Kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp - biểu tượng đẹp của Việt Nam và Nga

Sáng ngày 21/7, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga, Chi hội Việt – Nga Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt – Xô (23/7/1980-23/07/2020).

Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt – Xô.

Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt – Xô.

Tham dự buổi lễ, có: Trung tướng Phạm Tuân, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, anh hùng Liên Xô, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục công nghiệp quốc phòng, nguyên Phó tư lệnh chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân; các cán bộ nguyên là Tư lệnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh chính trị chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân qua các thời kỳ, các đại biểu Tổng cục công nghiệp quốc phòng, Trung tâm vũ trụ Việt – Nga, Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam...

Về phía Hội hữu nghị Việt – Nga có: ông Trần Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga; đại biểu chi hội Việt – Nga thành phố Hà Nội; chi hội hữu nghị Việt – Nga Bộ Công an; chi hội hữu nghị Việt – Nga Quân chủng Phòng không - Không quân; đại diện Phân viện Puskin Hà Nội.

Về phía Liên bang Nga, có: ông V.V. Bublikov, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; đại biểu tùy viên quân sự Liên bang Nga; đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam; Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga; Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.

Ngày 23/7/1980, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Vichtor Vaxilievich Gorbatko và nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân của Việt Nam đã thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37. Sau chuyến bay lịch sử đó, tình bạn Gorbatko - Phạm Tuân ngày càng gắn kết, trở thành biểu tượng của sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga...

Trong 8 ngày bay ngoài vũ trụ, hai nhà du hành vũ trụ đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo Trái Đất, tiến hành 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm đất vùng sông Hồng, chuẩn bị xây dựng Trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ Intersputnik. Trong tình trạng không trọng lượng, hai nhà du hành vũ trụ cũng đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu… Ngoài ra, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân còn tiến hành chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái Đất…

Chuyến bay trở thành sự kiện lịch sử trong đời sống nhân dân hai nước, ghi một mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên Xô trước đây, cũng như đối với Liên bang Nga ngày nay. Chuyến bay đầu tiên này cũng là cơ sở ban đầu cho sự hợp tác về khoa học-công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ của các nhà khoa học Việt Nam.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn - Ủy viên thường trực Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Võ Văn Tuấn - Ủy viên thường trực Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới tri thức, khoa học - công nghệ nói chung và đặc biệt quan tâm tới công cuộc chinh phục vũ trụ do Liên Xô khởi xướng. Người tiên đoán: “Tôi tin rằng trong tương lai chắc sẽ có đại diện của thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ”. Năm 1980, lời tiên đoán ấy đã trở thành hiện thực. Khi Liên Xô chuẩn bị đào tạo một nhóm các nhà du hành vũ trụ quốc tế từ các nước xã hội chủ nghĩa, đã đề nghị Việt Nam tham gia và đề xuất lựa chọn phi công Phạm Tuân theo khóa huấn luyện của chương trình này.

Qua nhiều khó khăn, thử thách, tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Liên bang Nga vẫn không hề thay đổi, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình và hiệu quả của nhân dân Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã dành cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam trong suốt mấy chục năm. Ngày nay, Việt Nam và Liên bang Nga đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tình hữu nghị truyền thống Việt-Nga ngày càng được tăng cường, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ giữa hai nước.

Lịch sử đã chứng minh, Việt Nam và Liên bang Nga tuy cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng nhân dân hai nước Việt - Xô và Việt - Nga đã có một tình hữu nghị gắn bó truyền thống, bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp về nhiều mặt từ nhiều năm qua. Mối quan hệ thắm thiết đó được thử thách qua nhiều thập kỷ, trở thành tài sản quý báu và là nhân tố vô cùng quan trọng để tiếp tục đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Các thế hệ người Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ và giúp đỡ chí nghĩa, chí tình và hiệu quả của nhân dân Liên Xô cũng như nhân dân Nga đã dành cho chúng ta trong 70 năm qua. Chúng ta luôn nhớ công lao của những người thầy, người bạn Liên Xô và Nga đã giúp đỡ Việt Nam đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học giỏi, những cán bộ có trình độ cao cho Việt Nam.

Phát huy kết quả và truyền thống của chuyến bay vũ trụ phối hợp 40 năm trước, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga trong lĩnh vực vũ trụ sẽ ngày một phát triển, từng bước vươn tới những tầm cao mới, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Buổi lễ là dịp bày tỏ lòng tri ân, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội Xô Viết, Liên bang Nga và tưởng nhớ nhà du hành vũ trụ Liên Xô và Nga Vichtor Vaxilievich Gorbatk. Giờ đây, tuy ông không còn nữa, nhưng tình bạn giữa ông và nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân, giữa Việt Nam - Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân mỗi nước.

Tại buổi lễ, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam ông V.V.Bublikov khẳng định: “Ngày 23/7 là một ngày lễ thực sự trong quan hệ Nga-Việt. Đây là một sự kiện có quy mô tầm thế giới và là niềm tự hào vô tận của nhân dân hai nước. Buổi lễ đem đến cơ hội độc nhất vô nhị để mọi người được nói chuyện trực tiếp với đồng chí Phạm Tuấn và nghe những câu chuyện của ông về hành tinh này. Bởi vì không có quyển sách nào, không có một chương trình truyền hình nào có thể so sánh được với sự giao lưu trực tiếp với con người”.

Chuyến bay thể hiện sự đoàn kết, bên nhau trong chương trình Interkosmos mà người Nga đã đặt ra vào thời điểm đó. Sau đó Việt Nam cũng dành nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Và chúng tôi, những người bạn Nga sẽ luôn sát cánh, ở bên cạnh các bạn - Tham tán Công sứ V.V. Bublikov nhấn mạnh.

Ngài Tham tán Công sứ Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam bày tỏ, gửi lời cảm ơn đến Việt Nam đã trao tặng các vật tư và thiết bị y tế giúp nhân dân Nga phòng, chống COVID-19. “Điều này một lần nữa đã minh chứng cho tính chất không gi phá vỡ nổi trong quan hệ Nga-Việt và sự sẵn sàng trợ giúp lẫn nhau trong thời điểm khó khăn nhất”.

Trung tướng Phạm Tuân, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, anh hùng Liên Xô - người thực hiện chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt – Xô 40 năm trước.

Hồi tưởng lại thời khắc lịch sử 40 năm trước, Trung tướng Phạm Tuân cho biết: Tôi tham gia khóa huấn luyện của Liên Xô nhằm đào tạo một nhóm các nhà du hành vũ trụ quốc tế từ các nước xã hội chủ nghĩa theo chương trình Interkosmos. Và tôi đã được lựa chọn cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37 vào ngày 23/7/1980.

Tôi trở thành người Việt Nam, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Chỉ mất 1 năm 4 tháng tôi và anh Bùi Thanh Liêm đã hoàn thành được chương trình đào tạo, không có một sai sót nào từ rèn luyện sức khỏe đến học tập, thi cử; được đánh giá là một trong 9 đội bay chuẩn bị tốt nhất. Chúng tôi đại diện cho thế hệ thanh niên Việt Nam, thực hiện được mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong quá trình đào tạo, Liên bang Nga đã ưu tiên tài trợ toàn bộ kinh phí cũng như cử những phi công giàu kinh nghiệm, huấn luyện với đội bay trong lúc tập luyện bổ trợ và bay chính thức.

Các đại biểu tặng hoa lưu niệm tại buổi lễ.

Chúng tôi đã lựa chọn những vật phẩm mang vào vũ trụ là: nắm đất ở Ba Đình, lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh đồng chí Lê Duẩn, Tuyên ngôn độc lập, Di chúc của Bác... Nó là thông điệp nói với bạn bè khắp năm châu rằng, ngọn cờ của Việt Nam đã có trong vũ trụ, tên Việt Nam được in vào bản đồ vũ trụ quốc tế. Qua đó chứng minh rằng người Việt Nam không những chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà với sự giúp đỡ của bạn bè Liên bang Nga, Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm tốt trong cả các lĩnh vực khoa học công nghệ.

Chia sẻ với Thời Đại, Trung tướng Phạm Tuân cho biết: “Với tôi khoảnh khắc ấn tượng nhất là lúc tôi và anh Gorbatko gặp nhau lần đầu tiên trong vũ trụ, thể hiện quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam-Liên Xô. Mối quan hệ đó có từ Trái Đất, trên bầu trời, dưới biển và bây giờ là trong vũ trụ”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Trần Bình Minh – Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liên Bang Nga đánh giá: Lễ kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt – Xô là một trong số nhiều hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Liên Bang Nga phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong năm nay. Mặc dù thế giới có nhiều đổi thay nhưng truyền thống hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau từ thời Xô Viết vẫn được nhân dân Việt Nam và Liên bang Nga gìn giữ, tiếp tục phát triển và củng cố ngày càng bền vững.

Dưới đây, Tạp chí Thời Đại xin giới thiệu một số hình ảnh các đại biểu thăm quan Bảo tàng Phòng không – Không quân trong khuôn khổ buổi lễ kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt – Xô:

Tại bảo tàng Phòng không - Không quân - có trưng bày giới thiệu về chuyến bay hợp tác vũ trụ quốc tế Việt Nam – Liên Xô năm 1980.

Trung tướng Phạm Tuân bên khoang đổ bộ tàu Liên hợp vũ trụ 37.

Anh Vũ

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ky-niem-40-nam-chuyen-bay-vu-tru-phoi-hop-bieu-tuong-dep-cua-viet-nam-va-nga-113071.html