Kỷ niệm 231 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất binh đại phá quân Thanh

Sáng 20/12, tại tượng đài Quang Trung (nằm dưới chân núi Bân, phường An Tây, TP. Huế) đã diễn ra lễ dâng hương và kỷ niệm 231 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất binh đại phá quân Thanh (1788 - 2019).

Cách đây 231 năm Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung và xuất binh đại phá hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược

Cách đây 231 năm Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung và xuất binh đại phá hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược

Theo sử sách ghi lại, vào cuối năm Mậu Thân (1788), tại vùng đất Phú Xuân - Huế, vị Anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ đã cho san bằng ngọn núi Bân (phía tây nam TP Huế), lập đàn tế trời quy tụ lòng dân, chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung và phát động cuộc xuất quân thần tốc ra bắc đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng thành Thăng Long vào Xuân Kỷ Dậu (1789).

Lễ tái hiện được diễn ra trang nghiêm

Buổi lễ tái hiện câu chuyện lịch sử về hình tượng Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ và chiến công hiển hách, dũng mãnh, ý chí sắt đá của đại quân bách chiến, bách thắng cùng người chủ tướng Hoàng đế Quang Trung hành quân thần tốc ra bắc, đánh tan quân Thanh của nghĩa quân Tây Sơn bằng các tiết mục biểu diễn võ thuật truyền thống, múa lân, múa rồng, hợp binh, lễ đăng quang, luyện binh và xuất quân do các nghệ sĩ đến từ các nhà hát nghệ thuật, các câu lạc bộ lân, võ thuật trên địa Thành phố biểu diễn.

Màn xuất quân thần tốc ra Bắc đánh quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Đình Hạnh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết buổi lễ với nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tôn kính và tri ân của chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đối với phong trào Tây Sơn nói chung và người Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung nói riêng. Giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đồng thời, hướng đến xây dựng và giới thiệu địa chỉ giáo dục truyền thống, lịch sử hấp dẫn du khách đến với Cố đô Huế thăm quan, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa và xã hội của tỉnh nhà.

Tái hiện hình ảnh giải phóng thành Thăng Long vào dịp tết kỷ dậu năm 1789

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như thành phố Huế luôn đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của phong trào Tây Sơn và của vị minh quân lỗi lạc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đồng thời, tỉnh hướng đến xây dựng, giới thiệu Trung tâm Di tích núi Bân (được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988) trở thành địa chỉ giáo dục, du lịch, văn hóa hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam nói chung và cố đô Huế nói riêng.

Hiện nay, Di tích lịch sử cấp quốc gia núi Bân đã được TP Huế xây dựng trở thành một điểm văn hóa, du lịch tâm linh để giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy khí thế hào hùng của dân tộc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Thùy Nhung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/ky-niem-231-nam-nguyen-hue-len-ngoi-hoang-de-va-xuat-binh-dai-pha-quan-thanh-486060.html