Kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019): Gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Trưa 19/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức buổi gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019).

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội chúc mừng các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội chúc mừng các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tham dự buổi gặp mặt có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân...

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng được gặp các vị ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý đã và đang công tác trong ngành giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi tới toàn thể các vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong những năm qua, nhất là năm 2019 - năm cuối thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”, sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước ta đã có sự chuyển mình tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trước hết, phải kể đến việc hai dự án Luật quan trọng là Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới căn bản, toàn diện và đưa giáo dục - đào tạo phát triển đúng định hướng là “quốc sách hàng đầu”, đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cùng 27 chương trình chi tiết các môn học theo hướng phát triển năng lực của người học đã được xây dựng cùng với việc chuẩn bị tích cực các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện vào năm học mới.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm chăm lo, đầu tư tăng cường về số lượng, tiếp tục chuẩn hóa, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được chú trọng hơn; chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao; kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đã được kịp thời rút kinh nghiệm để tổ chức an toàn, nghiêm túc…

“Có được những kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm sâu sát của cả hệ thống chính trị cũng như sự động viên, khích lệ của toàn xã hội và với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, trong đó có sự đóng góp lớn của các vị đại biểu Quốc hội là các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý có mặt tại cuộc gặp mặt hôm nay”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đang tiếp tục đặt ra; đồng thời tin tưởng sâu sắc rằng, với truyền thống quý báu của dân tộc “Hiếu học”, “Tôn sư trọng đạo”…, với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi của toàn ngành giáo dục - đào tạo, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo sẽ phát huy phẩm chất cao quý, luôn tích cực, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn để từng bước đưa nền giáo dục nước nhà phát triển sánh ngang với nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Trước đó, sáng 19/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã đến thăm và chúc sức khỏe các cựu giáo chức có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Đến thăm GS Phạm Minh Hạc, ông Võ Văn Thưởng ghi nhận sự cống hiến, đóng góp rất tích cực và hiệu quả của các cựu giáo chức tới các hoạt động của ngành giáo dục. Ông Võ Văn Thưởng cho hay, giáo dục và đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là nhiệm vụ cần thiết, quan trọng. Đây là lĩnh vực liên quan đến tất cả mọi người, mọi nhà. Ở mỗi góc nhìn, vị trí khác nhau thì có những nhận định, đánh giá khác nhau song những thành tựu đạt được trong thời gian qua rất to lớn. Trong đó có sự góp sức của các thế hệ nhà giáo. Ghi nhận sự tri ân của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, GS Phạm Minh Hạc gửi lời cảm ơn và tặng sách do mình viết về những người bạn, đồng nghiệp và học trò. GS Phạm Minh Hạc bày tỏ sự trăn trở về vấn đề lương giáo viên chưa đáp ứng được cuộc sống.

Cùng ngày, ông Võ Văn Thưởng cũng đã đến chúc mừng nhà giáo Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và các thầy cô giáo công tác tại cơ quan Trung ương hội.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã đến nhà riêng thăm nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục giai đoạn từ năm 1976-1987. Nói chuyện với ông Võ Văn Thưởng, bà Nguyễn Thị Bình gửi lời chúc những người làm công tác khoa giáo cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi đây là một lĩnh vực rất khó nhưng cũng rất quan trọng. Cần làm sao để công tác giáo dục nước nhà ngày càng tốt hơn.

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/ky-niem-37-nam-ngay-nha-giao-viet-nam-20111982-20112019-gap-mat-dai-bieu-quoc-hoi-la-nha-giao-can-bo-quan-ly-giao-duc-tintuc452790