KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM: QUỐC HỘI ĐỒNG HÀNH VỚI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Từng 6 nhiệm kỳ liên tiếp là đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ rằng, ngày tổng tuyển cử đầu tiên, 06/01/1946, có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam. Và từ dấu mốc này đã mở ra chặng đường đổi mới, phát triển không ngừng của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Ý nghĩa thiêng liêng

Ngày 06/01, chúng ta trang trọng kỷ niệm tròn 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam. Bà có thể chia sẻ đôi điều cảm nghĩ về sự kiện trọng đại này?

Qua tìm hiểu lịch sử và lời kể của những đại biểu Quốc hội tiền nhiệm, có thể hình dung vào thời điểm lịch sử đó, đất nước ta đã vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ để tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Khóa I ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức được xác định là những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền của nhân dân. Với tinh thần coi trọng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ cho tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội với chế độ phổ thông đầu phiếu. Vượt qua muôn vàn khó khăn, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam của nhân dân ta đã thành công tốt đẹp, bầu chọn được 333 đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Khóa X, XI Nguyễn Văn An và nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu chụp ảnh cùng đoàn đại biểu Quốc hội Lào sang thăm, làm việc tại Việt Nam trong nhiệm kỳ Khóa XI

Tôi may mắn được gặp ĐBQH Nguyễn Thị Thạch (tỉnh Mỹ Tho) - một trong 10 nữ ĐBQH đầu tiên của Quốc hội Khóa I. Chị Thạch kể lại rằng, hồi đó, khi chị ra đến Hà Nội để dự họp Quốc hội thì cuộc họp đã tan rồi! Như thế để thấy rằng, vào thời điểm đó, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên và tiến hành các hoạt động đầu tiên của Quốc hội Khóa I vô cùng gian khổ. Song, bằng ý chí, khát vọng dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, chúng ta đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta. Nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Vì vậy, với tôi, kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng.

Được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội liên tiếp 6 nhiệm kỳ, từ khóa VI đến khóa XI, điều gì về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để lại ấn tượng sâu đậm nhất với bà?

Niềm vinh dự lớn nhất với tôi không những được bầu chọn là đại biểu Quốc hội liên tiếp 6 khóa mà còn được làm đại biểu Quốc hội Khóa VI (năm 1976 - 1981). Đây là khóa Quốc hội đầu tiên của đất nước Việt Nam thống nhất, sau bao năm gian khổ đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Quốc hội Khóa VI để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc với tôi. Tuy thời gian họp khi đó ngắn, nhưng Quốc hội Khóa VI đã quyết định những vấn đề cực kỳ quan trọng của đất nước, như đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; chọn quốc kỳ, quốc ca, chọn Thủ đô; quyết định đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất; quyết định xây dựng Hiến pháp, cơ cấu lãnh đạo của Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới, bầu các cơ quan trong bộ máy Nhà nước để điều hành công việc chung của nước Việt Nam thống nhất…

Còn với Chủ tịch Quốc hội - những người đứng đầu cơ quan lập pháp, dẫn dắt, điều hành các hoạt động của Quốc hội trong những năm tháng khó khăn mà rất đỗi hào hùng đó... thì sao, thưa bà?

Tôi ấn tượng và nể trọng người đứng đầu cơ quan lập pháp những nhiệm kỳ tôi công tác tại Quốc hội. Đó là cố Chủ tịch Quốc hội Khóa VI Trường Chinh, cố Chủ tịch Quốc hội Khóa VII Nguyễn Hữu Thọ; cố Chủ tịch Quốc hội Khóa VIII Lê Quang Đạo; Chủ tịch Quốc hội Khóa IX, X Nông Đức Mạnh; Chủ tịch Quốc hội Khóa XI Nguyễn Văn An. Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Vì vậy, người đứng đầu cơ quan lập pháp đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hành hoạt động của Quốc hội. Mỗi Chủ tịch Quốc hội có phong cách điều hành riêng, nhưng đều rất ấn tượng, bảo đảm các hoạt động của Quốc hội diễn ra trơn tru và hiệu quả. Phải phát huy được vai trò của từng cơ quan của Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội, giống như những "bánh răng" ăn khớp, không có "bánh răng" nào trật ra cả, làm ảnh hưởng đến cả "guồng máy" của Quốc hội.

Tôi nhớ và ấn tượng với cố Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, bởi ông là bậc lão thành cách mạng, là một trong những vị "khai quốc công thần" của đất nước, đồng thời là một nhà giáo. Cho nên, mỗi khi nhớ đến Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, tôi luôn hình dung ra sự kiên nghị của một người thầy. Ông luôn coi trọng hoạt động của Quốc hội. Tôi nhớ hồi đó khi đang học cao cấp lý luận chính trị tại "Trường đảng" Trung ương Nguyễn Ái Quốc, bây giờ là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường không được để đại biểu Quốc hội vắng mặt tại kỳ họp vì bất cứ lý do gì, kể cả trùng ngày thi. Vì thế, trong 2 năm học cao cấp lý luận chính trị, chưa bao giờ tôi vắng mặt một phiên họp nào của Quốc hội.

Tôi cũng rất ấn tượng với cách điều hành của cố Chủ tịch Quốc hội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bởi từ thần thái, khí chất của ông đều rất chặt chẽ, khoa học, bài bản. Hay với cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, tuy là một vị tướng quân sự nhưng lại có cách điều hành hết sức khéo léo, mềm mỏng...

Một vài ví dụ như thế để thấy rằng, qua từng nhiệm kỳ, mỗi vị Chủ tịch Quốc hội có cách điều hành, khiến tôi luôn tin tưởng, nể trọng, và dù với phong cách như thế nào thì mục đích hướng đến đều là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Không ngừng trưởng thành qua từng nhiệm kỳ

Quốc hội Việt Nam đã trải qua chặng đường 75 năm lịch sử. Trong hành trình đó, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội không ngừng được cải tiến, đổi mới, song hành với sự đổi mới và phát triển của đất nước. Bà nhìn nhận như thế nào về sự trưởng thành của Quốc hội?

75 năm qua, với 14 khóa, Quốc hội đã chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước. Cùng với quá trình đổi thay ấy, Quốc hội không ngừng trưởng thành qua từng nhiệm kỳ, ngày càng hoàn thiện cả về cơ cấu tổ chức, chất lượng đại biểu Quốc hội cũng như nội dung hoạt động… Sự trưởng thành của Quốc hội phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Kể từ Quốc hội Khóa VIII đến nay, Quốc hội có rất nhiều đổi mới, đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng thực chất và hiệu quả. Không khí thảo luận của Quốc hội ngày càng cởi mở, dân chủ hơn. Điều hành của Chủ tọa tại mỗi phiên thảo luận của Quốc hội cũng ngày càng linh hoạt, sắc bén hơn. Tôi và cử tri rất ấn tượng, thậm chí “mê mẩn” theo dõi các phiên chất vấn của Quốc hội qua truyền hình trực tiếp, cảm thấy giống như mình đang họp cùng Quốc hội.

Và một trong những phiên chất vấn như vậy vừa diễn ra tại Kỳ họp thứ Mười - hoạt động chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV..., thưa bà?

Cá nhân tôi và cử tri rất thích thú khi tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội tiến hành chất vấn tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các phiên chất vấn diễn ra theo kiểu “hỏi đến ai thì người đó trả lời”, thay vì chọn ra 4 - 5 Bộ trưởng, trưởng ngành để chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ.

Tôi cũng rất hoan nghênh và ấn tượng với việc Quốc hội nhiệm kỳ này liên tục có sự điều chỉnh linh hoạt với bối cảnh điều kiện thực tế khi tiến hành các kỳ họp. Như tại Kỳ họp thứ Chín, trong bối cảnh cả nước dồn sức vừa chống dịch Covid-19 vừa phục hồi kinh tế, Quốc hội không tiến hành chất vấn, để Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ này. Điều đó thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, vì lợi ích chung của nhân dân và đất nước.

- Xin cảm ơn bà!

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=51103