Sen (Vân Đồn). Từ Bản Sen có thể theo con đường bê tông nông thôn mới là đến được Tân Lập. Trong khi đó, từ Quan Lạn muốn đến được Tân Lập phải đi tàu mất khoảng 30 phút.

Cách đây hơn 10 năm, tôi đến công tác tại Bản Sen, thấy tôi ngỏ ý muốn đến Tân Lập, anh cán bộ xã bảo: Chúng tôi là lãnh đạo xã Bản Sen lại cử người đưa anh sang Tân Lập là không đúng, nhưng chiều lòng nhà báo, cũng là công tác tuyên truyền chung của huyện, chúng tôi sẽ cho cán bộ dẫn anh sang.

Tân Lập hồi ấy (năm 2007) giống ốc đảo, gần như tách biệt với xã hội trên đất liền với nhiều cái không: Không điện, không đường liên thôn, đường đi chỉ là lối mòn tắt qua các cánh rừng hay bờ ruộng, thậm chí đi nhờ qua sân nhà người khác. Thôn cũng không có điểm cập tàu, người dân phải đi nhờ bến tàu xã Bản Sen, thôn không có trạm xá (may mà rất ít người ốm đau). Ngay cả những buổi tuyên truyền người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng không có nốt, hoặc không cần thiết, vì cả thôn thời đó không có hộ dân nào có xe máy và thời điểm từ 2007 trở về trước thôn không có hộ thoát nghèo (100% hộ nghèo).

Từ năm 2007 trở về trước, Tân Lập luôn có 100% hộ nghèo.

Từ năm 2007 trở về trước, Tân Lập luôn có 100% hộ nghèo.

Tôi cùng anh cán bộ xã Bản Sen đến thôn Tân Lập từ sáng sớm, vì thời ấy chưa có con đường bê tông như bây giờ, chúng tôi phải cuốc bộ hơn chục cây số tắt qua những cánh rừng. Đến gần trưa, anh cán bộ xã Bản Sen bảo: Sắp đến Tân Lập rồi.

Trước mắt chúng tôi hiện ra hai con đường, một đường to và một đường nhỏ. Do lâu ngày không đến Tân Lập nên anh cán bộ Bản Sen cũng không rõ đường nào, vậy là chúng tôi bụng bảo dạ: “Chắc đường to là đường liên thôn, đường nhỏ là đường ra đồng ruộng”. Chúng tôi cứ chọn đường to đi, nào ngờ càng đi càng thấy rừng hun hút, leo dốc mồ hôi vã ra, miệng thì khát, nhiều khi chân không bước nổi vì mệt. May sao chúng tôi gặp được đường ống dẫn nước vắt qua đường do người dân dẫn nước từ rừng về có chỗ bị thủng, tia nước vọt lên. Vậy là chúng tôi có nước uống để qua cơn khát.

Sau khi đã uống nước hồi sức, chúng tôi mới bàn nhau quay lại điểm xuất phát xem sao, vì có thể mình bị nhầm đường. Lần này chúng tôi chọn con đường nhỏ để đi và thầm reo lên, khi thấy sau những bóng cây rừng thấp thoáng một mái nhà hiện lên.

Con đường từ Bản Sen sang Tân Lập đang được mở rộng để phát triển kinh tế và đẩy mạnh du lịch.

Chủ nhà tên là Phạm Văn Hải khoảng 50 tuổi, trông khắc khổ. Nơi gia đình ông Hải sống gọi là xóm Bản Gộc rộng thênh thang vì chỉ mỗi gia đình ông Hải, còn chẳng có ai. Ông Hải bảo: Trước đây Bản Gộc có 26 hộ dân. Họ là các xã viên của HTX Đánh cá Quan Lạn, nhưng sau khi xóa bỏ bao cấp, phải tự chủ về kinh tế nên HTX tan rã và các xã viên cũng bỏ luôn về định cư tại đảo lớn Vân Đồn. Vậy là trong những cái "không” của Tân Lập, ông Hải còn thêm một cái “không” nữa là không hàng xóm.

Khi nghe chúng tôi kể lại chuyện, ông Hải phá lên cười, hóa ra đường to là đường bà con làm để cho trâu đi, còn đường nhỏ là đường để cho người đi. Do ở Tân Lập thời điểm đó không có ô tô, xe máy, chỉ có người đi bộ, nên không cần đường to. Nhưng con trâu thì cần, vì trâu kéo gỗ, nếu đường nhỏ sẽ vướng víu không đi được.

Khi biết tôi là nhà báo, ông Hải lập tức thông báo cho trưởng thôn. Vậy là buổi tối mọi người tự bảo nhau đến nhà trưởng thôn, dù không phải là buổi họp thôn. Họ bảo rằng, lần đầu tiên họ thấy nhà báo đến thôn. Họ kể về cuộc sống khốn khó của thôn mình và rất mong có tiếng nói của báo chí.

Đa phần các ngôi nhà ở Tân Lập ngày nay đã được làm lại, mang xu hướng hiện đại.

Luồng gió nông thôn mới đến với Tân Lập đã giúp thôn đổi thay rất nhiều, đường liên thôn đã được bê tông hóa nối liền Tân Lập với các thôn khác ở Bản Sen. Vì là thôn cách biệt của xã đảo Quan Lạn nên Tân Lập cũng được xây bến cập tàu riêng và đã có điện lưới. Đặc biệt Tân Lập lại được chọn làm điểm du lịch với nhiều dự án xây dựng homestay, nên giá đất tăng rất nhanh. Nhiều người không chỉ rũ được cái mác “hộ nghèo” mà bỗng dưng trở thành tỷ phú vì có nhiều đất. Chẳng ai muốn nghèo để dựa vào Nhà nước nữa, thôn chỉ còn 1 hộ nghèo. Cuộc sống ở Tân Lập đã thay đổi rõ rệt.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/ky-niem-lam-bao-o-dao-vang-2488535/