Kỷ niệm 20 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1-4-2001 -1-4-2021): 'Mặt trời soi một kiếp rong chơi'

Vậy là, đã tròn 20 năm, người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh rời bỏ "kiếp rong chơi" trần thế- cái triết lý thân phận mà có lẽ chỉ riêng ông mới biểu đạt như vậy. Và cũng chừng ấy thời gian, giới mộ điệu vẫn chưa một ngày lãng quên ông bằng việc hát lên những giai điệu đắm say, nồng nàn trong tất bật vui buồn cuộc sống. Âm nhạc ông vẫn ở lại với cuộc đời, sống khỏe khoắn, bền bỉ, thách thức thời gian...

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Triển lãm tranh "Trịnh & những âm ba"

Sau chương trình âm nhạc "Nhớ Trịnh Công Sơn" tổ chức chiều 29-3 tại Nhà Kèn (TP Huế), trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, tại Gác Trịnh (đường Nguyễn Trường Tộ, TP Huế) sẽ diễn ra triển lãm tranh "Trịnh & những âm ba", khai mạc vào chiều 1-4. Triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng những bức tranh giá trị của các họa sĩ nổi tiếng: Vĩnh Phối, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Nguyễn Đại Giang... và cả tranh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Để lại cho đời hơn 600 ca khúc trong hơn 40 năm áng tác, gia tài của Trịnh là thứ âm nhạc mà ai cũng có thể hát, ai trong đời cũng thuộc ít nhất một vài bài, thế hệ nào cũng đồng cảm, yêu mến. Hẳn ông đã vô cùng hạnh phúc khi gửi gắm tiếng lòng giàu trắc ẩn của mình vào những giai điệu gần gũi mà ám ảnh, day dứt.

Phác thảo về Trịnh Công Sơn, hãy xem ông đã là người thơ trước nhất, một nhà thơ đích thực: "Nắng có hồng bằng đôi môi em/Mưa có buồn bằng đôi mắt em/Tóc em từng sợi nhỏ/Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh" (Như cánh vạc bay). Cái mạch nguồn trong trẻo từ tài năng thiên bẩm của Trịnh, cứ thế tuôn chảy những ý thơ đắm đuối: "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ/Ôi những dòng sông nhỏ/Lời hẹn thề là những cơn mưa..." (Tình xa). Sự nhuần nhị, tinh tế và trau chuốt đến từng ý, từng từ trong mỗi tác phẩm, hẳn nhiên đầu tiên đó là những bài thơ rất đẹp.

Nói như một nhạc sĩ cùng thời, rằng "Trịnh Công Sơn viết nhạc dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Đó là thứ âm nhạc mà lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ, không định ra một trường phái nào, một triết học nào mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới... Âm nhạc của ông thăng hoa bền bỉ, dường như không có một giai đoạn nào "xuống sức" với nhiều mảng đề tài phong phú. Thông điệp về cuộc đời, tình yêu, thân phận hun đúc từ những triết lý Phật giáo bên cạnh thấm nhuần chủ nghĩa hiện sinh đã làm nên một dáng dấp, một diện mạo Trịnh Công Sơn không dễ trộn lẫn với bất cứ một nhạc sĩ nào cùng thời và cả sau này.

Có thể thấy, cuộc đời - tình yêu - thân phận là những mảng đề tài sáng tác chủ đạo của nhạc sĩ họ Trịnh. Vậy mà, viết về mẹ, người nghe lại nhận thấy chân dung ông ở một chiều kích khác bởi lời ca cảm động thê thiết khiến nước mắt chực trào: "Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/Từng câu chuyện ngày xưa/Mẹ về đứng dưới mưa/Che đàn con nằm ngủ/Canh từng bước chân thù/Mẹ ngồi dưới cơn mưa..."(Huyền thoại mẹ).

Viết tình ca, ta lại dễ bắt gặp một gã lãng tử phong tình, sống trọn vẹn và tận hiến với tình yêu: "Ta mang cho em một đóa quỳnh/Quỳnh thơm hay môi em thơm/Môi em cho ta một cánh hồng/Lụa là phút ấy chưa quên" (Quỳnh hương). Có một nhà phê bình đã nhận xét rất cô đọng: "Cái đẹp trong ca từ Trịnh Công Sơn, cả xác chữ lẫn hồn thơ, bảng lảng, lờ mờ khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng đẹp làm sao, nhưng vẫn ma quái thế nào". Cái chất thơ bảng lảng, vừa tinh tế pha lẫn tính "quái" khi xây dựng hình ảnh khiến âm nhạc Trịnh Công Sơn có khả năng lay động mãnh liệt xúc cảm người nghe, thậm chí... không hiểu, không cắt nghĩa được mà vẫn thấy thật hay: "Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai/Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời... (Còn tuổi nào cho em) hay "Mặt trời nào soi sáng tim tôi/Để tình yêu xay mòn thành đá cuội" (Cát bụi). Đó là điều thật lạ mà chắc rằng, chỉ riêng mỗi Trịnh Công Sơn làm được.

Cuộc hành trình dài hơn 40 năm cầm bút sáng tác, đi tới đâu, gắn bó và lỡ yêu đất, yêu người, Trịnh Công Sơn cũng đều kịp gửi lại cho xứ sở những bài ca bất hủ: "Em còn nhớ hay em đã quên/Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng" (Em còn nhớ hay em đã quên). Và đặc biệt, người Thủ đô hẳn sẽ hàm ơn ông nhiều lắm khi đã gửi tặng một trong những tình khúc viết về Hà Nội hay nhất mọi thời đại: "Hà Nội mùa thu/Cây cơm nguội vàng/Cây bàng lá đỏ/Nằm kề bên nhau/Phố xưa nhà cổ/Mái ngói thâm nâu... Hà Nội mùa thu/Mùa thu Hà Nội/Nhớ đến một người/Để nhớ mọi người"(Nhớ mùa thu Hà Nội).

Nhạc Trịnh, có khi trong vài khoảnh khắc tươi vui mà vẫn ẩn sau lớp ngôn từ tung tẩy hào sảng là cả một dự cảm sâu sắc cùng triết lý thân phận ngậm ngùi: "Tôi nay ở trọ trần gian/Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời" (Ở trọ).

Trịnh Công Sơn từng được Văn Cao ví là "Người thơ ca", một khái quát hàm súc khi nhắc đến người nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa này. Ông đã sống một cuộc đời trọn vẹn nhất có thể với âm nhạc cùng gia tài sáng tác đồ sộ gửi lại cho hậu thế. Hơn 60 năm "rong chơi" trên cõi tạm trần gian - ấy hẳn là một cuộc "rong chơi" đầy mãn nguyện của một con người nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn, yêu người, yêu đời bằng một trái tim khát khao cống hiến. Tròn 20 năm trở về cát bụi thiên thu, nhưng âm nhạc của ông mãi còn ở lại. Để rồi, mỗi ngày trên đất nước này, những tình khúc liêu trai của Trịnh vẫn đều đặn được ngân lên da diết, nói thay bao người những ý niệm đẹp về cuộc đời, về lẽ sống nhân sinh: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/Để làm gì em biết không/Để gió cuốn đi/Để gió cuốn đi..." (Để gió cuốn đi).

Ngô Thế Lâm

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_240753_ky-niem-20-nam-ngay-mat-nhac-si-trinh-cong-son-1-4-2001-1-4-2021-mat-troi-soi-mot-kiep-rong-choi-.aspx