Kỷ niệm đẹp của người cộng tác viên đầu tiên

Ông Nguyễn Vạn Thọ (thôn Bắc Nam, xã Hoằng Lộc) tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ nằm nép mình bên những rặng dừa lao xao gió. Tuy đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mái đầu đã bạc, bước chân và đôi tay đã không còn vững vàng, nhanh nhẹn nhưng trong cách nói chuyện của ông vẫn toát lên sự minh mẫn, khúc triết của một người có chiều sâu văn hóa. Từng chồng báo, cũ có, mới có xếp ngay ngắn, được ông Thọ mang ra khoe với những vị khách lạ. Cẩn thận lấy từ trong chồng báo một tờ báo cũ, giấy đã ngả màu thời gian, ông Thọ thân tình giới thiệu: 'Đây là tờ báo biếu mà tôi nhận được từ năm 1962 và là số báo lần đầu tiên của Báo Thanh Hóa bây giờ đấy'. Đã 57 năm trôi qua kể từ ngày số báo Thanh Hóa đổi mới đầu tiên (nay là Báo Thanh Hóa) ra mắt bạn đọc (ngày 20 – 3 – 1962) với biết bao thăng trầm, thay đổi, ông Thọ vẫn nhớ như in niềm vui sướng lâng lâng trong cái khoảnh khắc được cầm trên tay tờ báo biếu.

Ảnh minh họa.

Nhắc về bài thơ “Mừng báo Đảng” do ông sáng tác được đăng trên tờ báo Thanh Hóa đổi mới, số ra đầu tiên, ông Thọ cho biết: Bài thơ được ông sáng tác khi ông đang làm Hiệu phó Trường Tiểu học Hoằng Lộc và Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn huyện Hoằng Hóa. Thời kỳ đó, trong nội bộ Đảng đã có những thông báo về việc Tỉnh ủy Thanh Hóa ra nghị quyết thành lập cơ quan báo và xuất bản tờ báo Thanh Hóa đổi mới – cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Biết ông Thọ có năng khiếu sáng tác lại thường xuyên cộng tác với nhiều tờ báo, các đồng chí cán bộ, giáo viên trong Chi bộ Đảng nơi ông công tác “buông lời thách thức”, vừa có ý “khích tướng” nhưng cũng là “giao nhiệm vụ”, “trọng trách cao cả” phải có bài cộng tác với báo. Và thế là những dòng chữ đầu tiên của bài thơ Mừng báo Đảng ra đời.

Tác phẩm chỉn chu hoàn thành sau bao nhiêu lần chau chuốt, nắn nót từng dòng chữ viết tay, ông Thọ cẩn thận đóng phong bì thư và trực tiếp mang qua bưu điện xã gửi. Ông Thọ chia sẻ: “Lần đầu gửi bài cộng tác với báo Đảng địa phương, lại là bài cộng tác cho số báo ra đầu tiên nên tâm trạng ông lúc đó rất háo hức. Bài gửi xong rồi mà ra về cứ cảm thấy hồi hộp mãi.

Hai, ba ngày chưa thấy có hồi âm gì lại nghĩ vẩn vơ, chắc bài mình còn kém, không đăng được”. Thế rồi mọi nỗi niềm trông ngóng, chờ đợi bỗng nhiên vỡ òa khi người bưu tá mang báo biếu đến gửi cho ông. Ông Thọ cười vui vẻ khi nhớ lại khoảng khắc đó: “Báo biếu được tòa soạn đóng gửi cẩn thận theo địa chỉ nhà trường, lúc bấy giờ ông vẫn còn đang giảng bài trên lớp. Nghe tin, đồng nghiệp trong trường xúm lại rôm rả chúc mừng rồi cùng nhau xem báo”. Ông nhớ, nội dung của số báo đầu tiên ấy có bài chính luận của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Trọng Vĩnh được trình bày trang trọng ngay trang nhất. Ngoài ra, còn có bài viết của đồng chí: Lê Thế Phiệt - Ủy viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Vũ Đình – Thông tín viên... Cũng trong số báo này, tòa soạn Báo Thanh Hóa đổi mới đã có lời tri ân gửi tới độc giả. Báo ra 4 trang, duy nhất chỉ có một bài thơ của cộng tác viên được đăng khoảng giữa trang 3 ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ. Khoảng nửa tháng sau khi báo đăng bài thơ Mừng báo Đảng, ông Thọ nhận được nhuận bút, cũng được gửi đến theo đường bưu điện. Không nhớ chính xác số tiền mình nhận được, ông áng chừng khoảng 4 – 5 đồng bạc. Ông hóm hỉnh nói: “So với đồng lương mà ông nhận được từ công việc dạy học, nhuận bút của Báo Thanh Hóa đổi mới lúc đó cũng ra tấm ra món lắm đó.

Ở cái tuổi 87, không còn được sung sức như trước nhưng ông Thọ vẫn chăm chỉ đọc báo hằng ngày. Đối với ông, đọc báo đã trở thành một thói quen, nếp sống, “1, 2 ngày không đọc được tờ báo là không chịu được”.

Đối với Báo Thanh Hóa, ông Thọ vẫn nhất mực một niềm tin yêu như “cái thuở ban đầu” ông cầm trên tay số đầu tiên với biết bao vui mừng, vinh dự. Đúng như ý nghĩa của những vần thơ mà ông gửi gắm trên báo vào 57 năm về trước:

“Đọc báo Đảng, ta thêm yêu cuộc sống

Gặp gian nan biết ngẩng cao đầu

Đường dài vươn tới mai sau

Càng yêu báo Đảng càng giàu lòng tin”.

Nguyên Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ky-niem-dep-cua-nguoi-cong-tac-vien-dau-tien/98334.htm