KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH QUẢNG TRỊ (1-7-1989 – 1-7-2019): - Hồi đáp với dòng sông (Kỳ cuối: Gắn kết, mến thương đôi bờ!)

Ngay từ những ngày đầu tỉnh Quảng Trị được tái lập, lãnh đạo tỉnh đã xác định huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng là giải pháp quan trọng tạo sự bứt phá đi lên trong điều kiện kết cấu hạ tầng của địa phương đang vừa thiếu, vừa yếu, vừa xuống cấp.

Ngay từ những ngày đầu tỉnh Quảng Trị được tái lập, lãnh đạo tỉnh đã xác định huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng là giải pháp quan trọng tạo sự bứt phá đi lên trong điều kiện kết cấu hạ tầng của địa phương đang vừa thiếu, vừa yếu, vừa xuống cấp.

Cầu Cửa Việt là niềm tự hào của người dân hai huyện Gio Linh - Triệu Phong.

Cầu Cửa Việt là niềm tự hào của người dân hai huyện Gio Linh - Triệu Phong.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính cho biết, nếu như năm 1989, toàn tỉnh có 262km đường quốc lộ, 15 xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm thì sau 30 năm, toàn tỉnh có 7.200km đường bộ, trong đó 464km quốc lộ... Bên cạnh đó nhiều cầu lớn được đầu tư đưa vào sử dụng như cầu Đông Hà, cầu Hiền Lương, cầu Cửa Việt, Cửa Tùng, Đại Lộc, Bắc Phước, Chân Rò... Diện mạo những làng quê, gia đình đôi bờ dòng sông, cửa biển đã và đang đổi thay rõ rệt từng ngày.

Chúng tôi về Cửa Việt trong niềm vui khó tả. Tàu đánh bắt vụ cá nam cứ nườm nượp về cảng, tấp nập cả bờ nam lẫn bờ bắc. Những chiếc xe đầy ắp cá trích, cá cơm rời cảng Phó Hội (xã Triệu An, H.Triệu Phong) rồi chạy vù qua cầu Cửa Việt, đưa ngay vào lò hấp tại TT Cửa Việt và xã Gio Việt (H.Gio Linh). Hành trình nhanh chóng và đầy phấn khởi. Anh Nguyễn Thanh Hải (39 tuổi) kể với chúng tôi câu chuyện đặc biệt gắn với chiếc cầu Cửa Việt. Thời trai trẻ, anh lao động trên biển là chính. Đến khi tuổi gần 30, anh bị tai nạn lao động, sức khỏe yếu không cưỡi sóng gió biển khơi được nữa. Cũng lúc đó, anh mới có mối tình vắt vai. Anh yêu cô gái ở bên bờ nam Cửa Việt, nhưng gặp cảnh cách trở, muốn sang sông thì phải lụy đò, lắm lúc đã nản. Thế nhưng, bỗng một ngày xe, máy, thợ thầy về khởi công xây dựng cầu nối đôi bờ Cửa Việt dài nhất tỉnh Quảng Trị. Lúc bấy giờ, anh và người yêu cảm thấy có động lực hẳn. Duyên muộn là duyên lành, niềm khát vọng cứ nhân lên từng ngày. Đúng 3 năm tìm hiểu, yêu thương đong đầy, không thể thấy thiếu nhau ở cuộc đời này, anh Hải chọn ngày rước nàng về làng đúng dịp cầu Cửa Việt hoàn thành, đánh dấu bước ngoặt của đời mình cũng như ghi vào lịch sử dòng sông một nốt reo vui, nối liền đôi bờ Gio Linh - Triệu Phong.

Một sáng tháng 7-2010, tỉnh Quảng Trị tổ chức khánh thành cầu Cửa Việt. Cầu có vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, được thiết kế bằng bê tông cốt thép, gồm 12 nhịp, dài 806 mét, mặt rộng 12 mét, khổ thông thuyền rộng 50 mét và cao 7 mét; đường hai đầu cầu dài hơn 1.000 mét... Kể từ khi có cầu Cửa Việt, hoạt động giao thương đôi bờ lên hẳn. Anh Hải cũng chuyển sang nghề vận chuyển cá đến cho các chợ, rồi lò hấp phát triển mạnh thời gian sau đó. Người dân ở Triệu An, Triệu Vân và vùng lân cận từ bờ nam lại có thể qua cầu Cửa Việt lên TP Đông Hà thuận lợi. Ngay hiện tại, khi Quảng Trị xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, chiếc cầu còn kết nối với đường Xuyên Á và QL1A, tạo sức bật thật sự. Chúng tôi rời Cửa Việt để hướng ra Cửa Tùng, trong khi dòng người từ Triệu Phong đã đổ về bãi tắm Cửa Tùng ngày một đông.

Cầu Cửa Tùng cũng được khánh thành vào năm 2010, gần cuối tháng 9. Đây là cây cầu lớn bắc qua hạ nguồn sông Bến Hải, nối đường bộ phía đông của 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Tổng vốn ngân sách đầu tư hơn 52 tỷ đồng. Cũng như người dân đôi bờ Cửa Việt, người dân ở đôi bờ Cửa Tùng lâng lâng niềm vui sướng, chấm dứt cách trở bao đời. Thiếu tá Bùi Thanh Liêm - Trưởng CATT Cửa Tùng, người con lớn lên bên bờ sông Bến Hải, nơi con sông sắp đổ ra biển vẫn nhớ như in ngày chiếc cầu xây xong. Niềm vui, tự hào cứ tỏa ra trên khuôn mặt người dân làng biển. Chiếc cầu còn làm cầu nối để cho lực lượng CA ở hai địa bàn Trung Giang - Cửa Tùng trở nên gần gũi, thuận lợi hơn trong trao đổi nghiệp vụ, phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm. ANTT ổn định, người dân yên tâm làm ăn, bám biển, ra khơi, đời người cứ thế tiến về tương lai rộng mở.

Ngược lên huyện vùng cao Quảng Trị, nhìn con sông Đakrông chúng tôi lại nhớ lần sang bản Chân Rò (xã Đakrông) mấy năm trước để viết về những trường hợp xuất khẩu lao động bặt tin tức. Qua những bản làng bên đó, chỉ có duy nhất 1 cách là đi đò qua sông. Anh Trần Văn Chạy - Chủ tịch UBND xã Đakrông (lúc bấy giờ, hiện là Phó Chủ tịch thường trực HĐND H. Đakrông) tận tình mượn đò máy chở chúng tôi sang bản nghèo. Đời sống vất vả của người dân cứ trải theo sườn đồi, len đến từng nhà. Sự học con em đồng bào càng trở nên gian nan... Khi chúng tôi trở về, đúng lúc nước sông lên lớn, rất nhanh, “anh lái đò” bất đắc dĩ yếu tay và chiếc đò cứ trôi vút. Chúng tôi xanh mặt, nín thinh trong sợ hãi. Rất may, với bản lĩnh người đi địa bàn nhiều, anh Chạy đã khiến chiếc đò tấp được vào bờ. Chúng tôi tưởng đã rớt hồn xuống sông, câu đầu tiên thốt lên sau khi định thần được là ơn trời có chiếc cầu qua đây. Tháng 9-2018 vừa qua, cầu Chân Rò qua sông Đakrông chính thức nối liền bản Chân Rò, Ba Ngào ra với QL9. Với quy mô thiết kế cầu 10 nhịp, chiều dài 106m, bằng bê-tông kiên cố, cầu tràn Chân Rò có tổng mức đầu tư gần 2,6 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà tài trợ, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là 2,3 tỷ đồng, vốn đối ứng của Ban ATGT quốc gia tỉnh là 260 triệu đồng. Xúc động phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính bày tỏ sự cảm ơn đối với các nhà tài trợ, là tình cảm to lớn, quý báu và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc dành cho Quảng Trị nói chung và bà con thôn Chân Rò, Ba Ngào nói riêng.

Thêm câu chuyện sinh động và thấm đẫm ý nghĩa về chiếc cầu Chân Rò vừa được ghi trong Kỳ thi tốt nghiệp quốc gia 2019. Đó là trường hợp thí sinh Hồ Văn Lích (bản Chân Rò) mải đi tìm bò của gia đình lạc vào rừng mà quên giờ thi vào sáng 25-6. “Nếu không có cầu Chân Rò, khó lòng tìm và đưa được Lích về kịp giờ thi quy định khi phải vượt sông, leo đồi mất nhiều thời gian đến rứa”, một tình nguyện viên trải lòng sau khi Lích vào phòng thi. Một lần nữa, hình ảnh chiếc cầu Chân Rò lấp lánh trong tương lai của cậu học trò nghèo dân tộc Vân Kiều.

Niềm vui của người dân Đakrông mấy tháng qua còn được tiếp nối bởi tại thôn Cu Pua (xã Đakrông) đang thi công chiếc cầu mới khang trang, vững chãi, thay thế cầu tạm được xây dựng thời gian trước với sứ mệnh nối liền nhiều bản của thôn ở đôi bờ Đakrông. Đây là thôn duy nhất của Quảng Trị nổi tiếng với câu chuyện không rượu bia trong lễ tiệc, ma chay. Có chiếc cầu này, người dân trồng sắn, cây chủ lực tại vùng này sẽ không còn cảnh vất vả vận chuyển qua sông ra QL9, từng khiến dòng sông nhọc nhằn theo bao năm qua. Theo anh Hồ Ê Nót, người uy tín của thôn Cu Pua, việc đầu tư chiếc cầu đã đáp ứng mong mỏi của bà con đồng bào, là điều kiện để bản làng thêm phát triển, nhiều hộ thoát nghèo từ đây.

Còn biết bao câu chuyện về nhiều chiếc cầu mới trong 30 năm qua trên quê hương Quảng Trị, đều đã góp phần nâng cao giá trị cuộc sống của người dân và thúc đẩy KT – XH của địa phương lên một tầm mới, ANTT được đảm bảo, đầy phấn khởi và tin tưởng về tương lai là thế.

BẢO HÀ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_208572_hoi-dap-voi-dong-song-ky-cuoi-gan-ket-men-thuong-doi-bo-.aspx