Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2019): Giữ vững biên cương Tổ quốc

Trong quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước, Bộ đội Biên phòng cùng Nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc đã chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng lập nên nhiều chiến công rất đỗi tự hào. Phát huy truyền thống đó, 60 năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã cùng với Nhân dân biên giới đoàn kết, thống nhất, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Xín Mần phối hợp cùng lực lượng dân quân đi tuần tra biên giới. Ảnh: Lại Tấn

Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Xín Mần phối hợp cùng lực lượng dân quân đi tuần tra biên giới. Ảnh: Lại Tấn

Cùng Nhân dân bảo vệ biên cương

Những ngày đầu tháng 3, đường tuần tra biên giới tại huyện Xín Mần (Hà Giang) nắng như đổ lửa. Trong không khí ấy, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có cơ hội được đi cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần và Sùng Thị Thu, Lũ Thị Yên – là 2 cô gái dân tộc Mông, thuộc Đội Dân quân tự quản đi tuần tra biên giới. Sau khi thực hiện nghi lễ dưới lá cờ Tổ quốc, kiểm tra trang thiết bị, đoàn tuần tra biên giới lên đường, hướng tới vị trị của cột mốc từ 197 đến 199, ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Gần 1 giờ leo trên những ngọn đồi núi dựng đứng, đầy sỏi đá và cây cối rậm rạp, cái nắng chói chang như muốn vắt kiệt sức lực của mọi thành viên trong đoàn. Tuy vậy, đôi chân của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng vẫn bước đi mạnh mẽ, 2 nữ dân quân vẫn đi nhanh thoăn thoắt, vượt qua mọi trở ngại.

Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng về chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, có đường biên giới dài hơn 227km, với tổng số 442 mốc giới (358 mốc chính và 84 mốc phụ), tiếp giáp với 3 huyện Phú Ninh, Ma Ly Pho, Mã Quan tỉnh Vân Nam và một phần huyện Nà Pô tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc. Khu biên giới có 34 xã, thị trấn biên giới, là nơi sinh sống của 19 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 62%.

Trong giây phút hiếm hoi dừng nghỉ chân, giữa 4 bề núi rừng, chiến sĩ biên phòng trong đoàn giới thiệu, hướng dẫn cho 2 nữ dân quân trẻ về từng địa danh, cột mốc, tuyên truyền về ý thức pháp luật, bảo vệ biên giới. Tìm hiểu thêm, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị được biết, 2 nữ dân quân theo đoàn là Sùng Thị Thu và Lũ Thị Yên (đều 26 tuổi) là những cô gái trẻ nhất trong số 6 chị em thuộc đội Dân quân tự quản. 3 tháng một lần, họ lại cùng lực lượng biên phòng đi tuần tra biên giới với nhiệm vụ phát quang, lau các cột mốc. Ngoài việc trồng lúa, ngô và chăn nuôi như bao phụ nữ Mông khác, 2 nữ dân quân còn làm nhiệm vụ bán chuyên trách tại xã Xín Mần. Mỗi tháng 3 lần, họ lại lên UBND xã, nhận các tài liệu tuyên truyền để mang đến từng hộ dân nơi biên giới. Nhờ đó, người dân biên giới Xín Mần có nhận thức tốt về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới Tổ quốc.Tại huyện Đồng Văn, ông Vừ Chúng Chính (66 tuổi, cư trú tại thôn Nhù Sang, xã Lũng Táo) là một người có uy tín trong tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc. Với ông Vừ Chúng Chính, những địa danh, cột mốc thực sự trở thành hơi thở cuộc sống, trở thành máu thịt cần phải bảo vệ, gìn giữ. “Thôn Nhu Sang là một thôn biên giới tiếp giáp Trung Quốc, được giao quản lý đoạn biên giới dài khoảng 2km với 8 cột mốc (từ 407 – 410/2). Thôn có 49 hộ với 243 nhân khẩu đều là dân tộc Mông. Tuyến biên giới của thôn có nhiều đường mòn, đặc biệt là khu vực mốc 409. Địa hình thôn có đường đi lại khó khăn, vách núi hiểm trở nên các đối tượng và bọn tội phạm thường xuyên lợi dụng để qua lại. Mặt khác, tội phạm thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc để vượt biên trái phép, cấu kết với các đối tượng bên kia biên giới nhằm trộm cắp tài sản; lừa gạt, bắt cóc phụ nữ, trẻ em, kích động quần chúng gây rối, truyền đạo trái phép trên địa bàn” - ông Vừ Chúng Chính chia sẻ.Nhiều năm qua, ông Vừ Chúng Chính đã phối hợp cùng Đồn Biên phòng Đồng Văn trong công tác tuyên truyền, vận đồng quần chúng Nhân dân đề cao cảnh giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, không nghe theo kích động lôi kéo vi phạm pháp luật. Ông Chính đã tham gia xây dựng các hương ước, quy ước ở thôn về lĩnh vực an ninh trật tự, phù hợp và sát với tình hình thực tế để người dân trong thôn chấp hành. Đồng thời, tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình không vượt biên trái phép, không nghe theo kẻ xấu kích động, lôi kéo, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, dân quyền, học đáo trái phép, lôi kéo thành lập “Vương quốc người Mông”. Cùng với đó, tuyên truyền cho từng hộ gia đình có nương ở gần cột mốc, vừa sản xuất, vừa bảo vệ đường biên, cột mốc. Nhờ đó, trên địa bàn không xảy ra điểm nóng phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ảnh: Lại Tấn

Gia đình hạnh phúc, thôn bản bình yên
Ma Seo Lằng - Bí thư chi bộ thôn Lũng Pô (xã biên giới A Mú Sung, Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cũng là một trong những người trẻ luôn sát cánh bên các chiến sĩ biên phòng. Được giao trọng trách làm Tổ trưởng Tổ tự quản mô hình “Khu dân cư đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới” tại Lũng Pô, Ma Seo Lằng cùng với 6 thành viên khác đã vận động thêm hàng trăm lượt hộ tham gia phát quang đường tuần tra và 2 cột mốc 91, 92 thiêng liêng, nơi có cột cờ Lũng Pô, điểm thiêng liêng đánh dấu nơi dòng sông Hồng chảy vào đất Việt.
Đại úy Nguyễn Ngọc Tuệ - Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung chia sẻ: "Lũng Pô giờ đã trở thành điểm sáng tại xã biên giới A Mú Sung. Sau nhiều năm kiên trì vận động, người dân trong thôn đã vững tâm làm nương rẫy. Tôi nhận thấy rằng mỗi gia đình hạnh phúc thì thôn bản sẽ bình yên".
Theo UBND tỉnh Hà Giang, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Các lực lượng đã tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra biên giới hơn 6.170 lần/35.610 lượt cán bộ chiến sĩ. Bên cạnh đó, lực lượng quần chúng cốt cán và Nhân dân đã kịp thời phát hiện, cung cấp cho Bộ đội Biên phòng 9.889 tin, trong đó 6.321 tin có giá trị, 3.568 tin tham khảo phục vụ cho nhiệm vụ quản lý bảo về chủ quyền an ninh biên giới. Sự tham gia của người dân đã phát huy sức mạnh đoàn kết, góp phần giảm bớt khó khăn về vật chất, tinh thần cho quân dân biên giới; kịp thời động viên, khích lệ đồng bào và cán bộ, chiến sĩ yên tâm, gắn bó thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Báo chí Thủ đô nặng tình với Bộ đội Biên phòng
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 – 3/3/2019), Hội Nhà báo TP Hà Nội đã tổ chức chương trình đi thực tế tại các đồn biên phòng tỉnh Hà Giang, Lào Cai cho phóng viên các báo Thủ đô từ ngày 24/2 - 2/3/2019. Đoàn đã đi thực tế tại Bộ Chỉ huy quân sự Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, Đồn Biên phòng Bản Máy, Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần; Bộ Chỉ huy quân sự Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Đồn Biên phòng A Mú Sung.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng, trong chuyến đi thực tế lần này, các phóng viên thuộc các cơ quan báo chí Thủ đô tập trung tuyên truyền về công tác bảo vệ biên giới, xóa đói giảm nghèo, phòng chống buôn lậu, vận chuyển ma túy, mua bán người bất hợp pháp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Hoạt động trên không chỉ là nhiệm vụ tuyên truyền mà còn là tình cảm của đồng bào ở Thủ đô với các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ở biên cương.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-niem-60-nam-ngay-truyen-thong-bo-doi-bien-phong-331959-332019-giu-vung-bien-cuong-to-quoc-337540.html