Kỷ niệm chặng đường 71 năm vẻ vang của ngành Thông tin và Truyền thông

Ngày 27-8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2016). Đây là năm đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày truyền thống của ngành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28-8 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Thông tin và Truyền thông

Tới dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Diễn văn của đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Lễ kỷ niệm nêu rõ, 71 năm qua, các lĩnh vực công tác thông tin và truyền thông đã có sự trưởng thành vượt bậc, ngày càng thấm sâu vào từng việc làm thiết thực, giúp cho quốc kế, dân sinh; ngày càng gắn kết, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đọc diễn văn kỷ niệm.

Trong 30 năm đổi mới đất nước, ngành Thông tin và Truyền thông đã trở thành ngành tiên phong thực hiện đường lối đổi mới một cách sáng tạo với quyết sách "Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ".

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 859 cơ quan báo, tạp chí in; 126 cơ quan báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh truyền hình và 32 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 180 kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá, 122 kênh truyền hình trả tiền; gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ. Cả nước hiện có 63 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in và trên 13.000 cơ sở phát hành; số lượng sách xuất bản hàng năm khoảng 24.000 cuốn; mạng lưới bưu chính hiện có 12.738 điểm; 91,7% số xã trong cả nước có báo Nhân dân đến trong ngày; tổng số thuê bao điện thoại di động đạt trên 126 triệu thuê bao, tỷ lệ phủ sóng di động trên toàn quốc đạt 95%.

Tổng doanh thu các doanh nghiệp viễn thông năm 2015 đạt hơn 526 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 48 nghìn tỷ đồng; lĩnh vực công nghệ thông tin hiện có trên 15.000 doanh nghiệp hoạt động; kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện hàng năm đạt hơn 32 tỷ USD, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2015 đạt hơn 20 tỷ USD…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.

Với những thành tích đã đạt được, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành Thông tin và Tuyền thông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, sự hy sinh anh dũng và những thành tích to lớn, toàn diện mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được trong suốt chặng đường 71 năm qua.

Đồng chí Vũ Đức Đam tặng Cờ thi đua Chính phủ cho Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý một số lĩnh vực trọng tâm mà Ngành Thông tin và Truyền thông cần làm tốt hơn trong thời gian tới. Trước hết là nâng cao hiệu quả quản lý các cơ quan báo chí thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin.Trong đó, quản lý cần theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các loại hình truyền thông xã hội. Đồng thời, coi trọng công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đẩy mạnh thông tin cơ sở là công cụ hiệu quả trong tuyên truyền và chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ở cơ sở.

Thay mặt các thế hệ người làm công tác thông tin truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tặng bức tranh kỷ niệm tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trong bối cảnh kinh tế-xã hội ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần tăng cường quản lý hoạt động xuất bản, in, phát hành, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vũ Linh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ky-niem-chang-duong-71-nam-ve-vang-cua-nganh-thong-tin-va-truyen-thong-405837/