Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ: Bồi đắp từ truyền thống quê hương, gia đình

Sinh ra trong một gia đình hiếu học, giàu tình cảm, lòng nhân ái và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã chịu nhiều ảnh hưởng từ truyền thống của quê hương, gia đình. Từ đó đã bồi đắp tư tưởng yêu nước, cách mạng, trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Truyền thống quê hương

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nơi vùng đất địa đầu của Tổ quốc, đồng bào các dân tộc ở Văn Lãng đã hiên ngang, kiên cường, kề vai sát cánh cùng quân và dân cả nước đánh bại những cuộc xâm lăng của các thế lực phương Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ yên bờ cõi. Chính truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm ở vùng biên ải quốc gia từ đời này qua đời khác đã nuôi dưỡng sức mạnh, tạo nên khí phách hiên ngang, kiên cường của con người Văn Lãng.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ

Đồng chí Hoàng Văn Thụ

Ông Hoàng Thanh Phương, Phó Chủ tịch HĐND xã Hoàng Văn Thụ (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) - cháu đời thứ 3 của đồng chí Hoàng Văn Thụ, cho biết: Theo gia phả dòng họ Hoàng, tổ tiên của ông Hoàng Văn Thụ đã định cư, dựng nghiệp rất sớm ở vùng đất Phạc Lạn, xã Nhân Lý (nay là xã Hoàng Văn Thụ). Đây là địa bàn sinh sống lâu đời của các dân tộc thiểu số. Nhân Lý được coi là một miền quê trù phú, giàu đẹp ở Văn Uyên, ở gần 2 thị trấn biên giới là Đồng Đăng (châu Văn Uyên) và Na Sầm (châu Thoát Lãng). Không những vậy, Nhân Lý còn có hệ thống giao thông khá thuận tiện nên việc giao lưu buôn bán, tiếp nhận thông tin mới sớm hơn các xã khác.

Do có điều kiện để giao lưu và mở mang sự hiểu biết về đời sống, trong những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, người Văn Uyên, đặc biệt là tầng lớp trí thức Nho học địa phương, sớm chịu ảnh hưởng tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc.

Những yếu tố này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình cảm, tinh thần và sự nhận thức về tinh thần dân tộc của Hoàng Văn Thụ. Mặt khác, những năm đầu thế kỷ XX, do có nhiều đầu mối giao thông thuận tiện nên Văn Lãng đã trở thành địa bàn qua lại, nơi gây dựng cơ sở của những sĩ phu yêu nước và là địa bàn hoạt động quan trọng của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngay trong thời kỳ đầu tiên. Chính sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng của họ đã có ảnh hưởng rất lớn tới các thanh niên yêu nước, trong đó có Hoàng Văn Thụ.

Ảnh hưởng của truyền thống gia đình

Thân phụ của Hoàng Văn Thụ là ông Hoàng Khải Lan; thân mẫu là bà Hà Thị Mùi, đều là người dân tộc Tày và có tình cảm nhân ái bao dung, nhân hậu. Chính tình cảm của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến Hoàng Văn Thụ, đó là lòng thương cảm khi thấy nỗi cơ cực của người dân quê mình dưới ách thống trị của lý trưởng, cường hào, của bọn đế quốc xâm lược. Từ sự bất bình trước cảnh áp bức, bất công của những người dân bản, ngọn lửa cách mạng dường như bắt đầu được nhen nhóm trong Hoàng Văn Thụ.

Cô và trò trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tham quan triển lãm chuyên đề “Hoàng Văn Thụ - Sáng mãi tên anh” tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: La Mai

Do gia đình có điều kiện kinh tế tương đối nên Hoàng Văn Thụ được cha mẹ cho đi học ở trường làng và sau đó học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn. Mong muốn của gia đình là chăm lo cho con học hành, đỗ đạt. Tiếp nhận tình cảm và những đức tính quý báu của cha mẹ, ngay từ thuở niên thiếu, Hoàng Văn Thụ đã sớm có tính trung thực, thẳng thắn, chăm chỉ học tập.

Sống trong một gia đình nề nếp, ông luôn có ý thức noi gương cha mẹ trong quan hệ, ứng xử với người thân, anh em trong xóm, ngoài làng. Trong học tập cũng như lúc vui chơi, ông luôn quan tâm, giúp đỡ bạn bè với tình cảm chân thành, cởi mở. Do có những đức tính tốt nên Hoàng Văn Thụ luôn được mọi người quý mến. Cũng chính truyền thống giáo dục và tình cảm yêu thương của gia đình, người thân, bạn bè có ảnh hưởng nhiều đến từng bước trưởng thành của Hoàng Văn Thụ sau này.

Ông Hoàng Thanh Phương khẳng định: “Học tập, noi gương ông Hoàng Văn Thụ, chúng tôi nguyện phấn đấu hết mình trong học tập, lao động, công tác để đạt kết quả tốt nhất. Đồng thời xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc, thương yêu, đùm bọc, hỗ trợ nhau cùng phát triển; sống chan hòa, đoàn kết với làng xóm, cộng đồng dân cư; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, quy ước, hương ước của thôn bản, khu, tổ dân phố. Qua đó, nguyện góp công sức, trí tuệ của mình để xây dựng xã Hoàng Văn Thụ ngày càng phát triển, xứng đáng với công lao và niềm mong mỏi của ông”.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4/11/1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 8/9/1939, tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập họp ở làng Vạn Phúc (Hà Đông), TƯ Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tại Hội nghị TƯ lần thứ 8 (tháng 5/1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ TƯ Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng.

Ngày 25/8/1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Không khuất phục được ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, rạng sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã xử bắn đồng chí tại Tương Mai (Hà Nội), trong niềm đau thương vô hạn của đồng bào, đồng chí.

Thanh Huyền Báo Lạng Sơn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-dong-chi-hoang-van-thu-boi-dap-tu-truyen-thong-que-huong-gia-dinh-post66447.html