Kỷ niệm đáng nhớ lần tác nghiệp ở APEC Ðà Nẵng 2017

Gần 2 năm trước, tôi và cậu phóng viên trẻ cùng phòng được Ban Biên tập cử vào Ðà Nẵng, phối hợp với nhóm phóng viên thường trú đưa tin về Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Quãng thời gian 8 ngày lưu lại thành phố biển đáng sống này đã để lại nhiều kỷ niệm về hoạt động nghề mà chúng tôi vẫn thường gọi đùa là 'Ăn, ngủ và làm việc cùng APEC'.

“Chuyên cơ” cho các nhà báo

Theo lịch trình hoạt động, Tuần lễ cấp cao APEC Ðà Nẵng 2017 kéo dài từ 6 đến 11 tháng 11. Chiều 5-11-2017, chúng tôi lên chuyến bay VJ 517 của hãng hàng không Vietjet vào Ðà Nẵng. Thật bất ngờ là khi vừa tới sân bay đã gặp rất nhiều người quen. Làm xong các thủ tục, ngồi đợi ở cửa ra tàu bay cùng chúng tôi còn có hàng chục nhà báo khác.

Cùng theo dõi mảng đối ngoại đã lâu, chị em, anh em gặp nhau là biết ngay, cứ cười đùa ríu rít. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh APEC, nào là phóng viên báo vào Ðà Nẵng bao nhiêu người, có làm trực tiếp hay không, thuê trọ ở đâu, phòng ốc thế nào, chi phí dịch vụ ra sao, thuận tiện đi lại không...

Thời tiết mưa suốt trong Tuần lễ cấp cao APEC Ðà Nẵng 2017 khiến chuyện tác nghiệp của cánh phóng viên cũng trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Viết Phùng

Thời tiết mưa suốt trong Tuần lễ cấp cao APEC Ðà Nẵng 2017 khiến chuyện tác nghiệp của cánh phóng viên cũng trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Viết Phùng

Cả một khoảnh ở phòng chờ sân bay cứ gọi là “vui như Tết”. Chiều về từ Ðà Nẵng tới Hà Nội trên chuyến bay VJ 510 ngày 12-11-2017 cũng vậy, phòng chờ kín mít toàn các nhà báo. Cũng phải thôi, bởi theo thống kê từ Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao, tham gia đưa tin các sự kiện của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 có hơn 3.000 phóng viên trong và ngoài nước.

Sau này, khi chúng tôi hỏi một anh bạn làm ở Vietjet thì được biết, trong khoảng thời gian từ 5 đến 12 tháng 11 năm 2017, trên tất cả các chuyến bay của hãng này theo hành trình Hà Nội-Ðà Nẵng, Ðà Nẵng-Hà Nội, số hành khách là nhà báo chiếm tới 3/4. Vì thế, chúng tôi vẫn nói vui với nhau là, “oách phết, các nhà báo cũng có “chuyên cơ” đưa đón để làm tin APEC”.

“Dép tổ ong thần thánh”

Thời tiết Ðà Nẵng những ngày trước và trong khi diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2017 không được thuận tiện cho lắm. Trời se lạnh, mưa liên miên, bão liên tục hoành hành ở khu vực miền Trung khiến nhiều quận, huyện ở Ðà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và các tuyến đường huyết mạch nối từ các tỉnh này tới Ðà Nẵng bị ngập nặng, có nơi không đi được. Ðường phố quanh Ðà Nẵng ẩm ướt, mưa lớn, gió mạnh thổi bay hàng loạt poster và những biển quảng cáo chào mừng Tuần lễ cấp cao APEC...

Hơn 3.000 phóng viên tham gia đưa tin Tuần lễ cấp cao APEC Ðà Nẵng 2017. Ảnh: Viết Phùng

Vậy nhưng, các nhà báo vẫn hăng say tác nghiệp tại các Trung tâm hội nghị, ngoài đường phố và sân bay quốc tế Ðà Nẵng. Trên người họ luôn có chiếc áo mưa mỏng và túi nilon to để che chắn cho chiếc máy ảnh hoặc máy quay và một đôi dép tổ ong màu trắng hoặc màu nâu.

Chả là khi tác nghiệp, nếu đi giày thì nước mưa sẽ chui vào nên đi dép là dễ nhất. Tôi còn nhớ như in hình ảnh đầu tiên đập vào mắt khi tới Trung tâm báo chí quốc tế APEC sáng 6-11-2017, tức vào ngày làm việc đầu tiên của Tuần lễ cấp cao APEC. Vì văn phòng thường trú có một chiếc xe được cấp giấy ra vào nên chúng tôi may mắn hơn các đồng nghiệp khác khi được đưa tới tận thềm cửa Trung tâm báo chí quốc tế.

Nhưng nhiều đồng nghiệp khác của chúng tôi phải cuốc bộ một quãng khá xa từ cổng vào. Con đường đi rộng, mưa như trút nước, gió rít bên tai khiến cả những phóng viên có chiều cao vượt trội và “thân hình vững chắc” cũng liêu xiêu và ướt.

Thế nên mọi người mới nảy ra sáng kiến mượn tạm đôi dép tổ ong của khách sạn để đi, còn giày thì cất vào balo. Không chỉ có phóng viên Việt Nam mà ngay cả các phóng viên nước ngoài cũng dùng chiêu thức này. Vậy là từng đoàn phóng viên cứ lẹt quẹt đi dép tổ ong vào tận bên trong Trung tâm báo chí quốc tế APEC.

Thậm chí, có những phóng viên nữ sau một hồi phải chạy đi chạy lại nhiều, đau chân quá, đành tạm biệt đôi giày gót cao xinh đẹp để đút chân vào đôi dép thần thánh kia. Lần đầu tiên tại một Trung tâm báo chí quốc tế, từ “dép tổ ong” được nhắc đến thường xuyên như một cứu cánh và ai cũng cảm thấy tự hào vì mình đã tìm được một giải pháp không thể tốt hơn.

Và những hạnh phúc nhỏ nhoi

Mỗi lần APEC nhóm họp, có khoảng 2.000 quan chức tham dự nhưng tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 ở Ðà Nẵng, số đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên và các tổ chức quốc tế đã lên tới hơn 10.000 người. Mỗi ngày có gần 10 cuộc họp khác nhau nên cánh phóng viên chúng tôi cũng phải lựa chọn các chủ đề mà tờ báo mình quan tâm để phân công người theo dõi.

Tiếp đó là công đoạn dò la thông tin, nín thở chờ đợi được cấp cái thẻ Pool vào đầu giờ mỗi ngày hoặc 3 tiếng trước khi sự kiện diễn ra. Thẻ Pool nói nôm na là cái “giấy phép con” cho phép phóng viên được vào hội nghị và tác nghiệp.

Muôn kiểu tác nghiệp. Ảnh: Viết Phùng

Số lượng thẻ này chỉ có hạn và nếu muốn có, phóng viên phải xếp hàng dài chờ đợi. Thế nên niềm hạnh phúc nhất của chúng tôi vào mỗi buổi sáng hàng ngày trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 chính là việc có được một cái thẻ Pool.

Có được thẻ Pool và tác nghiệp là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Với các hãng truyền thông quốc tế lớn, họ đến Ðà Nẵng cùng một đội ngũ hùng hậu và một khối lượng thiết bị kỹ thuật khủng thì điều này không khó.

Chẳng hạn như hãng AP, ngoài hơn chục phóng viên thì họ còn mang đến Ðà Nẵng hơn 700kg thiết bị máy móc cho nên hình ảnh mà họ truyền tải được có chất lượng khá cao. Cùng đứng ở sân bay trong một khu vực quy định nhỏ (Media zone), cách nơi các nguyên thủ đi xuống từ sân bay khoảng 400m nhưng với những phóng viên được trang bị máy ảnh và máy quay “khủng” thì “hàng” của họ bao giờ cũng rất chuẩn và nét.

Thế nên, hạnh phúc của phóng viên tại hiện trường khi đó lại là có được một tấm ảnh hoặc slot hình ưng ý. Tiếp nữa là việc chộp được những khoảnh khắc vàng của các nguyên thủ trong hội nghị để có những bức ảnh giá trị riêng.

Và cuối cùng, như các cụ đã nói “có thực mới vực được đạo”, không có gì vui sướng hơn ngoài việc sau khi mệt lử vì tác nghiệp ở sân bay hoặc ngoài đường, bạn được trở về Trung tâm báo chí quốc tế APEC ngồi trong phòng rộng điều hòa mát lạnh thưởng thức sữa chua, sữa uống, bánh ngọt, hoa quả và các loại nước giải khát. Cái sướng nhất của cánh phóng viên APEC chúng tôi là được phục vụ chu đáo, đầy đủ với buffet các món ngày 2 bữa chính và 2 bữa ăn nhẹ giữa buổi sáng và buổi chiều.

Huyền Chi (ghi)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/db-ky-niem-dang-nho-lan-tac-nghiep-o-apec-a-nang-2017-550093/