Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Phạm Tường Hạnh

Nhiều văn sĩ, thi sĩ, nhà nghiên cứu nổi tiếng như GS Mai Quốc Liên, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Đoàn Minh Tuấn… tham dự chương trình 'Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Phạm Tường Hạnh' tại TPHCM. Chương trình do Hội Nhà văn Việt Nam cùng gia đình cố nhà văn Phạm Tường Hạnh tổ chức.

Các văn nghệ sĩ chia sẻ những kỷ niệm, câu chuyện về nhà văn Phạm Tường Hạnh.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn chia sẻ: “Tôi và nhà văn Phạm Tường Hạnh là bạn bè kết nghĩa hơn nửa thế kỷ, từ khi tập kết ra Bắc năm 1954. Phạm Tường Hạnh là nhà văn lão thành cách mạng, đã từng từ Bắc vào Nam hoạt động cách mạng từ cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Ông là con của nhà nho yêu nước Phạm Trọng Điềm- Nhà túc nho uyên thâm Hán Nôm đã từng là dịch giả những tác phẩm lớn: Đại Việt Sử ký toàn thư, Quốc âm thi tập, Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú…

Nhà văn Phạm Tường Hạnh là nhà văn tài hoa, tự học, cần cù ngày này qua ngày khác với chiếc máy chữ cộc cạch mà làm nên những tác phẩm, những áng văn hay và bình dị, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc như Vợ chồng Bảy Thẹo, Búp bê Đức sang Việt Nam, Buổi sáng trên bến Nhà Rồng, Giọt mật cho đời, Đất Sài Gòn, Bức thư tìm cha… và nhiều tác phẩm khác…

Nhớ ông, xin thắp nén hương nhân 100 năm ngày sinh ông. Ông là cánh sếu bay trên đồng cỏ Đồng Tháp Mười mênh mông…”.

Nhà văn Triệu Xuân viết trong Tuyển Tập Phạm Tường Hạnh: “Cả đời viết văn, Phạm Tường Hạnh tuy viết nhiều thể loại, nhưng ông sở trường với thể ký. Những tác phẩm viết bằng thể ký của ông có giá trị lịch sử, giá trị nhân văn. Ký sự Vua Phật Lưu Công Danh đi kháng chiến là một ví dụ. Ký sự này in lần đầu trên báo Nhân dân và Sài Gòn Giải phóng, đã thành sự kiện xôn xao dư luận xã hội. Chất liệu cuộc đời thực, sự nghiệp của Phật sống Lưu Công Danh ly kỳ, hấp dẫn. Ông là một trong những tấm gương sáng hết lòng vì độc lập tự do cho dân tộc. Từ chất liệu quý giá ấy, Phạm Tường Hạnh đã thổi vào đó tất cả tâm sự, nhiệt huyết của ông với dân với nước!

Viết văn, Phạm Tường Hạnh luôn viết bằng cả trái tim mình, với tư cách là người trong cuộc. Những tập truyện, ký của Phạm Tường Hạnh có giá trị nhân văn sâu là bởi vậy. Sau khi đọc tác phẩm Vua Phật Lưu Công Danh đi kháng chiến của Phạm Tường Hạnh, tôi đã về Kiên Giang tổ chức bản thảo, được Hội Văn Nghệ Kiên Giang nhiệt tình giúp đỡ, NXB Văn học đã xuất bản tập truyện ký: Phật sống Lưu Công Danh (2004), được đông đảo bạn đọc văn học trong và ngoài nước nồng nhiệt đón nhận.

Càng cao tuổi, Phạm Tường Hạnh viết càng khỏe. Có lẽ bởi quá trình chuẩn bị tư liệu đã hoàn tất, cảm xúc đã chín, không viết ra thì chịu hết nổi! Đọc những tác phẩm xuất bản về sau này của Phạm Tường Hạnh, tôi mừng cho ông: Bố cục chặt chẽ hơn, câu văn ngắn gọn hơn, xúc tích hơn, kiệm lời mà ý tư sâu rộng, hình ảnh đã được sử dụng nhiều hơn khi diễn đạt... Phần chân dung bè bạn, những người đồng nghiệp, các nghệ sỹ, và cả những chính khách... là phần ông viết sinh động, hấp dẫn, nhờ hành văn giản dị, lối kể chuyện chân thành, quan trọng hơn, nhờ chất liệu thật mà chỉ riêng tác giả mới có. Lấp lánh trong những trang viết ấy là tấm lòng của ông, tâm sự của ông, tình cảm mãnh liệt của ông với bạn bè, với nhân dân, với cuộc đời. Ông viết về cảnh về người về chuyện đã qua từ lâu mà rung động, day dứt, mà đau xót, thiết tha, Và ngời sáng niềm tin yêu, tự hào”!

Nhà văn Phạm Tường Hạnh tên khai sinh là Phạm Trọng Hân, sinh ngày 17-7-1920, quê gốc Vân Trường, Tiền Hải, Thái Bình. Ông tham gia cách mạng tháng Tám 1945 tại Sài Gòn, sau đó, làm việc tại Ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1947, làm báo Vệ Quốc quân Quân khu 7. Năm 1952, làm báo Vệ Quốc quân Quân khu Tây Nam Bộ. Sau Hiệp định Giơnevơ, ông tập kết ra Bắc, làm biên tập viên Ban Văn Nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. 1958, vào Vinh Linh làm biên tập thường trú của báo Thống Nhất. Năm 1962, ông trở lại làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1966, Phạm Tường Hạnh về làm việc ở Tổ sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, sống tại thành phố Hồ Chí Minh, ông làm biên tập viên tuần báo Văn Nghệ Giải phóng cho tới ngày về hưu năm 1979.

Hoài Giang

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/canh-seu-bay-tren-dong-co-dong-thap-muoi_96173.html