Kỷ niệm 29 năm thành lập báo Thế giới & Việt Nam: Suy ngẫm về một chặng đường…

Ngày 29/11, Báo Thế giới & Việt Nam, cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao, tròn 29 tuổi. Nhìn lại chặng đường đã qua, ta không khỏi tự hào về sự lớn mạnh và đi lên của tờ báo, đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, cả chiều rộng lẫn chiều sâu đối với độc giả.

Khởi đầu là Tạp chí Quan hệ Quốc tế (1989-1993) chỉ với 7 người chập chững bước vào nghề, phát triển thành Tuần báo Quốc Tế (từ tháng 12/1993-11/2006), và cải tiến nội dung, hình thức, đổi tên thành Thế Giới & Việt Nam từ ngày 6/11/2006 nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của thời kỳ Việt Nam hội nhập sâu rộng. Năm tháng trôi qua, nhiều thế hệ cán bộ đã, đang và sẽ làm việc tại Báo.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga chúc mừng Ban Lãnh đạo báo TG&VN, sáng 29/11 (Ảnh: Tuấn Anh)

Tôi viết những dòng này như một lời tri ân đối với những ai từng phục vụ, tận tâm cống hiến cho tờ Báo của ngành. Những đóng góp ấy sẽ còn mãi trong suy nghĩ, được lưu truyền qua các thế hệ kế tiếp, nhắc nhở, động viên họ tiếp tục làm việc vì truyền thống, uy tín và sự lớn mạnh của tờ báo chuyên về đối ngoại của Việt Nam.

Làm báo chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhất là làm báo đối ngoại. Vừa phải tinh thông nghiệp vụ báo chí, vừa phải vững kiến thức đối ngoại, phải thường xuyên cập nhật, chuyển tải được các biến chuyển của tình hình quốc tế, quan hệ đối ngoại của ta và quan trọng là phải hấp dẫn, lôi cuốn được độc giả trong cơ chế thị trường với những đòi hỏi khắt khe về thông tin và cạnh tranh cao về môi trường kinh tế báo chí.

Gần 1/3 thế kỷ qua đã chứng kiến nỗ lực vươn lên không ngừng của tờ báo, làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại, phục vụ nhiệm vụ chính trị trên mặt trận đối ngoại của ngành Ngoại giao, qua từng giai đoạn cách mạng của đất nước, từ phá thế bao vây cấm vận, đến mở cửa hội nhập, hội nhập sâu rộng và ngoại giao phục vụ phát triển hiện nay. Đây cũng là niềm tự hào của những người từng làm Báo Quốc tế trước đây và báo Thế giới & Việt Nam hôm nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên báo TG&VN, sáng 29/11 (Ảnh: Tuấn Anh)

Bước sang tuổi 30, Báo tràn đầy nghị lực, vững vàng về kinh nghiệm, sẵn sàng để bước tiếp trong chặng đường sắp tới. Vấn đề là phải liên tục xây dựng được một đội ngũ làm báo giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, được đầu tư, đãi ngộ xứng đáng, định hướng đúng để tiếp tục đi lên, bắt nhịp vào đời sống báo chí hiện đại, trở thành tờ báo đối ngoại hàng đầu, có uy tín của đất nước.

Đất nước càng hội nhập sâu rộng, ngành ngoại giao càng lớn mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển đất nước, đòi hỏi sự cần thiết phải duy trì một tờ báo mạnh của ngành đối ngoại, mang tầm vóc một cơ quan thông tấn báo chí đối ngoại lớn của đất nước và khu vực.

Sự ra đời của hàng loạt công nghệ truyền thông mới trong một thập niên vừa qua và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng to lớn đến cách thức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trong thế kỷ 21, cũng như các nguyên lý kinh tế của ngành công nghiệp truyền thông.

Để có thể vươn lên dẫn đầu trong bối cảnh hiện nay thì một cơ quan báo chí phải có khả năng phục vụ độc giả ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Đó là lý do tờ báo phải sớm định hình, chiếm lĩnh lĩnh vực kỹ thuật số để có thể phục vụ độc giả một cách tốt nhất. Mục tiêu trước mắt là đa dạng và nâng cao các sản phẩm báo chí hiện có; phát triển báo điện tử vốn không giới hạn vị trí địa lý trong khi vẫn duy trì và phát triển tờ báo in tương xứng với tầm vóc của mình, xây dựng cơ chế mới có khả năng thích nghi tốt hơn với sự biến động của thị trường...

Tập thể cán bộ, phóng viên báo TG&VN. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong nỗi hoài niệm về quá khứ, nỗi khát khao mong muốn tờ báo phát triển lớn mạnh, xin được chia vui nhân sinh nhật 29 của Báo, tri ân các thế hệ làm báo và sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, cùng độc giả yêu mến của Báo.

Đỗ Xuân Thông

Phó Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/ky-niem-29-nam-thanh-lap-bao-the-gioi-viet-nam-suy-ngam-ve-mot-chang-duong-82517.html