Kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn Hợp tác Á-Âu: ASEM cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu

Dưới sự chủ trì của chủ nhà Campuchia, các Quan chức cao cấp của 53 thành viên Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) đã nhóm họp trực tuyến trong các ngày 1- 2/3 để trao đổi về ưu tiên hợp tác và công tác chuẩn bị cho các hoạt động lớn của Diễn đàn trong năm 2021, nổi bật là Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13.

Các Quan chức cao cấp của 53 thành viên Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) đã nhóm họp trực tuyến trong các ngày 1- 2/3.

Các Quan chức cao cấp của 53 thành viên Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) đã nhóm họp trực tuyến trong các ngày 1- 2/3.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Quan chức cao cấp của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao đã tham dự Cuộc họp.

Diễn ra đúng vào Ngày kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM, các thành viên đã chia sẻ niềm tự hào về sự phát triển không ngừng của Diễn đàn qua một phần tư thế kỷ. ASEM đã trở thành cơ chế hợp tác liên khu vực có quy mô lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng tại hai châu lục. Trong giai đoạn hiện nay, ASEM tiếp tục có những đóng góp quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm.

Trong phát biểu tại Cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEM trong 25 năm qua trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương, tăng cường đối thoại, hợp tác và gắn kết Á-Âu.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có, các thành viên ASEM cần phối hợp hành động nhằm vượt qua thách thức, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội, đóng góp cho hòa bình và phát triển của hai châu lục và thế giới. Các thành viên ASEM cũng chia sẻ thông tin về các hoạt động kỷ niệm Ngày ASEM tại mỗi nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn phát biểu nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn ASEM.

Với chủ đề năm 2021 là “Đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung”, các thành viên nhất trí, hơn lúc nào hết, hợp tác đa phương cần được đề cao nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, lấy lại đà tăng trưởng và duy trì kết nối. Theo đó, Cuộc họp thông qua văn bản về “Định hướng hợp tác kết nối ASEM” do ASEAN chủ trì xây dựng.

Tất cả thành viên nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13, là cơ hội để các nhà Lãnh đạo Á-Âu trao đổi về các chính sách và biện pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm phân phối vắc xin kịp thời, minh bạch, bình đẳng và với chi phí phù hợp tới mọi đối tượng, bảo đảm y tế cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau và tăng cường tính bền vững của nền kinh tế trong tương lai. Cuộc họp đánh giá cao nỗ lực hết sức tích cực của Campuchia chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp tại nhiều khu vực.

Trao đổi về những diễn biến trong tình hình thế giới và khu vực, các thành viên nhấn mạnh ASEM cần đóng góp mạnh mẽ duy trì hòa bình, an ninh, ổn định tại hai châu lục và trên thế giới, tăng cường hợp tác đa phương, bảo đảm trật tự thế giới dựa trên luật lệ, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội, tăng trưởng bền vững, bao trùm.

Trưởng SOM ASEM của các nước điều phối viên phát biểu tại Cuộc họp.

Nhiều thành viên nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, nhất là tại Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Các thành viên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác về bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác đẩy mạnh thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, …

Phát huy vai trò thành viên chủ động, tích cực của Việt Nam trong ASEM, Đoàn Việt Nam đã tham gia và đóng góp tại Cuộc họp với nhiều quan điểm và đề xuất quan trọng.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng SOM ASEM của Việt Nam đã nhấn mạnh ASEM cần phối hợp chính sách và hành động để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, trước mắt là đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội hậu đại dịch; đề nghị ASEM đóng góp hiệu quả thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cải cách Tổ chức thương mại thế giới WTO, tăng cường kết nối toàn diện, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm, hợp tác tiểu vùng.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng SOM ASEM của Việt Nam.

Bà cũng đề nghị các thành viên ASEM tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, nhất là tại Biển Đông.

Cũng tại Cuộc họp, bà Nguyễn Minh Hằng đã trình bày đề xuất của Việt Nam về tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp ASEM đánh giá kết quả 25 năm hợp tác vừa qua và định hướng thời gian tới.

Các thành viên đánh giá cao và ủng hộ mạnh sáng kiến của Việt Nam, cho rằng rất cần thiết tổ chức trao đổi chính sách về định hướng hợp tác ASEM sau 25 năm hình thành và trong bối cảnh thế giới và hai châu lục đang trải qua những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Các thành viên cũng đánh giá kết quả Hội thảo về quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Việt Nam tổ chức tháng 10/2020.

Các thành viên nhất trí sẽ tổ chức Cuộc họp các Trưởng SOM ASEM tiếp theo vào khoảng tháng 6/2021 nhằm tiếp tục triển khai các ưu tiên của năm 2021 và chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-niem-25-nam-thanh-lap-dien-dan-hop-tac-a-au-asem-cam-ket-thuc-day-chu-nghia-da-phuong-nham-giai-quyet-cac-thach-thuc-toan-cau-138216.html