Kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam: Nghĩa vụ Quốc tế cao cả!

Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng pol pot, xin đăng lại bài 'NGHĨA VỤ QUỐC TẾ CAO CẢ' của Nhà báo Vũ Xuân Bân

Nhà báo Vũ Xuân Bân (ảnh trên), Nguyên đặc phái viên TTXVN tại biên giới Tây Nam 1977, chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã SPK (nay là AKP) trong các năm 1978-1979), hiện là P. Tổng biên tạp Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam. Bài viết trên được đăng trong cuốn sách "Chuyện Chúng tôi - Lính xung kích Thông tấn" của Ban biên tập tin Trong nước -TTXVN, do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành tháng 6/2018" để nhớ lại những tháng năm gian khổ không thể nào quên:

“Giúp bạn là giúp mình” - Đó là lời căn dặn của các đồng chí lãnh đạo khi giao nhiệm vụ cho chúng tôi làm đặc phái viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thường trú tại biên giới Tây Nam và sau đó làm chuyên gia giúp Thông tấn xã Campuchia SPK (Sa Poramean Kampuchia) và nay là AKP (Agency Kampuchia Press) ngay từ những ngày đầu mới ra đời vào cuối năm 1978. Thấm thoắt mới ngày nào mà nay đã 40 năm đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ (7/1/1979 - 7/1/2019), những lời dặn dò đó như vẫn văng vẳng bên tai và lắng đọng trong tâm khảm của những người từng xông pha trận mạc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp tục bảo vệ biên giới Tây Nam đất nước, vừa làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng do Pol pot cầm đầu.

"Nước mã hồi" không bị phục kích

Đang theo cánh quân tình nguyện Quân khu 7 để đưa tin giúp bạn giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia vừa tiến vào thị xã Krochê chưa kịp nghỉ ngơi, vừa hoàn thành bài viết “Những giờ phút đầu tiên giải phóng thị xã Krochê” kịp gửi về Tổng xã TTXVN, gần cuối buổi chiều ngày 7/1/1979, chúng tôi được lệnh trở về Thành phố Hồ Chí Minh để nhận nhiệm vụ mới. Trời nhá nhem tối, chúng tôi chia tay Cục Chính trị tiền phương Quân khu 7 rời Krochê trở về. Nhiều cán bộ Cục Chính trị tiền phương Quân khu 7 tỏ ra ái ngại “các nhà báo đi về đêm phải cẩn thận kẻo bị tàn quân Pol pot phục kích, hôm qua đã có một xe ô tô đi chệch ra vệ đường trúng mìn của chúng”.

Không quản ngại nguy hiểm, chiếc xe Jeep cao gầm mang biển kiểm soát 50B 7289 do Bùi Lương Duyên lái lại tức tốc băng rừng đưa nhóm phóng viên chúng tôi trở về Thành phố Hồ Chí Minh. Từ thị xã Krochê đi về hướng biên giới Bình Phước, đường nhiều ổ gà ổ voi, vắng tanh, phải băng qua nhiều cánh rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Súng AK47 và lựu đạn trong tay, chúng tôi phân công nhau căng mắt quan sát không chỉ phía trước mà cả hai bên đường, đôi lúc thấp thỏm lo âu “Nếu gặp tàn quân Pol Pot thì sẽ ra sao? Thôi đành phó thác cho số mệnh!”.

Rời Krochê được hơn 3 giờ, lái xe Bùi Lương Duyên mệt nhoài, ngáp ngủ khẩn khoản đề nghị “Anh lái xe thay cho em một lát để đỡ căng mắt. Em mệt quá!”. Tôi liền cầm vô lăng nhấn ga, xe Jeep giật cục tiếp tục lao về phía trước. Phải mất 10 phút sau, tôi mới quen tay lái. Đường bỏ hoang mấy năm dưới thời Pol Pot cầm quyền nên cực xấu, không đi nhanh được, chiếc xe Jeep cứ nhảy chồm chồm như người làm xiếc. Trời tối mịt mùng và tâm trạng lo bị phục kích dọc đường, tôi tập trung thị lực cao độ quan sát, nhấn ga cho xe lao về phía trước.

Phóng viên Vũ Xuân Bân tranh thủ viết bài “Đường về Thủ đô Phnom Penh” ngày 8/1/1979.

Lường trước được những ngày chiến đấu gian khổ sẽ còn dài, ngay sau ngày Pol Pot xua quân vượt biên giới gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại Tân Biên (Tây Ninh) đêm 24 rạng ngày 25/9/1977, Bùi Lương Duyên được lãnh đạo Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ lái chiếc xe Jeep Mỹ cao gầm tăng cường cho Tổ phóng viên của TTXVN thường trú tại biên giới Tây Nam đóng tại Tây Ninh, đã hướng dẫn tôi học lái xe. Tôi đã nhanh chóng làm quen, những lúc lái chính mệt mỏi, tôi đã thay thế, tay lái ngày càng thuần thục. “Nước mã hồi” cảm thấy nhanh thật. Chẳng mấy chốc, cửa khẩu biên giới Bình Phước đã hiện ra trước mắt, nỗi lo bị tàn quân Pol Pot bất ngờ tập kích đã lùi lại phía sau.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, nét mặt ai nấy đều rạng rỡ, đầu tóc, quần áo đều phủ lớp bụi đất đỏ bazan, thẳng tiến về Thành phố Hồ Chí Minh lúc quá nửa đêm. Thành phố mang tên Bác rợp cờ mừng vui chiến thắng vì quân tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia nổi dậy thành công, giải phóng Thủ đô Phnom Penh từ trưa ngày 7/1/1979. Không khí mừng vui chiến thắng những ngày đầu năm 1979 tại Thành phố Hồ Chí Minh thật tưng bừng. Thành phố có số dân đông nhất nước, đã về khuya vẫn nườm nượp xe máy, xe ô tô trên các ngả đường, trông ai nấy đều hân hoan đồng thuận trong khóe mắt: “Việt Nam - Campuchia tắt lửa tối đèn có nhau”, “Campuchia vùng lên thoát khỏi họa diệt chủng”, “Giúp bạn là giúp mình”...

Trên đường về Thủ đô Phnon Penh

Chưa được nghỉ ngơi, chúng tôi lại được Ban lãnh đạo cơ quan thông qua Cơ quan thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ mới phải nhanh chóng vào Phnom Penh vừa làm phóng viên TTXVN thường trú,vừa làm chuyên gia cho SPK. Sáng sớm 8/1/1979, vẫn chiếc xe Jeep Mỹ cao gầm do Bùi Lương Duyên lái lại đưa chúng tôi ngược Quốc lộ 22 lên Tây Ninh rồi qua cửa khẩu Mộc Bài hướng tới bến phà Niếc Lương để về Phnom Penh.

Từng chứng kiến ngay từ những ngày đầu, lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở vùng biên giới Tây Ninh đã vô cùng gian khổ, vất vả, thường trực chiến đấu ngăn chặn sự gây hấn và xâm lấn của lính Pol Pot, khi vượt qua cửa khẩu Mộc Bài đặt chân sang đất bạn, trong lòng mỗi chúng tôi đều hồi hộp khó tả. Phóng viên ảnh Hoàng Văn Sắc - người từng gắn bó với chiến trường Khu IV và đường Trường Sơn trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ để chi viện cho chiến trường miền Nam - là tác giả của những bức ảnh nổi tiếng như 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) trước lúc hy sinh và “Vượt Trường Sơn” với những đoàn ô tô hành quân như cua bò trên đường mòn Hồ Chí Minh khói lửa..., đã yêu cầu chúng tôi dừng xe chụp ảnh kỷ niệm tại dấu mốc biên giới Mộc Bài. Vì chính tại nơi đây, nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương và giữ cho cuộc sống của nhân dân ta ở phía sau, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh sôi động hưởng cuộc sống bình yên.

Chiếc xe Jeep gầm cao (xe thứ 2) mang biển kiểm soát 50B 7289 do Bùi Lương Duyên lái tức tốc băng rừng, lội suối đưa PV Vũ Xuân Bân từ Kroche về TPHCM để sáng 8/1/1979 đi vào Phnom Pênh.

Campuchia dưới thời diệt chủng Khmer đỏ do Pol Pot cầm đầu là một xã hội trại lính, đóng kín, xa lánh với thế giới bên ngoài. Thị trấn Chi Phu (huyện Bavet) cách cửa khẩu Mộc Bài gần 20 km thuộc tỉnh Xvây Riêng và “cánh đồng chết” hiện ra trước mắt. Đất đai nơi đây phì nhiêu nhưng đã bị bỏ hoang hóa. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những chiếc sọ người như bình vôi vương vãi khắp nơi, là những nạn nhân bị bọn đao phủ Pol Pot hành quyết không được chôn cất. Cái tên “cánh đồng chết” là bằng chứng về tội ác man rợ của chế độ diệt chủng Pol Pot.

Những ngày đầu giải phóng, dân thị trấn Chi Phu đã bị Pol Pot xua đuổi, không một bóng người. Nhiều cây thốt nốt - biểu tượng của Campuchia - đã mấy năm không có người khai thác mật cũng trở nên xác xơ, tiêu điều. Chi Phu là tuyến phòng thủ đầu tiên của Pol Pot. Chúng rêu rao tại đây có các Sư đoàn 3, 4, Trung đoàn 203 phòng thủ... nhưng sự chống trả của chúng rất yếu ớt. Hướng tấn công này do Binh đoàn Cửu Long đảm nhiệm. Sau vài loạt đạn đầu, lính Pol Pot đã bỏ chạy. Lớp vỏ cứng bên ngoài đã bị bóc, Binh đoàn Cửu Long cứ thế hành tiến về giải phóng Phnom Penh ngay trong ngày 7/1/1979. Quốc lộ 1 trên đất Campuchia từ cửa khẩu Mộc Bài về bến phà Niếc Lương có nhiều đoạn bị lính Pol Pot đào phá cắt ngang, dựng chướng ngại vật hòng ngăn cản quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam tiến về giải phóng Phnom Penh. Đường rất xấu, tốc độ xe Jeep của chúng tôi không vượt quá 15 km/giờ.

Xe chúng tôi lại hành quân từ thị trấn Chi Phu đi được hơn 30 km đến thị xã Xvây Riêng. Nơi đây cũng điêu tàn, vắng bóng người, dân thị xã Xvây Riêng cũng bị bè lũ Pol Pot xua đuổi đi hết chưa kịp trở về, thỉnh thoảng mới thấy một số bộ đội cách mạng Campuchia được phân công ở lại làm nhiệm vụ quân quản quản lý thị xã. Chúng tôi dừng lại ít phút chụp ảnh, lấy tư liệu chuẩn bị cho bài viết trên đường về Phnom Penh trong những ngày đầu giải phóng. Từ thị xã Xvây Riêng, chúng tôi đi tiếp hơn 50 km nữa là đến bến phà Niếc Lương, đoạn đường này có nhiều người qua lại hơn.

Bộ đội ta truy kích lính Pol Pot bảo vệ biên giới Tây Nam, cuối năm 1978. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/TTXVN).

Kia rồi! Phà Niếc Lương vượt sông Mê Công đông kín người. Xe ô tô chờ đợi đông đặc ở hai đầu bến phà. Người dân Campuchia ở các đô thị bị Khmer đỏ xua đuổi về các làng quê hẻo lánh sinh sống biết tin Phnom Penh giải phóng, chế độ diệt chủng bị lật đổ, bắt đầu dò tin tức tự động trở về quê cũ. Hai phà dân sự và một phà quân sự do Quân khu 9 chi viện ngược dòng sông Mê Công đã kịp thời có mặt tại Niếc Lương từ trưa 7/1/1979 hối hả hoạt động. Hơn 12 giờ trưa ngày 8/1/1979, chiếc xe Jeep đưa chúng tôi mới tới bờ bắc phà Niếc Lương. Các chiến sĩ Binh đoàn Cửu Long biết chúng tôi là phóng viên Thông tấn xã SPK đã ưu tiên cho xe Jeep xuống phà vượt sông Mê Công ngay, không phải xếp hàng. Tuy mới ra đời nhưng thương hiệu SPK đã được nhiều người biết đến. Chúng tôi thấy tự hào vì đã góp phần giúp bạn xây dựng Thông tấn xã SPK ngay từ những ngày đầu thành lập. Như vậy, từ cửa khẩu Mộc Bài đến bến phà Niếc Lương thuộc địa phận tỉnh Xvây Riêng dài hơn 100 km mới được gần 2/3 chặng đường tiến về Thủ đô Phnom Penh, đi xe Jeep phải mất gần 6 giờ liền.

Từ bờ nam bến phà Niếc Lương thuộc tỉnh Conđan, đường tốt hơn đoạn đã qua, xe Jeep chạy với tốc độ 20 km/h. Quan sát dọc hai bên đường, nhà cửa tiêu điều đều không có người ở, dân bị xua đuổi đi hết. Đến gần 16 giờ ngày 8/1/1979, chúng tôi đến đầu phía bắc cầu Chbompư bắc qua sông Tông Lê Sáp, là cửa ngỏ phía đông Thủ đô Phnom Penh. Cầu này còn có tên gọi là cầu Mônivông, nhưng Việt kiều ở Campuchia gọi là “cầu Sài Gòn”, vì cầu này nằm trên đường chính đi về Sài Gòn và nơi đây những năm 50, 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước từng bán nhiều hàng hóa do Sài Gòn sản xuất. Phía bắc đầu cầu này là một trong những khu Việt kiều đông đúc cũng đã bị bè lũ Pol Pot sau khi chiếm được Phnom Penh xua đuổi hết.

Còn nữa...

Nhà báo Vũ Xuân Bân

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/ky-niem-40-nam-chien-thang-chien-tranh-bien-gioi-tay-nam-nghia-vu-quoc-te-cao-ca-56567.htm