Kỷ niệm Hồng tang Cụ Hoàng Thị Minh Hồ

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cụ Hoàng Thị Minh đã từ giã cõi trần đúng 100 ngày. Vậy mà hình ảnh của Cụ vẫn sống động quanh đây, là tấm gương sáng cho người đời học tập.

Tề gia

Chị Phạm Thị Yến, con dâu cụ Hoàng Thị Minh Hồ, bồi hồi nhớ: - Mẹ chị cẩn thận, chu đáo lắm, rất trọng chữ tín và giữ lễ với khách. Ai đến cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Mấy năm nay yếu hơn, chị giúp mẹ việc tiếp khách gia đình.

Vào mùa sen, phố phường Hà Nội thoảng nhẹ hương sen đâu đó dâng lên từ các đầm, hồ. Khi còn khỏe, tự tay mẹ chị lựa những bông sen Hồ Tây thơm ngát để ướp chè. Chè chọn loại chè Đông (không dùng chè Xuân) để ướp chè, cho nước có vị đậm. Trước khi ướp chè, thì cho chè vào cái chõ đồ sôi rồi đun cho hơi bốc lên (gọi là rửa chè), rồi sấy chè bằng chai thủy tinh đựng đầy nước sôi 1 ngày 1 đêm, quây chè bằng giấy bóng kính, thêm lớp vải bọc bên ngoài để giữ đọ nóng, chè giòn, khô, rồi mới ướp hoa sen, hoa nhài... Khi ướp chè, tỷ lệ chè/gạo sen là 1/1. Cứ 1kg chè ướp với 1kg gạo sen. Nhưng phải ướp làm 5 lần, tức là chia 1kg gạo sen ra 5 phần (200g). Lấy 200g gạo sen ướp với 1kg chè. Cứ 1 lớp chè, dải một lớp gạo sen... Ướp, ủ, rồi sàng gạo sen ra. Lấy phần gạo sen đó ướp với 300g chè khác (gọi là chè sái). Cứ ướp 5 lần gạo sen với chè như vậy. Ta được kg chè sen chính và 300g chè sái.

Đây là cả một sự tinh tế nâng tầm trà đạo Việt. Mẹ chị nói: - Khách quý mình thì mới đến chơi và tặng quà. Mẹ già rồi, không có gì ngoài ấm chè tự ướp để đáp lễ, tỏ lòng hiếu khách... Con giúp mẹ nhé.

Theo mẹ chồng thì mẹ chồng và bố chồng chị chưa hề nói lớn tiếng với nhau lần nào. Thời trẻ, hai cụ sống rất tiết kiệm, tần tảo sớm khuya với các chứng từ sổ sách, có khi vừa chợp mắt gà đã gáy báo sáng. Từ nhỏ, bằng đồng tiền tiết kiệm, Cụ Ông đã tập buôn vải ở đầu chợ, mang xuống cuối chợ bán, kiếm chút đồng tiền lãi. Từ bài học nhỏ ban đầu, sau này trong kinh doanh, hai cụ đặc biệt quan tâm đến chất lượng vải và giữ chữ tín với khách hàng... và trở thành nhà tư sản dân tộc yêu nước.

Bữa ăn mà còn chút nước mắm thừa, mẹ chị dặn không được đổ đi mà để lại lần sau có nấu nướng gì thì cho vào. Nhiều lúc sợ đổ chỗ nước mắm thừa đi, thỉnh thoảng mẹ chị hỏi bát nước mắm đâu. Chị đưa ra cho mẹ xem và bà cười. Ăn cơm thì không được để thừa hạt cơm, vì người nông dân phải lao động 3 tháng 10 ngày mới làm ra được hạt gạo. Hạt gạo là ngọc thực. Không được bỏ phí.

Mẹ chị trân quý từng chút kỉ vật... trong đó có chiếc tràng kỉ mà Bác Hồ đã tạm nghỉ lưng trong những ngày viết Tuyên Ngôn Độc Lập. Đó là nếp nhà gia giáo của người Hà Nội cổ.

Tấm lòng người Mẹ

Một trăm linh tư tuổi, lúc bị ốm nằm trên giường bệnh, nhìn ti vi thấy đồng bào miền Trung bị cảnh lũ lụt làm cho khốn khó cụ Hoàng Thị Minh Hồ khóc, mắt đỏ hoe... Nhớ lại những ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), “Tiền mặt ở Ngân khố Trung ương lúc bấy giờ chỉ có 1.250.000 đồng”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký sắc lệnh 04, ngày 04/09/1945 thành lập “Quỹ Độc lập”, rồi phát động “Tuần lễ Vàng” từ ngày 17 đến 24/09/1945, do cố vấn Vĩnh Thụy (nguyên cựu Hoàng Bảo Đại) có Lời kêu gọi quốc dân đồng bào tham gia “Quỹ Độc Lập” (17/09/1945). Cụ Hoàng Thị Minh Hồ nhớ như in: “Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước khi Cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ, nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lạng vàng. Về sau, tổng số vàng ủng hộ là 5.147 lạng vàng.”

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ và chồng là nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô là hai người đã tham gia Việt Minh, thể hiện nhiệt tâm ủng hộ Chính phủ Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và Nhà nước Việt Nam non trẻ lúc còn trứng nước... “Làm dân một nước vẻ vang/ Đem vàng cứu nước giàu sang nào bằng”.

“Cứ đem lòng dân mà đo vận nước thì luôn chính xác” (Trương Tấn Sang). Dân quyết theo Đảng thì dù nước có bị mất, vẫn lấy lại được nước.Gia đình là nền tảng của xã hội. Tề gia là để gìn giữ gia phong, giữ nét văn hóa thuần phong mỹ tục của dân tộc. Cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã thực hiện trọn vẹn việc tề gia và trách nhiệm với đất nước.

Mong rằng 100 ngày (13/02/2018) hồng tang, Cụ Hoàng Thị Minh Hồ 104 tuổi được thanh thản nơi cõi Phật...

Trần Minh Thu |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ky-niem-hong-tang-cu-hoang-thi-minh-ho-59754