Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sỹ Hồ Tôn Trinh: Một nhân cách trí thức lớn

Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Hồ Tôn Trinh (bút danh Hoàng Trinh), nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, thuộc lớp cán bộ khoa học xã hội đầu tiên đặt nền móng cho lĩnh vực lý luận, phê bình văn học của nước ta.

Một trí thức lớn

GS.VS Hồ Tôn Trinh (bút danh Hoàng Trinh) sinh ngày 28/9/1920. Gia đình ông thuộc dòng họ Hồ Văn, gây dựng cơ nghiệp trên vùng đất Đại Nài huyện Thạch Hà, (nguyên là xã Thạch Hòa, huyện Thạch Hà; nay là phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh từ khoảng 600 năm nay.

Từ “Tôn” đệm tên của ông vốn được ghép từ họ tên của người mẹ (Tôn nữ), một “công tôn nữ” trong hoàng tộc nhà Nguyễn với họ Hồ của người cha. Khi còn nhỏ, ông được gia đình gửi ra ăn học tại Hà Nội. Khi trưởng thành, ông trở về quê hương sinh sống và lập gia đình với người vợ đồng hương của mình, nhà giáo Nguyễn Thị Trinh.

GS.VS Hồ Tôn Trinh và vợ.

GS.VS Hồ Tôn Trinh và vợ.

Hồ Tôn Trinh bắt đầu tham gia phong trào cách mạng từ đầu năm 1945, trước khởi nghĩa dành chính quyền về tay nhân dân tại địa phương. Những năm 1945-1954, ông công tác tại Ủy ban hành chính huyện Thạch Hà, rồi tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Tĩnh, là Trưởng ty Tuyên truyền văn nghệ tỉnh Hà Tĩnh; giai đoạn 1954-1959, ông chuyển ra Trung ương công tác tại Bộ Tuyên truyền, Văn phòng Văn Xã thuộc Phủ Thủ tướng và sau đó tại Ban Văn giáo Trung ương.

Đầu năm 1960, ông được điều về công tác tại Viện Văn học, lần lượt đảm nhận các chức vụ: Thư ký khoa học Viện Văn học (1960-1969), Phó Viện trưởng Viện Văn học (1970-1984), Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội miền Nam (1968-1982), Viện trưởng Viện Văn học, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu văn học (1985-1988), Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn học (1985-1988, 1996-2000).

Ông còn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1968), Ủy viên Ban thường trực Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Hội viên Hiệp hội ký hiệu học Quốc tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Hội đồng khoa học xã hội châu Á và Thái Bình Dương. Với uy tín và tầm vóc trí thức uyên bác của mình trong giới khoa học xã hội, ông được bổ nhiệm làm chuyên gia cao cấp của Nhà nước và được giữ lại công tác cho đến lúc về hưu khi đã bước qua tuổi 80 (năm 2000).

Nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng

GS.VS Hồ Tôn Trinh là tác giả của bộ sách về Văn học phương Tây, tham gia biên soạn bộ Từ điển Văn học Việt Nam và hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị. Ông là người có công rất lớn trong việc mở rộng hoạt động cho việc truyền bá trên các diễn đàn quốc tế về tinh hoa văn học nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, bản sắc tư duy và chất liệu nghệ thuật, đặc thù của tiếng Việt văn học, đặc thù của văn học, văn hóa Việt Nam...

Những công trình của ông được giới thiệu ở nước ngoài vừa giới thiệu những tinh hoa văn học, văn hóa nước ta giúp cho bạn đọc nước ngoài, nhất là các nhà Việt Nam học hiểu được phần nào tầm vóc, quan điểm cởi mở của khoa học xã hội Việt Nam vốn sinh ra và trưởng thành trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh giải phóng, vừa thay mặt độc giả nước ta tiếp nhận tinh hoa văn học, văn hóa nhân loại.

Năm 1979, ông vinh dự được bầu là Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Hungary; năm 1982, ông được phong hàm Giáo sư; năm 1989, nhận Giải thưởng khoa học Rokefeller (Mỹ); năm 1996, nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho cụm 5 công trình nghiên cứu lý luận và phê bình văn học gồm: Phương Tây, văn học và con người (NXB Khoa học xã hội, T1 - 1969; T2 - 1971); Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học (NXB Văn học, 1980); Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học (NXB Khoa học xã hội, 1980); Đối thoại văn học (NXB Hà Nội, 1986); Từ ký hiệu học đến thi pháp học (NXB Khoa học xã hội, 1992, NXB Đà Nẵng tái bản 1997).

Ngoài 5 công trình trên, GS Hồ Tôn Trinh còn là tác giả hàng trăm bài tiểu luận đăng trên các báo, tạp chí trong, ngoài nước và các công trình khác như: Văn học ngọn nguồn và sáng tạo (1973); Tiếp cận văn học dưới góc độ thông tin (1990); Phương pháp luận về văn hóa và phát triển (1995); Chủ nghĩa xã hội với tư cách một chủ nghĩa nhân văn và văn hóa (1995). Ông còn chủ biên các công trình: Văn học, cuộc sống, nhà văn (1979); Phấn đấu để có những thành tựu mới trong văn nghệ (1980); Phấn đấu sáng tạo theo đường lối văn nghệ của Đảng (1986)...

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS.VS Hồ Tôn Trinh.

Người nặng lòng với văn hóa dân tộc

GS.VS Hồ Tôn Trinh sớm ý thức rõ điểm xuất phát của khoa học nghiên cứu văn học là nền văn hóa dân tộc, chính vì vậy, ông luôn bám chặt vào gốc rễ của truyền thống dân tộc, luôn tìm đến ngọn nguồn như tên một tác phẩm của ông: Văn học ngọn nguồn và sáng tạo. Theo ông: “Trong lịch sử văn hóa nhân loại, không dân tộc nào tồn tại và phát triển nhờ dựa vào văn hóa nước ngoài. Văn hóa là sức sống bên trong, là cuộc vận động trí lực và tạo tác từ lao động, sinh sống và phát triển trong cái nôi địa hình thái (gesomorphique), môi trường của bản thân mình. Càng phát triển, bản sắc dân tộc của văn hóa càng rõ nét, đa dạng trong xu thế hội nhập, giao lưu với văn hóa các nước”.

Ngoài nghiên cứu, ông còn là tác giả các tập: Trên những dặm đường khoa học (bút ký, 1996); Tuyển tập văn học (1998). Ông rất say mê tuồng và am hiểu nghệ thuật tuồng nên rất thân quen với các nhà nghiên cứu tuồng như Hoàng Chương, Hoàng Châu Ký, Mịch Quang và một số nghệ sĩ tuồng nổi tiếng như Tiến Thọ, Đàm Liên... Đến khi về hưu, ông vẫn tích cực tham gia hoạt động VHNT, bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu dân tộc.

GS Hoàng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã viết: “Tôi chưa thấy một học giả, một trí thức lớn nào lại yêu thích nghệ thuật tuồng như GS.VS Hồ Tôn Trinh. Vì yêu tuồng mà Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Trinh quý thân với tôi và cũng vì thế mà bất kỳ một vở tuồng nào khi tổng duyệt hoặc công diễn những buổi đầu là đều có mặt ông, thậm chí có vở ông nhận làm cố vấn như Nhiếp Chính Bang (kịch cổ điển của Kotona Jozsef Hungary)”.

Cũng theo GS Hoàng Chương, GS.VS Hồ Tôn Trinh có nhiều nhận xét rất trúng và có nhiều định nghĩa rất hay, góp phần bảo tồn, phát huy, phát triển nghệ thuật tuồng trong nhiều thập kỷ qua. Tại Hội Sân khấu Liên Xô (1981), ông đã thay mặt chúng tôi trình bày một cách thuyết phục sự giống và khác giữa tuồng Việt Nam và Kinh kịch Trung Quốc...

Người thầy đức độ

Trong cuộc đời của mình, GS.VS Hồ Tôn Trinh luôn được bạn bè, đồng nghiệp, học trò quý mến, cảm phục bởi những đức tính của một thầy đồ xứ Nghệ như giản dị, khiêm tốn, ham học hỏi, ông thành thạo các ngoại ngữ Pháp, Anh và sử dụng tốt tiếng Nga, Hungary và nhiều lần được mời giảng dạy về văn học tại Liên Xô, Hunggary, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản ...

Trong những năm công tác và cho đến tận cuối đời, ông luôn dành nhiều tâm huyết cho việc đào tạo các thế hệ học trò. Nhiều học trò do ông trực tiếp hướng dẫn đã trở thành các nhà nghiên cứu lớn, các chuyên gia về văn học, văn hóa kế cận có tiếng sau này, có thể kể đến như TSKH ngữ văn Đoàn Hương, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện (TBT Tạp chí Diễn đàn văn nghệ), PGS.TS Đặng Việt Bích (nguyên Hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam)... Với các học trò của mình, ông luôn tận tâm chỉ bảo với tấm lòng hết mực yêu thương, mong cho các trò được thành tài.

Có thể nói, GS.VS Hồ Tôn Trinh là người đã có nhiều công lao trong việc đào tạo nên các thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu, ông đã có nhiều công lao trong sự phát triển của nền học thuật nước nhà, góp phần mở ra cánh cửa để bạn bè thế giới biết nhiều hơn đến nền văn học, văn hóa Việt Nam cũng như đem được những giá trị tinh hoa của văn học, văn hóa thế giới đến với con người Việt Nam chúng ta.

Thu Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-giao-su-vien-sy-ho-ton-trinh-mot-nhan-cach-tri-thuc-lon-508719.html