Kỷ niệm bên dòng Tonle Sap

Chúng tôi đóng quân ngay bên bờ Tonle Sap, cách cầu Monivong hơn một cây số. Bên kia vườn cây là khu nhà ở của Tổ phiên dịch.

Mùa xuân năm 1979.

Mười cô gái, chàng trai người Khmer biết tiếng Việt chỉ có chị Rêu gần ba mươi tuổi, còn lại sàn sàn mười chín hai mươi. Bên này vườn cây là khu nhà ở của Tổ công tác dân vận. Tôi, anh Huy, anh Tuyết và Trường ở chung một nhà. Còn mấy anh nữa lớn tuổi hơn ở một nhà. Gọi là nhà, nhưng thực ra là biệt thự nhỏ làm theo kiểu nhà sàn; cột, ván làm bằng gỗ pơ-mu. Nhìn kiến trúc, cây cối trong vườn có thể đoán được chủ nhân của nó là người khá giả. Các nhà đều vắng chủ, có thể họ đã chạy đi nước ngoài hoặc bị bọn lính Pol Pot xua đuổi đang phiêu dạt ở một phương trời nào đó chưa kịp về.

Ngày ấy, những người lính quân tình nguyện chúng tôi còn rất trẻ. Công việc của sau ngày giải phóng Phnom Penh rất bận rộn và vất vả. Hằng ngày, chúng tôi phải chia nhau về các phum ở vùng ven đô giúp chính quyền địa phương của bạn ổn định đời sống nhân dân. Đi khỏi nơi đóng quân độ một giờ đã gặp rừng thốt nốt với rừng cây tạp um tùm và suối nước chảy.

Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Ngày nào chúng tôi cũng gặp từng đoàn người lớn, trẻ con lũ lượt trên đường tìm về quê cũ. Người ở Battambang về, người ở Sihanoukville lên, người ở Kampong Cham xuống... Cả đất nước Campuchia đang làm những cuộc hành hương khổng lồ. Lúc đầu, dân các phum còn ít, sau người về cứ đông dần. Bà con giúp nhau dựng, sửa lại nhà, làm vệ sinh phum, sóc; bầu phum trưởng... Mấy ngày đầu về Tổ phiên dịch, Sa Von, Sa Ly, chị Rêu, Dên... còn là các cô gái gầy yếu, xanh xao, gương mặt đờ đẫn, ngơ ngác thì sau một thời gian ngắn da dẻ đã căng mịn, mặt mũi tươi tỉnh và nụ cười luôn ở trên môi. Đúng là cả dân tộc Campuchia hồi sinh, các cô gái cũng tươi tắn có hồn. Sa Von cũng vậy, càng ngày cô càng đẹp. Mẹ cô là người Việt, bố người Khmer. Cô được thừa hưởng những gì đẹp nhất của dòng máu hai dân tộc nên cái đẹp vừa gần gũi, vừa xa lạ. Cái vẻ đẹp ấy cứ dần dần, ngấm ngầm chinh phục tôi.

Tết Chol Chnam Thmay, Sa Von cùng các cô gái Khmer múa lăm vông. Quả thật, tôi đã ngây ngất khi nhìn Sa Von và các bạn của cô đàn và hát bài "Oh svay chan ty": Oh svay chan ty, nia ri on ời bẹc mêc sá khá/ Bon ós tê ve đa, pra thnà oi ban, chuôp srây th'lày/ Sach xo xen xom, crô mùm ôn ơi/ cùm al miến thơ mây/ Sach xo xen xom, crô mùm ôn ơi/ cùm al miến thơ mây/ Chât boong sóp thngay, choong ban rup srây/ chia cu ve sa na...

Các ngón tay Sa Von như búp măng trắng hồng cong cong theo điệu múa và thân hình thon thả uốn, xoay uyển chuyển như lướt nhẹ trên mặt đất. Những ngón tay cong cong mềm mại theo nhịp trống Xayam và thanh âm Trosuolea réo rắt như tiếng nhị hồ của người Việt.

Đàn và hát xong lời Khmer thì Sa Von cùng các bạn gái lại dạo nhạc hát "Oh svay chan ty" bằng lời Việt: Ơi cô em yêu giống như hoa xoài làm anh yêu mến/ Anh mong ước có ngày nào đó đưa em về/ Em xinh em tươi da em trắng hồng làm anh ngất ngây/ Em xinh em tươi da em trắng hồng làm anh ngất ngây/ Tình ta tay trong tay hòa quyện trời mây/ thiết tha sum vầy".

“Trời đất! Như vũ nữ trên tường đá Ăng co”-Trường mê quá thốt lên. Hình như cũng có cảm tình với Sa Von, nhìn Sa Von hát múa mà mê mẩn.

Tôi còn nhớ, dạo đó thực hiện kỷ luật dân vận rất nghiêm, bộ đội mình không được phép lấy bất cứ cái gì dù là nhỏ nhất như cái kim sợi chỉ của người dân Khmer. Toàn bộ lương thực, thực phẩm của Quân tình nguyện Việt Nam đều chở từ nước ta sang. Tổ công tác dân vận chúng tôi xuống phum phải mang theo lương khô hoặc cơm nắm để ăn trưa. Tối về, đi qua vườn cây, chân bước đạp lên quả xoài chín nẫu vừa bị gió đập rụng, tay va vào quả vú sữa chín mọng, nhưng vẫn không ai dám tơ hào một miếng. Đêm, nằm ngủ cành xoài lòa xòa, thò cả quả chín mũm mĩm vào cửa sổ cũng chỉ nuốt nước miếng, đấu tranh tư tưởng quyết không với cành bứt quả.

Chuyện cái kim sợi chỉ đã phải giữ gìn nghiêm khắc như vậy huống hồ là chuyện yêu đương với con gái nước bạn. Tôi biết tôi đang vướng vào một chuyện động trời, nhưng trái tim có nhịp đập riêng của nó. Tôi càng cố kìm nén thì tình cảm của tôi càng âm thầm mãnh liệt. Những tối không sinh hoạt, tôi đều tranh thủ sang nhờ Sa Von dạy thêm tiếng Khmer, một phần cũng kiếm cớ để gặp cô. Có hôm sang đã thấy Trường đến trước ngồi ở đó rồi. Lúc ra về, Sa Von tiễn tôi chỉ xuống chân cầu thang là quay trở lên. Nhưng cô lại thường xuyên tiễn Trường đi thêm một đoạn đến chỗ cây vú sữa rồi mới quay lại. Sự việc của chúng tôi cũng chỉ dừng đến thế. Và chuyện sẽ chẳng xảy ra to tát nếu như tối hôm sau tôi kìm nén được tình cảm của mình.

Trăng lên sớm. Dòng sông Tonle Sap tràn ngập ánh vàng. Gió dưới sông thổi mát rượi. Bờ bên kia, chếch lên phía trên một chút là Hoàng cung đang lấp lánh ánh điện. Tôi ngụp lặn tắm dưới sông xong thì vơ quần áo ướt đi ngang qua vườn nhà Tổ phiên dịch về nhà. Vườn xoài thỉnh thoảng lại có quả chín rơi bộp... bộp. Tôi đến gần chỗ cây vú sữa thì bất chợt nghe tiếng gọi khẽ:

- Boòng (anh) Trường.

- Sa Von. Sao lại đứng một mình ở đây?

- Em đứng chờ anh.

- Đứng thế này không tiện đâu. Sa Von lên nhà đi.

À thì ra là dấm dúi gặp nhau cơ đấy. Tay Trường ghê thật. Tôi nghĩ thế.

- Boòng sơ lanh on tê? (Anh có yêu em không?).

Bất ngờ quá, Trường đâm hoảng:

- Trời đất ơi. Em đừng nói thêm lời nào nữa.

- Boòng sơ lanh on tê?

Vẫn lại câu hỏi ấy và bàn tay Sa Von đã nắm chặt lấy tay Trường. Đến lúc đó tự nhiên mặt tôi nóng bừng lên, máu chạy giần giật thái dương. Tôi đã không kìm được sự ghen tuông nhỏ nhen:

- Đồng chí Trường. Đồng chí có nhớ kỷ luật dân vận không?

- Sa... Sang. Mình... - Trường lúng túng, giọng nói đầy lo lắng.

- Tại em. Anh Trường không có lỗi - Sa Von khẩn khoản.

- Thôi. Không phải bênh cho nó. Về viết bản tự kiểm điểm đi, Trường ơi.

Cũng vừa lúc đó Chủ nhiệm Chính trị đi hội ý ở Bộ tư lệnh lữ đoàn về qua. Tôi báo cáo luôn mọi sự việc một cách nhanh gọn. Ông bảo đừng làm mọi chuyện ầm lên, không có lợi, về phòng làm việc của ông giải quyết. Tôi vừa đi vừa thấy hả hê trong lòng. Tôi liên tưởng đến cái mặt bạc phếch, lo sợ và van xin của Trường trước Chủ nhiệm Chính trị. Trường sẽ mất mặt trước Sa Von...

Trái với suy nghĩ và sự liên tưởng của tôi, Trường ngồi trước mặt Chủ nhiệm trình bày một cách bình tĩnh, rõ ràng, rành mạch, xin nhận tất cả lỗi về mình và nhận mọi hình thức kỷ luật. Còn Sa Von thì sụt sịt. Cô bảo: “Mẹ cháu cũng là người Việt Nam. Chúng cháu đều chưa vợ, chưa chồng, chả lẽ không được yêu nhau à?”. Rồi cô lại nhận lỗi tất cả do cô. Tôi thấy mình tự nhiên thừa ra, đơn độc và thấp bé quá. Chủ nhiệm Chính trị lại từ tốn nói, đại ý rằng: Chính quyền nước bạn còn rất non trẻ mà công việc đang bộn bề, phức tạp. Lúc này, cần phải biết tạm gác hạnh phúc riêng tư, đừng để kẻ xấu lợi dụng chuyện đó phá hoại tình đoàn kết hai dân tộc... Ông còn nói nhiều nữa về tuổi trẻ, ước mơ, tình bạn... Và cuối cùng chuyện được khuôn lại chỉ có chừng ấy người biết.

Từ hôm sau, chúng tôi có một sự thuyên chuyển vị trí công tác nho nhỏ. Sa Von đi với tổ khác xuống phum, còn chúng tôi đi với chị Rêu và Dên. Thỉnh thoảng gặp đối mặt với nhau, Trường vẫn nói chuyện, trao đổi bình thường không có ý giận. Tôi cảm thấy thèn thẹn, có chút ân hận, ngại ngùng. Nhưng vẫn biện hộ cho việc làm của mình là đúng với kỷ luật dân vận, với ý thức trách nhiệm của người lính.

Một tuần sau, Trường khoác ba lô đến chào tôi:

- Mình xin xuống đơn vị chiến đấu. Nằn nì mãi Chủ nhiệm Chính trị mới cho đi. Thôi mình đi kẻo xe chờ.

- Hợm đã, Trường. Sa Von biết cậu đi chưa?

- Sa Von không biết đâu. Biết càng khó đi. Mà mình sẽ quay lại cơ mà.

- Chuyện hôm trước, thực lòng tớ không muốn làm thế. Tớ trẻ con quá.

- Thôi, chuyện qua rồi.

- Trường ơi! Dưới đơn vị ác liệt lắm.

- Sang yên tâm. Thôi, mình đi đây.

Trường nắm tay tôi rất chặt rồi bước nhanh. Tôi vùng căng chạy sang nhà Tổ phiên dịch. Từ chân cầu thang, tôi đã gọi tên Sa Von rất to. Chúng tôi đến nơi tập kết thì xe đã chạy cuốn bụi mù. Sa Von gục đầu vào vai tôi khóc. Lúc ấy, tôi cảm thấy mình như vừa bị mất một cái gì đó rất lớn mà không gọi được tên.

Mùa khô qua rồi lại mùa mưa.

Tôi được cử lên công tác ở Ban chỉ huy tiền phương của lữ đoàn đóng tận Am leang cách xa Phnom Penh cả trăm cây số. Một thời gian nữa, tôi về nước học ở Trường Sĩ quan Lục quân 2. Từ đó chúng tôi không có điều kiện gặp nhau nữa. Anh Trường ơi! Có thể bây giờ anh đã phục viên, chuyển ngành; anh đã có vợ con hạnh phúc, có thể anh vẫn còn ở quân đội như tôi. Anh có còn nhớ Sa Von, nhớ Sa Ly, chị Rêu và Dên không? Chắc anh còn nhớ tôi, nhớ cái chuyện ngày trước mà chúng ta còn rất trẻ ấy. Tôi tin rằng anh đã hết giận tôi từ lâu rồi, anh Trường nhỉ.

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ky-niem-ben-dong-tonle-sap-559680