Kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2018): Đổi thay vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng

Cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km, nằm ngoài vùng lòng chảo Mường Thanh, xã Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là địa danh gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Mường Phăng được chọn và xây dựng Sở Chỉ huy chiến dịch, nằm trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn.

Cơ quan đầu não của Quân đội ta đã đóng chân tại đây từ ngày 31-1-1954 đến 15-5-1954. Chính tại nơi này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trải qua 64 năm, Mường Phăng nay đã đổi thay, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc.

Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Mường Phăng có hơn 1.130 hộ với 5.250 nhân khẩu, thuộc cộng đồng các dân tộc Kinh, Thái, Mông… So với những năm trước, đời sống của người dân hôm nay đã đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ trên 43% (năm 2011) xuống còn dưới 20% (năm 2018). Xã gieo trồng được gần 500ha lúa hai vụ, nâng tổng sản lượng lương thực của xã đạt hơn 2.560 tấn/năm, bình quân đầu người đạt 5,3 tạ/người/năm. Xã còn trồng được 229ha cây lấy bột (sắn, ngô, rong giềng…), gần 40ha rau màu, 25ha cây ăn quả, hơn 63ha nuôi thủy sản… Địa phương cũng xây dựng được nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, ổn định như mô hình nuôi cá, lợn rừng, nhím, trồng hồng xiêm, mắc coọc, mận... Hiện xã đã đạt 16/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới. Với kết quả này, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã phấn đấu đưa Mường Phăng trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Ở Mường Phăng hôm nay, chợ Trung tâm Mường Phăng nhộn nhịp người mua, kẻ bán và du khách tham quan. Từ trung tâm xã đi về các bản làng là những con đường đã được “cứng hóa”, thuận tiện cho giao thông, giao thương phát triển kinh tế- xã hội.

Được mệnh danh là “thủ phủ” về tiềm năng du lịch lịch sử, Mường Phăng có rất nhiều di tích thành phần thuộc Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ - di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trên suốt chiều dài trục chính nối từ bản Bua - bản "cửa ngõ" vào lòng chảo Mường Phăng, chạy qua trung tâm xã có các di tích: Cụm tượng đài mừng công, công viên chiến thắng Mường Phăng, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ... Xa hơn nữa, nằm trên đỉnh Pú Huốt (núi Sừng Trời) - đỉnh cao nhất của dãy núi Pú Đồn ở độ cao hơn 1.700 mét so với mực nước biển là nơi mà cách đây 64 năm, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội ta đã chỉ đạo xây dựng, đặt đài quan sát để theo dõi, nắm bắt tình hình chiến trường ở lòng chảo Mường Thanh.

Những năm qua, rất nhiều du khách đã đến thăm các di tích lịch sử ở Mường Phăng. Trong những dịp lễ, Tết như ngày 30-4, 1-5, đặc biệt là dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5) hằng năm, Mường Phăng đón hơn 2.000 lượt du khách/ngày, chiếm gần 40% khách du lịch đến với Điện Biên trong các ngày lễ lớn. Chỉ tính riêng từ tháng 5-2017 đến tháng 10-2017, các địa điểm du lịch lịch sử gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 trên địa bàn xã Mường Phăng đã thu hút gần 12.000 lượt khách đến thăm.

Để thu hút khách du lịch, phát huy giá trị của các di tích lịch sử thuộc Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ, những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc các di tích đã được chính quyền địa phương, các ban ngành đặc biệt quan tâm. Anh Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: Xác định ý nghĩa của các di tích lịch sử trong Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ và yêu cầu đặt ra ngày càng cao của du khách, trong những năm qua tổ bảo vệ di tích luôn chú trọng việc giữ gìn, bảo vệ các điểm di tích. Đặc biệt trong các dịp 1-5, 30-4, 7-5 tổ bảo vệ di tích đều xây dựng kế hoạch, tập trung quét dọn, vệ sinh môi trường, chỉnh trang khuôn viên di tích; phối hợp với lực lượng công an xã tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ cho du khách tham quan. Tổ bảo vệ di tích còn phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ xã thành lập ban phòng chống cháy nổ, phòng cháy chữa cháy túc trực thường xuyên ở các di tích.

Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Nhiều năm qua, vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng đã thu hút đông đảo khách du lịch, trong đó có cả khách quốc tế. Hệ thống di tích gồm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm tượng đài mừng công, công viên chiến thắng Mường Phăng… nằm trên địa bàn đã tạo thế mạnh để địa phương phát triển du lịch. Trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, du lịch là thế mạnh. Tuy nhiên, để phát triển bền vững du lịch, địa phương xác định phải giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ khu di tích thật tốt. Do vậy, xã Mường Phăng đã phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, bảo vệ di tích, tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi đến Mường Phăng.

TTXVN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn//xa-hoi/cac-van-de/ky-niem-64-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2018-doi-thay-vung-can-cu-dia-cach-mang-muong-phang-538287