Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9-Khe Sanh: Bản hùng ca trên miền đất lửa

Trong những ngày tháng 7, chúng tôi được hòa vào các đoàn cựu chiến binh về chiến trường xưa và tri ân trên miền đất lửa Trị - Thiên.

Mỗi chuyến đi là một lần chúng tôi như chìm trong những câu chuyện và niềm xúc động của ký ức dạt dào về hình ảnh kiên trung, hiên ngang của một thế hệ cha, anh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” kiêu hùng trong mưa bom, bão đạn. Họ đã tạc những chiến công vĩ đại và tượng đài Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh bất tử vào dòng lịch sử của dân tộc.

Đường 9 – Khe Sanh, trên địa bàn đất lửa Trị - Thiên được coi là “con đường chiến lược cho mọi ý đồ chiến lược”. Theo Nhà báo Bớc-sét (người Australia): "… Vĩ tuyến 17 hay 16 có một tầm quan trọng chiến lược trọng yếu. Giữa hai vĩ tuyến đó, có Quốc lộ 9 nối Lào với bờ biển Việt Nam. Người Pháp muốn giữ Quốc lộ 9 để duy trì sự kiểm soát đối với Lào. Ông Phạm Văn Đồng muốn có nó để có thể tiếp tục sự ủng hộ của Việt Minh với Pathét Lào”. Trong quá trình tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đặc biệt quan tâm đến Đường 9 – Khe Sanh và ví nơi này như “cái mỏ neo” ở phía Tây của toàn bộ hệ thống phòng thủ chiến lược phía Nam khu phi quân sự. Chính vì vậy, Mỹ-Ngụy tập trung xây dựng cụm cứ điểm mà chúng coi là bất khả chiến bại với quân số lên tới hơn 45.000 tên (trong đó có 28.000 quân Mỹ). Ngày 6-12-1967, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh, với nhiệm vụ tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng, tiêu hao một bộ phận quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, thu hút địch ra Đường 9, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đánh địch.

Bộ đội phối hợp với dân quân chống lầy cho xe tăng trên đường chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, cuối năm 1971. Ảnh: TTXVN.

Cựu chiến binh, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Hợi, nguyên cán bộ quân lực Tiểu đoàn 3, Đoàn Tân Trào cho biết: “Đầu tháng 7 năm 1968, chúng tôi được lệnh khi đánh cứ điểm 689, ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt và kéo dài. Nhiều đồng đội tôi đã anh dũng hy sinh như: Trung đội trưởng Trung đội 1, Thiếu úy, Liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh đã chỉ huy trung đội tiêu diệt được hàng trăm tên Mỹ, phá hủy nhiều hầm ngầm và lô cốt địch. Khi bị thương rất nặng và biết sẽ không thể tiếp tục chiến đấu được, Khánh đã giao nhiệm vụ chỉ huy cho cán bộ tiểu đội. Sau đó, Khánh lết đến 1 hầm đại liên đang bắn xối xả về phía ta và ấn cả một chùm lựu đạn vào dập tắt ổ đại liên địch góp phần cho Trung đội 1 chiếm lĩnh trận địa.

50 năm đã trôi qua, nhưng những ngày tác chiến trên chiến trường Đường 9 – Khe Sanh vẫn luôn in đậm trong ký ức của Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp. Ngày ấy, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu cũng mới vào cái tuổi đôi mươi và là Trưởng xe PT-76, số hiệu 555, Đại đội 3, Tiểu đoàn 198. Ông Tấu cho biết: Tháng 12-1967, từ Cự Nẫm (Nậm Khang – Lào), Tiểu đoàn Tăng 198 (gồm 2 đại đội: Đại đội 3 và Đại đội 9) được lệnh tham gia chiến dịch Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh. Ngày 23-1-1968, chúng tôi nhận lệnh tham chiến tiêu diệt địch ở cụm cứ điểm Huội San, án ngữ biên giới Việt Nam – Lào. Đêm cùng ngày, xe tăng cùng binh chủng hợp thành nhanh chóng tiến công đánh chiếm các mục tiêu đầu cầu, phát triển vào bên trong diệt các ổ đề kháng. Khi xe tăng chưa xuất hiện thì địch ngoan cố phòng ngự, khi xe tăng tung hoành trên chiến trường, địch hoảng loạn bỏ chạy. Chúng ta đã giành quyền làm chủ trận địa vào khoảng 8 giờ sáng, buộc tàn quân địch phải rút chạy về Lao Bảo.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi (thứ hai từ phải qua), cùng đồng đội cũ ở Tiểu đoàn 3, Đoàn Tân Trào.

Sức mạnh của xe tăng đã làm cho kẻ địch hoảng sợ và đặc biệt địch rất hoang mang vì không biết lực lượng cách mạng Việt Nam làm thế nào mà qua “mắt” chúng, để đưa được những chiến xa dũng mãnh vào chiến trường Đường 9 – Khe Sanh. Trên đà thắng lợi, đêm 6-2-1968, Tiểu đoàn 198 nhận lệnh tăng cường cho các đơn vị khác xuất kích tiến công cứ điểm Làng Vây. Nhờ có xe tăng chi viện xung lực, tiến công, chia cắt, thọc sâu phá vỡ thế phòng ngự của địch nên đến 3 giờ sáng ngày 7-2-1968, cứ điểm Làng Vây – “cánh cửa sắt” chốt chặn lối vào Khe Sanh bị tiêu diệt.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2 nhớ lại quá trình chiến đấu vây lấn cụm cứ điểm Tà Cơn: Ngày 11-3-1968, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng, tôi nhận lệnh và chỉ huy Tiểu đoàn vào thay thế lực lượng Tiểu đoàn 2, đảm nhiệm chốt vây lấn phía Tây cứ điểm Tà Cơn, với nhiệm vụ dùng các loại hỏa lực tiêu diệt quân địch, phá hủy các ụ súng, lô cốt địch ở tiền duyên; ép sâu vào tiền duyên buộc địch phải nống ra để tiêu diệt. Chỉ sau 2 ngày vây lấn, tiểu đoàn đã diệt được hơn 150 quân Mỹ. 0 giờ 30 phút, ngày 23-3-1968, tiểu đoàn xuất kích đánh chiếm tiền duyên phía Tây cứ điểm Tà Cơn. Tuy không chiếm được tiền duyên nhưng đã tạo sức ép buộc địch đưa các đại đội Mỹ ra tiến công và bị ta tiêu diệt.

Trước nguy cơ binh lính Mỹ - Ngụy đang chiếm đóng ở Đường 9 – Khe Sanh bị tiêu diệt, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam huy động lực lượng mở cuộc hành quân Pegasus (Ngựa bay) nhằm khai thông Đường 9, giải tỏa Khe Sanh. Ngày 1-4-1968, dưới sự chỉ huy của tướng Tôn-xơn cuộc hành quân Ngựa bay bắt đầu. Trên cơ sở nắm chắc tình hình, phán đoán đúng âm mưu và hành động của địch, quân và dân ta đã đánh bại cuộc hành quân Ngựa bay, loại khỏi vòng chiến đấu 5.200 tên, 15 đại đội Mỹ, bắn rơi 82 máy bay và bắn cháy 21 xe quân sự.

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp trao đổi với phóng viên về kỷ niệm tác chiến trên chiến trường Đường 9 – Khe Sanh 1968.

177 ngày đêm trên chiến trường Đường 9 – Khe Sanh với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 12.000 tên địch (chủ yếu là quân chiến đấu Mỹ), bắn rơi 197 máy bay và bắn chìm, bắn cháy 80 tàu vận tải lớn nhỏ, phá hủy 78 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh khác của Mỹ - Ngụy. Chiến thắng ở Đường 9 – Khe Sanh đã phá vỡ một phần tuyến phòng thủ mạnh của địch, giải phóng một địa bàn có vị trí quan trọng, góp phần bảo vệ tuyến chi viện Bắc-Nam; làm thất bại Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, quyết định ngừng ném bom miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra và thay đổi biện pháp chiến lược từ “tìm diệt” sang “quét và giữ”; đánh bại ý chí xâm lược của Đế quốc Mỹ, làm cho nội bộ giới cầm quyền Nhà Trắng ngày càng chia rẽ sâu sắc, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào phản chiến của tầng lớp nhân dân Mỹ.

Bài, ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ky-niem-50-nam-chien-thang-duong-9-khe-sanh-ban-hung-ca-tren-mien-dat-lua-543809