Kỷ niệm 90 năm thành lập MTTQ Việt Nam: Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh Việt Nam

Nói đến Đại đoàn kết toàn dân tộc là nói đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kể từ khi thành lập đến ngày hôm nay (18/11/1930 - 18/11/2020 ), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) vừa tròn 90 năm. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh Việt Nam – một quốc gia hình chữ S với hơn 3.260 Km bên bờ biển Đông - phải thường xuyên chống chọi với thiên tai khắc nghiệt và giặc ngoại xâm để tồn tại và phát triển. Đó cũng là đặc điểm lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Ảnh: TTV

Do đó, Đại đoàn kết toàn dân tộc - di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, khoan dung, sự cố kết, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người dân, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều kết thành sức mạnh vô địch, đưa Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang.

Nhìn lại lịch sử, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trong suốt 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo ngày càng được củng cố, tăng cường và phát huy. MTTQ Việt Nam là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cầu nối tin cậy giữa Nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Trong kháng chiến chống Pháp, với ý chí quyết tâm sắt đá: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ…” đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong suốt 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ lâu dài, gian khổ, để cuối cùng làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ, gian khổ với khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã được vận dụng một cách sáng tạo, phát huy tới đỉnh cao với nhiều hình thức phong phú trong điều kiện lịch sử mới. Trong kháng chiến cứu nước, nhiều phong trào thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực ở cả miền Nam và miền Bắc với khẩu hiệu hành động: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, xâm lược”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... đã lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, từ biên giới đến hải đảo hăng hái thi đua vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất, đã biểu thị tinh thần đoàn kết của toàn dân Việt Nam. Chính vì vậy, dân tộc Việt Nam đã huy động cao độ sức mạnh chính trị tinh thần và nhân tài, vật lực to lớn lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Không những vậy, sức mạnh của Việt Nam còn thể hiện trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khơ me đỏ, xây dựng lại đất nước chùa Tháp hòa bình, hữu nghị, phồn vinh.

Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh Việt Nam đang được thể hiện trong “cuộc chiến” phòng chống đại dịch CoVid 19 (còn gọi là SARS CoV 2) là thử thách chưa từng có đối với Việt Nam cũng như các nước trên toàn cầu. Qua cuộc chiến cam go này, truyền thống đoàn kết, nhân ái của người Việt Nam "lá lành đùm lá rách", “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” tiếp tục lan tỏa. Đất nước lại đứng trước nguy nam, thách thức là kẻ thù vô hình – Covid 19, Đảng và Nhà nước ta đã xác định “chống dịch như chống giặc”, “có thể hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để chăm sóc, bảo vệ sức , tính mạng người dân”. Việt Nam một lần nữa phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết “chống giặc”, trên dưới đồng lòng, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phòng, chống dịch CoVid 19 có hiệu quả. Vì thế, Việt Nam được truyền thông quốc tế đồng loạt ca ngợi và ngạc nhiên về hiệu quả phòng, chống dịch CoVid 19. Tờ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) từng nhận định: “Việt Nam trở thành ngọn hải đăng về cách làm được nhiều hơn, dù có nguồn lực ít hơn”. Tờ Liberation của đảng Cộng sản Mỹ nhận xét: “Bắt đầu từ kỷ nguyên của hai cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân đế quốc xâm lược cho đến khi đương đầu với dịch bệnh SARS và COVID-19, Việt Nam xây đắp nên lịch sử chiến đấu thành công với những căn bệnh tử thần”.

Trên tinh thần đó, Đảng ta xác định: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tuy vậy, đất nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng gay gắt; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân... còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận cùng với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chĩa mũi nhọn tấn công, hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân cùng với Ðảng, Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội; hợp tác và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, tham gia tích cực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Ngày vì người nghèo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, "Cả nước hướng về đồng bào miền Trung bị lũ lụt"... qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là bà con miền Trung đang gồng mình khắc phục hậu quả bào lũ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tăng cường các hoạt động đối ngoại nhân dân, tích cực vận động và có chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, để họ đóng góp trí tuệ, tài năng, tiền của xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc, hình ảnh con người, đất nước Việt Nam. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tất cả những chủ trương, chính sách ấy đã dần đi vào cuộc sống, góp phần xây đắp khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tạo sự đồng thuận xã hội vì sự phát triển của đất nước. Mọi tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức và cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học kinh nghiệm đó còn nguyên giá trị và cần tiếp tục phát huy nhằm khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vũ xuân Bân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ky-niem-90-nam-thanh-lap-mttq-viet-nam-dai-doan-ket-toan-dan-toc--suc-manh-viet-nam-80632