Kỷ niệm 64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 / 27-2-2019): Gặp lại nữ y tá ngày ấy

Khi còn học phổ thông chúng tôi được biết đến hình ảnh 'O du kích nhỏ' qua những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu. Và tại buổi lễ khai mạc 'Những ngày phim y tế Việt Nam' chúng tôi đã được gặp 'O du kích' bằng xương, bằng thịt với những câu chuyện kể rất dung dị, xúc động.

Bà là nữ y tá Nguyễn Thị Kim Lai, nhân vật chính trong bộ phim tài liệu “Cuộc hội ngộ sau 30 năm” của cố đạo diễn Lê Mạnh Thích. Bộ phim được chiếu nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức. Bộ phim về cuộc đời o du kích nhỏ Nguyễn Thị Kim Lai, người đã bắt sống giặc lái Mỹ, sau ngày hòa bình, bà trở thành một y tá tận tụy công việc. Nữ y tá Nguyễn Thị Kim Lai là hiện thân của tinh thần dũng cảm trong chiến đấu, nhưng đầy tính nhân bản, luôn đề cao y đức.

Kể từ thời điểm xuất hiện bức ảnh “O du kích nhỏ giương cao súng” đến nay đã 54 năm trôi qua nhưng ký ức của “O du kích” năm xưa vẫn nhớ buổi sáng 20-9-1965, hàng chục máy bay Mỹ thả bom xuống cầu Đà Lề (thuộc xã Lộc Yên, huyện Hương Khê). Một chiếc F105 bị trúng đạn bốc cháy, phi công Mỹ vừa nhảy dù vừa phát tín hiệu cầu cứu. Nhận được tín hiệu, ba chiếc trực thăng của địch tìm đến yểm trợ nhưng 1 chiếc trong số đó bị quân dân Hương Khê bắn hạ và 4 phi công đang ẩn nấp trong rừng.

Nữ y tá năm xưa cùng đạo diễn Nguyễn Thước, người quay bộ phim “Cuộc hội ngộ 30 năm” . (Ảnh V.H)

Nữ y tá năm xưa cùng đạo diễn Nguyễn Thước, người quay bộ phim “Cuộc hội ngộ 30 năm” . (Ảnh V.H)

Sáng hôm sau mọi người tỏa đi tìm những phi công đang trốn trong rừng. Bà Lai phát hiện ở hốc đá cách mình khoảng vài mét có tiếng động nên tiến lại gần và phát hiện 1 phi công Mỹ. Sau 3 phát súng chỉ thiên của nữ du kích, phi công Mỹ cao to đã giơ tay đầu hàng và bị mọi người trói tay, “O du kích” dẫn giải về huyện.

Giờ đây, với mái tóc được phủ màu thời gian, ở tuổi 71, ở bà Lai toát lên thần thái nhân hậu, cốt cách hiền từ và phong thái giao tiếp nhỏ nhẹ, điềm tĩnh. Kể lại những ngày tham gia phục vụ quân đội, “O du kích” năm xưa chậm rãi nói: Thời gian còn trẻ, tuổi thanh niên ai cũng vậy chứ không phải mình tôi, nhất là thời gian chiến tranh. Nhớ thời gian phục vụ quân ngũ, có những bệnh nhân bị bỏng napal toàn bộ cơ thể rất đau đớn. Lúc ấy tôi làm bên cận lâm sàng nhưng hay đi xuống khoa lâm sàng lấy bệnh phẩm. Nhìn cảnh bệnh nhân đau đớn, không thể tự ăn uống, sinh hoạt được, dù không phải việc của mình nhưng tôi không thể bỏ mặc họ. Thời gian ấy, bệnh nhân miền Bắc bị bỏng napal nhiều và nằm đó, chúng tôi tất bật tham gia phục vụ, hỗ trợ bệnh nhân…

Sau khi chiến tranh kết thúc, “O du kích” đã đi học nghề y tá, năm 1977 bà về làm ở BV Y học cổ truyền Hà Tĩnh. Bà tiếp tục chăm sóc người bệnh với tấm lòng yêu nghề, tinh thần y đức-thương bệnh nhân và cũng được mọi người yêu quý. Bà luôn dặn dò con cháu phấn đấu ở mỗi thời điểm bởi khi đã về già, có mong muốn được trở về tuổi trẻ để cống hiến nhiều hơn nhưng cũng không thể được.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-niem-64-nam-ngay-thay-thuoc-viet-nam-27-2-1955-27-2-2019-gap-lai-nu-y-ta-ngay-ay-137860.html