Kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam: Giải phóng TP.Vũng Tàu

45 năm đã trôi qua kể từ mùa xuân đại thắng 30-4- 1975, nhưng trong ký ức những người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên cảm xúc qua những dòng hồi ức lịch sử.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, vẫn nhớ như in cuộc tiến công của Sư đoàn Bộ binh 3 Sao Vàng nói chung và Trung đoàn Bộ binh 2 nói riêng giải phóng thị xã (TX) Bà Rịa và thành phố (TP) Vũng Tàu mang ý nghĩa vô cùng quan trọng: ngăn địch tháo chạy theo đường biển trên hướng Đông Nam của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tất cả qua lời kể của ông tưởng như mới hôm nào...

Mùa xuân năm 1975, sau khi đập tan "lá chắn thép Phan Rang" của địch, Sư đoàn Bộ binh 3 Sao Vàng rời chiến trường Khu 5 tiến vào miền Đông Nam bộ tăng cường cho Quân đoàn 2, cũng là lúc "cánh cửa thép" Xuân Lộc đã được mở toang. Toàn bộ địch sống sót phần lớn dồn về TX.Bà Rịa cố thủ. Nhiệm vụ của sư đoàn lúc này là tiến công bên cánh trái của Quân đoàn 2, hình thành hướng Đông Nam của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng TX.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu.

17 giờ ngày 26-4, Trung đoàn Bộ binh 141, dưới sự yểm trợ của pháo binh và xe tăng tiến công TX.Bà Rịa. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, mặc dù địch ngoan cố chống trả, gây cho ta nhiều thương vong, nhưng đến 15 giờ ngày 27-4 quân ta đã làm chủ được TX.Bà Rịa.

Trên hướng Trung đoàn Bộ binh 12, đêm 26-4 quân ta tiến công quận lỵ Đức Thạnh và đến sáng 27-4 đã làm chủ được mục tiêu. Trước sức mạnh tiến công của quân ta, trên đường tháo chạy, địch đã đánh sập cầu Cỏ May bắc qua sông Dinh. Trung đoàn 2 là lực lượng chủ yếu tiến theo đường số 15 (nay là đường 51) xuống TP.Vũng Tàu đã bị chặn lại bên này cầu. Địch thiết lập một ổ đề kháng mạnh bên đầu cầu phía đông (phía TP.Vũng Tàu) ra sức ngăn cuộc vượt sông của quân ta.

Không thể chậm trễ trước tình huống ngoài dự kiến này, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 đã nhanh chóng chuyển hướng thứ yếu thành chủ yếu: Trung đoàn 12, dưới sự chi viện của cụm pháo binh sư đoàn, được địa phương huy động hàng ngàn phương tiện tàu thuyền chở bộ đội vượt trên 1.000m qua biển Phước Tĩnh, nhắm hướng núi Nhỏ tiến xuống Vũng Tàu. Trung đoàn 2 trở thành hướng thứ yếu tiếp tục khắc phục khó khăn để vượt sông, theo đường 15 tiến xuống phối hợp với Trung đoàn 12 giải phóng TP.Vũng Tàu.

Ban chỉ huy Trung đoàn 2 lúc giải phóng TP.Vũng Tàu (từ trái sang) hàng đứng: Quyền Trung đoàn trưởng Đoàn Mai Ngữ, Phó trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Hồng (tác giả bài viết), hàng ngồi: Phó chính ủy Lê Văn Quýt, Chính ủy trung đoàn Nguyễn Văn Chước và Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 2 Lưu Quang Đông

Ban chỉ huy Trung đoàn 2 lúc giải phóng TP.Vũng Tàu (từ trái sang) hàng đứng: Quyền Trung đoàn trưởng Đoàn Mai Ngữ, Phó trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Hồng (tác giả bài viết), hàng ngồi: Phó chính ủy Lê Văn Quýt, Chính ủy trung đoàn Nguyễn Văn Chước và Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 2 Lưu Quang Đông

Sáng 29-4, lực lượng vũ trang địa phương từ TP.Vũng Tàu theo đường 15 đánh thốc lên phía sau cụm địch ở đầu cầu Cỏ May, đồng thời một đại đội của Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 12 từ hướng đông phối hợp tiến sang. Bị tấn công bất ngờ, quân địch cố thủ ở đầu cầu Cỏ May phải tháo chạy. Trung đoàn 2 ào ạt vượt sông, nhanh chóng tiến xuống TP.Vũng Tàu. Chúng tôi nhận thức được rằng: chậm một ngày, thậm chí một giờ, là có tội với nhân dân, với đất nước nếu kẻ thù thoát khỏi TP.Vũng Tàu ra biển...

Cho nên, dù trước đó Tiểu đoàn 3 đã thương vong khá nhiều ở cầu Cỏ May, nhưng sau khi vượt qua sông Dinh, Trung đoàn 2 đã chạy đua với thời gian tiến nhanh đến mục tiêu được giao, đánh chiếm núi Lớn - nơi có đài vô tuyến viễn thông và tiến vào trung tâm thành phố, phối hợp với Trung đoàn 12 giải phóng hoàn toàn TP.Vũng Tàu, khống chế, tiêu diệt địch tháo chạy ra biển.

Tối 29-4, Sở chỉ huy Trung đoàn 2 triển khai tại Quân cảng Vũng Tàu, cạnh Quốc lộ 15. Đến bây giờ, có thể nhiều người chưa biết tường tận về diễn biến chiến đấu trong thời điểm quân ta tiến công giải phóng TP.Vũng Tàu. Ngoài hai trung đoàn 2 và 12 đảm nhiệm, ở đây xin nói thêm là Trung đoàn Bộ binh 141 có 1 tiểu đoàn vượt biển tiến sang đánh chiếm núi Nưa thuộc huyện Cần Giờ. Và như vậy, chúng ta đã tạo được thế trận bao vây gần như khép kín trên hướng Đông Nam của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Lúc bấy giờ, tôi là Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 2. Sáng 30-4, tiếng súng rộ lên dọc đường 15 dẫn đến chân núi Lớn, tôi rời sở chỉ huy, men theo dãy phố bên đường lên phía trước đôn đốc các mũi tiến công theo kế hoạch. Cách chân núi Lớn chừng 200m, tiếng đạn nổ choác choác trên đầu, có những viên trúng vào mái tôn nghe ràn rạt mà không biết từ đâu bắn tới. Tôi nép sát vào bờ tường của căn nhà bên đường, qua máy bộ đàm lệnh cho khẩu đội cối 120mm bắn lên sườn núi và nhắc anh em không bắn vào khu vực có mấy cái "rổ sắt" là đài vô tuyến viễn thông, vì nghĩ rằng tất cả những phương tiện ấy là của chúng ta rồi.

Đến ngã ba đường, dưới chân núi Lớn, trước mặt tôi là 3 dãy nhà 1 trệt 2 lầu, trên sân lúc này là 3 khối "học sinh" khoảng 15 - 16 tuổi, hàng ngũ chỉnh tề, có người phụ trách. Lực lượng chiến đấu phía trước của Trung đoàn 2 đã lướt qua ngã ba, ra hướng biển, không có ai lên núi Lớn. Tôi vào kiểm tra các dãy nhà và cho các khối "học sinh" ra về. Khi lên kiểm tra các phòng, tôi rất ngạc nhiên: tất cả cửa sổ hướng ra đường, mỗi cửa đều có 1 khẩu súng AR15, cả chăn, chiếu, mùng tuyn quân đội. Sau này tôi mới biết đây là trường thiếu sinh quân của Quân đội Sài Gòn và những loạt đạn quái ác trước đó chính là những khẩu súng từ các ô cửa sổ này bắn ra.

Xác định mục tiêu chính của trung đoàn lúc này là núi Lớn, tôi đi nhanh lên sườn đồi, luồn qua lau lách và cây cối rậm rạp, cứ thế vượt lên, được chừng 1/3 sườn núi thì vướng lớp hàng rào bằng lưới sắt chống đạn B40, cao khoảng 3m, leo vào được bên trong khu vực đài viễn thông. Chưa có bộ phận nào của ta lên đến đây, địch cũng đã xuống hết tự lúc nào. Từ đỉnh núi Lớn, tôi tụt xuống phía bờ biển, thấy dọc con đường trải nhựa cơ man nào là xe cộ: xe vận tải, thiết giáp M113, xe hồng thập tự... nối dài ngút mắt. Rất nhiều lính địch do hết đường chạy đã tụ tập tại đây, bộ đội ta đang giám sát, chờ xử lý.

Tôi cho tập trung tất cả lại một nơi và nghĩ ngay đến việc làm thế nào để thu số lượng xe quá lớn này đưa về sư đoàn. Sau khi tuyên truyền chính sách nhân đạo của mặt trận, tôi hỏi: "Ở đây ai biết lái xe?". Hình như tất cả vẫn còn sợ, vì đứng trước mặt họ giờ là một người chỉ huy của Quân Giải phóng, bên hông lủng lẳng khẩu súng ngắn. Tôi hỏi lại và khi một người khoảng 45 - 50 tuổi giơ tay thì hầu như toàn bộ số tàn binh đều đưa tay lên. Sau này tôi mới biết hầu hết số lính này thuộc tiểu đoàn tiếp vận của địch vừa từ TX.Bà Rịa chạy về. Toàn bộ xe chiến lợi phẩm sau đó được đưa về phía sau của Sư đoàn 3.

Một tình huống cũng ngoài dự kiến mà có lẽ đến nay rất ít người biết, trừ những người trong cuộc, đó là sau thời khắc lịch sử tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì tại khách sạn Palace ở trung tâm TP.Vũng Tàu xuất hiện một toán lính địch khá đông, phần lớn là sĩ quan, đang co cụm tại đây chờ cơ hội thoát ra biển để được tàu thuyền vớt lên đưa ra hải phận quốc tế.

Chúng ngoan cố chống trả đến nỗi quân ta phải dùng hỏa lực mới buộc được tất cả đầu hàng. Nhưng đau đớn đến tột cùng, khi cả nước đang hân hoan trong niềm vui đại thắng thì những chiến sĩ Quân Giải phóng cùng một số du kích địa phương đã ngã xuống tại đây... Ngày nay, tấm bia ghi công được dựng lên tại khách sạn này và chúng tôi, những người lính cống hiến máu xương trong thời khắc lịch sử của dân tộc đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ky-cuoi-giai-phong-thanh-pho-vung-tau_91692.html