Kỷ niệm 70 năm ngân hàng Việt Nam (6-5-1951 - 6-5-2021) - Con đường thứ 5 - Bài 4: Mưu trí và dũng cảm

Những ngày chiến tranh ác liệt nhất ở chiến trường miền Nam, chi phí cho kháng chiến tăng lên rất nhiều, phương thức chuyển tiền trực tiếp cho chiến trường miền Nam (AM) càng thêm khó khăn, tốn kém. Một chiêu chuyển tiền khác được đề ra là FM - 'chơi theo luật chơi' nghĩa là sử dụng chính hệ thống ngân hàng của thế giới và của chế độ Sài Gòn để chuyển tiền cho cách mạng.

Cuộc giải cứu mắm

Chúng ta đã xây dựng được rất nhiều cơ sở của cách mạng ở Nam Vang (Phnom Penh), trong đó, Ban Tài chính Xứ ủy Nam bộ xây dựng cơ sở đầu tiên là cửa hàng Tân Á. Sau này giao cho ông Năm Tấn (Phạm Văn Quang, Đảng ủy viên N.2683), là tư sản Việt kiều để làm AM. Vì vậy trong suốt thời kỳ chiến tranh, miền Bắc chi viện cho miền Nam một lượng lớn tiền gồm nhiều loại: USD, tiền Sài Gòn, baht Thái và đặc biệt là riel Campuchia, gọi là tiền R. Trong đó, tiền R có vai trò quan trọng đối với hoạt động của tất cả bộ phận kháng chiến ở miền Nam.

Để đảm bảo việc cung ứng cho các cơ sở của ta (hình thức là các đơn vị kinh doanh) trên đất Campuchia, tại kho tiền trong căn cứ nội địa của Trung ương Cục luôn có một lượng lớn loại tiền R. Trước khi Lonnol đảo chính Quốc trưởng Sihanouk, vào ngày 24-2-1970, Campuchia đã có lệnh đổi tiền. Điều này hòng gây khó khăn và vô hiệu hóa kho tiền R dự trữ của ta.

Ông Lê Văn Châu (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) nhớ lại: Mật báo của ta biết được việc này, khi lệnh đổi tiền công bố thì toàn bộ tiền R của Trung ương Cục đã phân phối trở lại đất Campuchia và được đổi hết. Số tiền mới đổi được giấu tại kho hàng của Công ty Hắc Lý (một đơn vị buôn bán khác của Trung ương Cục trên đất Campuchia). Gian nan vẫn chưa dừng lại ở đó, đường về Việt Nam của số tiền này cũng trầy trật, thót tim và thậm chí là “nặng mùi”.

Tháng 3-1970, cuộc đảo chính của Lonnol nổ ra, khủng bố, tàn sát Việt kiều, chặn các con đường về căn cứ, tiền mới đổi được bị kẹt lại Phnom Penh, công tác chi viện cho chiến trường bị ảnh hưởng lớn. Nhận lệnh của cấp trên “bằng mọi cách, phải đưa tiền về cho Trung ương Cục”, một chuyến chở mắm được ông Mười Phi (Nguyễn Văn Phi) và Ba Châu (Lữ Minh Châu) đề ra.

Ta bí mật đóng tiền vào túi ni lông lớn, lồng một bao khác bên ngoài, rồi đổ đầy mắm bò hóc lên trên. Vì sao là mắm bò hóc? Vì loại mắm này được hãng buôn Hắc Lý thường chở sang bán ở Nam bộ, theo cách này qua cửa khẩu sẽ dễ dàng. Nhưng hơn hết vì đây là loại mắm nặng mùi, chuyến “chở mắm” này ta cố tình chọc thủng nhiều lỗ trên miệng túi, để xe chạy xóc, mắm trào ra bốc mùi thật nồng nặc.

140 chiến sĩ được huy động bảo vệ 2 xe mắm bằng cách mật phục những nơi có trạm gác, nếu gặp địch gây rắc rối không cho qua thì nổ súng tiêu diệt tại chỗ, quyết không để mất “mắm”… Và chính vì mùi quá nặng, ở các trạm, lính Lonnol đã không chịu nổi nên chỉ kiểm tra qua loa. Xe chở tiền ngụy trang mắm của ta ung dung đi ra khỏi thành phố, qua mặt tất cả trạm canh gác của Lonnol, vượt vòng vây của địch tại Phnom Penh, vượt cửa khẩu Túc Mía trở về kho tiền của Trung ương Cục miền Nam tại Tân Biên, Tây Ninh. Đó là ngày 14-4-1970.

Trong hồi ký của mình, ông Năm Tấn viết: “Những năm sau, chúng tôi đều có họp mặt kỷ niệm ngày 14-4, để nhớ lại kỷ niệm của ngày mà chúng tôi coi như sống lại giữa một địa ngục đang nghẹt thở vì nạn kích động hận thù điên cuồng giữa 2 dân tộc. Phải mất bao nhiêu thời gian và xương máu nữa đây để cho người Campuchia hiểu được tấm lòng người Việt, những người bạn láng giềng thủy chung của họ”.

Ăn mừng sau cú thót tim

Cuộc giải cứu mắm an toàn về kho tiền Trung ương Cục, nhưng sau vụ đảo chính ở Campuchia, đường bay bị cúp, lãnh đạo ngân hàng đã có sáng kiến chuyển phương thức thanh toán AM (tiền mặt) sang FM (chuyển khoản), sử dụng “làn sóng điện trên không” của bưu điện quốc tế, bưu điện trong nước với những quy ước mật và 3 điện đài riêng của N.2683 tại miền Nam cùng với sự “hợp đồng tác chiến” rất ăn khớp giữa các chốt đại điện Vietcombank tại Paris, Bắc Kinh, Hồng Công, móc nối với Phnom Penh, Tây Ninh (Trung ương Cục), Sài Gòn (cơ sở của đồng chí Lữ Minh Châu). Tất cả đã lập đường dây giữa Sài Gòn - Hồng Công - Hà Nội và Phnom Penh - Hồng Công - Hà Nội để thực hiện thanh toán chuyển khoản, chỉ trong vòng 30 phút là xong một phi vụ. Hàng trăm triệu USD đã được thanh toán theo phương thức mới này để phục vụ chiến trường miền Nam cho đến mùa xuân đại thắng.

FM là phương thức chi viện tiền cho miền Nam bằng chuyển khoản. Tiền Z được lấy ngay tại Sài Gòn qua một đường dây hoạt động nội thành của N.2683. Sau đó, hoàn trả cho nhà cung cấp tại nước ngoài bằng USD. Đích thân ông Mười Phi vào nội đô Sài Gòn để thiết lập đường dây. Nhà cung cấp tiền Z Sài Gòn là những chủ kinh doanh lớn, sẵn sàng hợp tác với một đầu mối của N.2683 trong nội thành Sài Gòn, có mật danh là C.130, do ông Lâm Dân Sanh, một thương nhân đảm nhiệm. Họ có tài khoản tại các ngân hàng thương mại nước ngoài và ở Sài Gòn. Theo sự thỏa thuận với N.2683, họ rút tiền Z từ ngân hàng, lý do là để sản xuất, kinh doanh, thực tế là để cung cấp cho cách mạng. Trong nhiều trường hợp có những khoản lớn là tiền Z không cần rút từ ngân hàng, mà được thu trực tiếp do bán hàng nhập khẩu.

Trong không gian Hội quán Hải Nam ở TPHCM, chúng tôi hẹn gặp bác Chín Hòa (Ngô Thanh Hoa, 93 tuổi), một doanh nhân lịch lãm. Sau khi được Hoa vận chuyển sang làm nhiệm vụ ở Ban Kinh tài, bác Chín mua chuộc người ở ngân hàng, đường vận chuyển ở sân bay, mua chuộc tổng đài và cài cắm chân rết ở nước ngoài. “Cụ thể là mình đã làm những gì?”, tôi thắc mắc. Bác Chín bắt đầu kể: “Với nhân viên ngân hàng thì mình mua chuộc, để khi rút tiền, họ đưa mình tiền mới và mệnh giá lớn nhất, để khi ngụy trang tiền rồi chuyển đi cũng không quá cồng kềnh như tiền lẻ. Còn với tổng đài thì họ sẽ ưu tiên điện thoại của mình từ nước ngoài gọi về, thời gian nhận điện thoại nhanh hơn. Và lúc đó cũng đâu có dễ mà tới Hồng Công để thiết lập tài khoản và cài người bên đó, tôi lấy thân phận doanh nhân trong giới điện ảnh, sang Đài Loan giao lưu rồi đi qua Hồng Công, để họ không để ý, mình cũng phải bỏ chút đỉnh cho cánh hải quan”.

Bác Chín mở một tài khoản ngân hàng tại Hồng Công và nhờ người bạn bên đó quản lý. Khi cánh thương nhân ở Sài Gòn cần thanh toán tiền mua bán ở Hồng Công, họ để lại tài khoản và người của bác Chín bên đó chuyển khoản chi trả cho mối lái của họ và họ trả lại bác bằng tiền mặt qua ngân hàng tại Sài Gòn. “Làm vậy mình có bị ép tỷ giá không bác?”, chúng tôi hỏi tiếp. Bác Chín Hòa cười ngất: “Dễ gì mà chịu thiệt. Hồi đó, tôi ngồi ở đường Nguyễn Công Trứ là khu vực tập trung nhiều ngân hàng lớn ở Sài Gòn, đúng 12 giờ rưỡi trưa là ngân hàng Hồng Công thông báo niêm yết tỷ giá ngày hôm đó, mình căn cứ theo đó, sòng phẳng với nhau thôi, chứ sao bị ép được”.

Có lần nhận nhiệm vụ mang 8 vali tiền đến khu vực Long An, bỏ xong 5 vali tiền dưới chân cầu Bến Lức theo ký hiệu đã được thông báo trước, nhưng máy bay địch đang rà rà phía trên, bác Chín vội quay xe về và còn 3 vali tiền vẫn trong cốp xe. Bác kể: “Lúc đó, mà bỏ tiếp 3 vali nữa thì thế nào máy bay địch cũng phát hiện vì nó rà gần lắm rồi. Tôi quay xe đi, nhưng tim phập phồng vì nhiệm vụ chưa hoàn thành, vẫn còn 3 vali tiền nữa. Nếu giao không đủ thì căn cứ sẽ gặp khó khăn trong chi tiêu, bản thân mình cũng không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đi qua khỏi cầu Bến Lức hướng về Sài Gòn được một đoạn, tôi quay lại, đến nơi thì mật hiệu vẫn còn, máy bay địch cũng đi qua, vậy là tôi bỏ lại 3 vali. Ngày hôm sau, tôi nhận mật thư và đến đưa cho cấp trên của mình. Ổng vỗ vai tôi cười khà khà, nhiệm vụ hoàn thành rồi. Ổng dắt mấy anh em đi ăn mừng một trận hú vía, còn tôi vẫn chưa hết hồi hộp, thót tim”.

Bằng phương thức FM đã chi viện số lượng tiền lớn và nhanh cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên ngày thống nhất non sông. Chặng đường 10 năm (1965-1975) của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là những năm tháng, người cán bộ ngân hàng phải đảm bảo “mạch máu” của con đường tiền tệ luôn lưu thông trong bất cứ hoàn cảnh nào, để kịp thời chi viện cho đồng bào, chiến sĩ, chiến trường miền Nam.

Lịch sử kinh tài cách mạng mãi mãi ghi danh 3 tổ chức bao gồm: Quỹ Ngoại tệ đặc biệt (B.29) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ban Tài chính đặc biệt (N.2683) và Ban Ngân tín R (C.32) thuộc Trung ương Cục miền Nam - 3 đơn vị đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những nhân vật mà chúng tôi đã gặp ở loạt bài này, người “trẻ” nhất cũng đã gần 80. Không biết rằng, vào dịp kỷ niệm 75 năm hay 80 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam, còn mấy ai đủ sức khỏe, minh mẫn để nhắc nhớ về “con đường thứ 5”. Vì vậy, trách nhiệm của chúng tôi, chính là giải mật nguồn tư liệu này, để đem đến cho độc giả cái nhìn về một lực lượng đặc biệt, dũng cảm và mưu trí.

KIM LOAN - VÕ THẮM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ky-niem-70-nam-ngan-hang-viet-nam-651951-652021-con-duong-thu-5-bai-4-muu-tri-va-dung-cam-729816.html