Kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nghĩ về việc sử dụng nhân tài của Bác

ĐTO - Cách đây 75 năm, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập và ra mắt tại Cao Bằng, với phương châm hoạt động chính trị trọng hơn quân sự; tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp nhân dân vào công việc giải phóng dân tộc; người trước, súng sau.

Đội quân 34 người với trang bị, vũ khí thô sơ, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, Bác Hồ; sự chở che, đùm bọc của nhân dân đã dần lớn mạnh, thành những sư đoàn, binh đoàn, đại đoàn, thành Quân đội nhân dân Việt Nam; cán bộ, chiến sĩ được nhân dân trìu mến gọi là bộ đội Cụ Hồ, đã lập nên những chiến công hiển hách, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Những chiến công đó gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tháng 5/1940, Võ Nguyên Giáp gặp Nguyễn Ái Quốc ở Côn Minh, Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị Võ Nguyên Giáp nghiên cứu vấn đề quân sự. Khi về Pác Bó, Cao Bằng, Bác Hồ giao Võ Nguyên Giáp thành lập và chỉ huy đội quân chủ lực đầu tiên của Việt Minh.

Cho tới nay, không ít nhà nghiên cứu vẫn đi tìm câu trả lời: vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại giao trọng trách chỉ huy quân đội cho một giáo viên dạy sử, chưa từng học qua trường quân sự nào, nhưng người đó, tướng Võ Nguyên Giáp, đã đánh bại hàng loạt tướng lĩnh Pháp và Mỹ được đào tạo từ những học viện quân sự nổi tiếng, được thế giới vinh danh là 1 trong những tướng lĩnh tài giỏi nhất mọi thời đại.

Chính là do cách nhìn người, dùng người, lòng tin vào con người và nêu gương của Bác.

Theo Bác, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”.

Cán bộ được lựa chọn là “những người tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng; những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn; những người luôn giữ đúng kỷ luật”.

Để sử dụng có hiệu quả cán bộ “phải biết rõ cán bộ, phải cất nhắc cán bộ cho đúng, phải khéo dùng cán bộ, phải giúp cán bộ cho đúng, phải giữ gìn cán bộ”.

Khi tướng Giáp về với Bác Hồ, hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã đến viếng, đứng chật kín 2 bên những con đường đoàn linh xa đi qua, nghẹn ngào tiễn đưa và đón Đại tướng về đất Mẹ Quảng Bình. Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an nghỉ của Đại tướng trở thành điểm hành hương của nhân dân và bạn bè quốc tế...

Cho thấy sự kính mến của nhân dân đối với Tổng Tư lệnh, Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một lực lượng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với nước, hiếu với dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng.

Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; với truyền thống anh hùng, chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc, bắt nguồn từ tài năng lỗi lạc; luôn thể hiện rõ phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết của Đại tướng, cùng với đó là việc phát hiện, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hữu Ý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/ky-niem-75-nam-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-nghi-ve-viec-su-dung-nhan-tai-cua-bac-88445.aspx