Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2019): Chắp cánh ước mơ tới trường

Từ những khó khăn của điều kiện tự nhiên, cùng với số phận không được may mắn như các bạn bè cùng trang lứa, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang có nguy cơ phải nghỉ học. Có lẽ ước mơ chỉ là ước mơ nếu không có chương trình 'Nâng bước em đến trường' của những người thầy mang quân hàm xanh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Máy (Hà Giang) tuyên truyền về chủ đề tình yêu đất nước, biên giới trên lớp học. Ảnh: Lại Tấn

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Máy (Hà Giang) tuyên truyền về chủ đề tình yêu đất nước, biên giới trên lớp học. Ảnh: Lại Tấn

Sẻ chia khó khăn

Nằm cách TP Hà Giang hơn 70km, thôn Phín Ủng (xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, Hà Giang) là một trong những địa bàn nhiều khó khăn. Những ngày cuối tháng 2, mưa phùn rải rác cả ngày lẫn đêm, con đường đất vốn đã ngoằn ngoèo, khúc khuỷu từ trung tâm xã dẫn vào thôn càng khó đi hơn khi nền đường nhão nhoẹt, lầy lội và trơn trượt. Tìm đến gia đình ông Giàng Mìn Cáo – một trong những hộ dân thuộc diện nghèo nhất thôn Phín Ủng, dù quãng đường chỉ 2km, chúng tôi phải đi xe máy hơn 30 phút để tiếp cận khu vực gần nhà; rồi cuốc bộ, bò lổm cổm ở lưng chừng đồi, bấu víu cây cối để tìm đường. Đến nơi, căn nhà đơn sơ, gần trống không, buồn heo hắt, chỉ có một bộ bàn ghế, vài bao tải ngô. Ông Giàng Mín Cáo cũng không có trong nhà.

Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận còn tích cực giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Trong đó, tập trung xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, như: Giúp dân làm đường nông thôn, trồng hồng không hạt, mở rộng diện tích canh tác lúa nước, trồng cỏ, nuôi dê... Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã có nhiều đóng góp thiết thực như nhận đỡ đầu học sinh nghèo trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”.
Trung tá Nguyễn Hồng Phong – Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần

Đợi chừng 20 phút, chúng tôi gặp con trai út của ông Cáo đi ngang qua để hỏi thăm. Bất đồng ngôn ngữ, được sự giúp đỡ, phiên dịch của Thượng úy Sủng Chính Ly – Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, tôi mới có thể truyền đạt ý muốn được gặp ông Cáo. Tiếp tục đợi thêm 20 phút nữa, trời nhá nhem tối, ông Cáo mới đi rừng về, chân tay lấm lem. Ông lọ mọ loanh quanh góc nhà tối om, lạch cạch tiếng bát đũa, rồi mang ra một chai rượu trắng và vài cái chén, sau màn bắt tay và chào hỏi bằng rượu, ông Cáo chậm rãi nói: “Chiến tranh biên giới, 2 anh em tôi đi chăn ngựa thì bị địch bắt giữ. Tôi may mắn chạy thoát, anh trai vẫn mất tích. Sau này hòa bình, tôi lấy vợ và có 5 người con. Kinh tế gia đình khó khăn, nhà chỉ có 2 con bò, 2 con lợn và trồng một ít cỏ voi. Sáng lên rừng nhặt nhạnh, tối lại về nhà với 4 bức tường. Hiện nay, tôi ở với con trai út là Giàng Thìa Toán. Cháu may mắn được bộ đội nuôi, hỗ trợ thêm 500.000 tháng”.
Được biết, em Giàng Thìa Toán được Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận nhận làm con nuôi, thuộc diện đối tượng hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Chương trình được triển khai từ cuối năm 2014 theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. “Nâng bước em đến trường” góp phần giúp đỡ đồng bào, nhất là các em nhỏ tại các khu vực biên giới, hải đảo có cuộc sống tốt hơn, được đến trường học hành, phát triển cả về thể chất, tinh thần và tri thức.
Nuôi dưỡng những ước mơ
Tại tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Xín Mần nói riêng, việc đi học của các em nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài các yếu tố khách quan về kinh tế, cơ sở vật chất, đường đi lại xa xôi, nhiều em nhỏ còn có hoàn cảnh đặc biệt không thể tới trường học. Trường hợp của em Vàng Xuân Bình (học sinh lớp 9, trường THCS xã Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) là một trong những điển hình. Bố mất sớm, mẹ bỏ nhà đi, Vàng Xuân Bình từ nhỏ đã thiếu thốn sự chăm sóc của gia đình. Trong hoàn cảnh khó khăn, không thể đến lớp thường xuyên, Bình vẫn luôn ấp ủ ước mơ đi học để biết chữ, có kiến thức để thay đổi cuộc đời. Ước mơ đó may mắn trở thành hiện thực, Vàng Xuân Bình được các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Xín Mần nhận làm con nuôi. Bình chia sẻ: “Ở đây, em được đi học đầy đủ. Em được ăn ngon, mặc ấm hơn ở nhà”. Ngoài trường hợp của Vàng Xuân Bình, Đồn Biên phòng Xín Mần còn nhận nuôi 12 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại Đồn Biên phòng Xín Mần, các em được các cán bộ chiến sĩ chăm sóc như những người con, người cháu trong gia đình. Người lính mang quân hàm xanh đã trở thành người cha, người anh thân thương nhất của các em.

Thiếu tá Đinh Tiến Thước - Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Mần (Hà Giang) chăm sóc con nuôi sau giờ đi học về. Ảnh: Lại Tấn

Đón các em về và chuẩn bị bữa trưa sau giờ học, Thiếu tá Đinh Tiến Thước - cán bộ Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Xín Mần, trực tiếp là cha nuôi của Bình chia sẻ: "Nhiều năm làm công tác vận động quần chúng, tôi có biết hoàn cảnh của Vàng Xuân Bình nên đề xuất với đơn vị về hoàn cảnh của con, nhận làm con nuôi, giúp đỡ con về vật chất và trao đổi tâm tư nguyện vọng, động viên con học. Mỗi tháng Bình được hỗ trợ 500.000 đồng, ăn theo chế độ của chiến sĩ trong đồn, các chiến sĩ ăn thế nào, Bình được nuôi ăn như vậy”.

Sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng Xín Mần trở thành động lực để Vàng Xuân Bình luôn cố gắng trong học tập. Nhận xét về học trò của mình, cô giáo Ma Thị Thảo - giáo viên chủ nhiệm của Vàng Xuân Bình cho biết: “Em là một học sinh ngoan, biết cố gắng và có những cố gắng nhất định trong học tập”.

Nhiều trăn trở

Nhờ sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang thông qua chương trình “Nâng bước em tới trường” nhiều em nhỏ đã được đi học, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trong tương lai. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn khách quan, như còn tình trạng các em bỏ học, trốn về nhà. Khi bộ đội tìm đến hỏi thăm, tìm hiểu nguyên nhân thường chỉ gặp được phụ huynh do các em vẫn đang lên rừng mưu sinh. Hay như tại trường Tiểu học và THCS dân tộc bán trú Bản Máy (huyện Hoàng Su Phì), học sinh có kiến thức tốt, được cử đi thi học sinh giỏi của tỉnh nhưng nhà trường không có kinh phí đầu tư, nâng cao kiến thức cho các em. Điển hình như việc nhà trường có học sinh giỏi Toán, muốn cho các em được tiếp cận máy tính, tham dự các cuộc thi giải toán bằng máy tính cầm tay nhưng không có tiền mua.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng sau giờ học, học sinh bán trú tại các xã vùng cao của tỉnh Hà Giang lại cùng các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng vui vẻ tham gia các hoạt động vui chơi. Những ngày cuối tuần, học sinh được cùng các chiến sĩ biên phòng đưa đi trải nghiệm các cột mốc, hướng dẫn cách kiểm tra cột mốc và nghe những câu truyện về lịch sử đất nước, tinh thần vượt qua khó khăn của thế hệ đi trước. Qua đó, nuôi dưỡng cho các em tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-niem-60-nam-ngay-truyen-thong-bo-doi-bien-phong-331959-332019-chap-canh-uoc-mo-toi-truong-337353.html