Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phan Văn Đáng

Sáng 16-10, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Đồng chí Phan Văn Đáng những dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng', nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Văn Đáng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, nguyên Phó Bí thư T.Ư Cục miền nam, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

NDĐT - Sáng 16-10, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Phan Văn Đáng những dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Văn Đáng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, nguyên Phó Bí thư T.Ư Cục miền nam, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo lực lượng vũ trang các quân khu; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các viện, trường; các nhà khoa học; đại diện thân nhân gia đình, đặc biệt là các đồng chí lão thành cách mạng đã từng tham gia hoạt động cùng đồng chí Phan Văn Đáng.

Hội thảo đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo, của các cơ quan, ban ngành, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở nhiều địa phương trong cả nước với gần 60 bài tham luận gửi đến. Tại Hội thảo, Ban Tổ chức chọn ra 10 bài đọc chính thức.

Quang cảnh Hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phan Văn Đáng.

Quang cảnh Hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phan Văn Đáng.

Mở đầu bài tham luận của mình, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Anh Hai Văn lớn hơn tôi gần hai con giáp. Xét về tuổi đời, đối với tôi, anh thuộc vào hàng cha, chú. Là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của T.Ư Cục miền nam suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng anh sống chan hòa với cán bộ, đảng viên nên rất dễ gần, dễ mến. Ở anh, trong mối quan hệ giao tiếp với mọi người, không hề có sự phân biệt đối xử về tuổi tác, chức vụ và quá trình công tác. Ngay từ những tháng năm sống ở “R” tại Chiến khu bắc Tây Ninh, lớp trẻ chúng tôi vẫn thân mật gọi là “anh Hai” - “chú Hai”… Điều đã để lại ấn tượng đẹp trong ký ức tôi là, một đồng chí Phó Bí thư T.Ư Cục miền nam trực tiếp phụ trách lĩnh vực công tác trọng yếu của Đảng - công tác tổ chức cán bộ, song anh Hai không phải là con người gò bó, khô khan. Có lẽ, do đã từng lăn lộn trong quần chúng và gắn bó máu thịt với đồng bào, nên cách giao tiếp của anh thật bình dân, giản dị. Những đức tính đáng quý này cộng với gương mặt thông minh tuấn tú và nụ cười đôn hậu của anh, đã khiến cho anh tạo được sức hút đối với anh em, đồng chí, bạn bè”.

Đồng chí Phan Văn Đáng sinh năm 1918, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ, đồng chí Phan Văn Đáng sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 12 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động bí mật của cơ quan Đảng tại chợ Cái Ngang (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) làm liên lạc, nhận và rải truyền đơn cách mạng. Tháng 9-1939, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, từ đó gắn với những hoạt động cách mạng sôi nổi và những đóng góp to lớn của đồng chí trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Không chỉ là một nhà cách mạng tài năng, đồng chí Phan Văn Đáng còn là một nhà lý luận. Tuy không được học hành bài bản, nhưng ở đồng chí luôn ngời sáng một tấm gương tự học, tự rèn, vì vậy những bài viết, bài nói của đồng chí trên nhiều lĩnh vực mang tính thuyết phục cao. Ngoài ra, đồng chí còn là cây bút sắc sảo với nhiều bài viết về xây dựng Đảng, về vai trò tiên phong của người cán bộ, đảng viên, vai trò của lực lượng thanh niên, việc học tập đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… và nhiều vấn đề khác mang tính chính luận trên các báo, tạp chí của Đảng đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự, cấp thiết.

Ở đồng chí luôn ngời sáng tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống giản dị, gần gũi, tác phong làm việc nguyên tắc nhưng không gò bó, cứng nhắc mà luôn cởi mở, chân tình, tinh thần làm việc cầu thị, sâu sát, luôn gần dân, trọng dân và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, nhắc đến Phan Văn Đáng, ngoài vai trò là người lãnh đạo tài - đức, người đồng chí đồng đội coi trọng nghĩa tình, đồng chí còn là người chồng, người cha, người con mẫu mực, thủy chung. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là tấm gương cho lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam noi gương phấn đấu.

Tạ Hội thảo, đóng góp quý báu của các đồng chí lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các cơ quan ban, ngành trong, ngoài tỉnh đã góp phần làm rõ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Văn Đáng và những cống hiến của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam; khẳng định tôn vinh tấm gương người chiến sĩ cộng sản Phan Văn Đáng suốt đời phấn đấu vì nước, vì dân; góp phần giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hội thảo còn giúp Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long sẽ có thêm nhiều nguồn tư liệu quý về đồng chí Phan Văn Đáng, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng hệ thống giá trị này để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tin, ảnh: BÁ DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37938302-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-nguyen-pho-chu-tich-quoc-hoi-phan-van-dang.html