Kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng cục Môi trường (30-9-2008 - 30-9-2018) : Dấu ấn một thập kỷ Tổng cục Môi trường

Ngày 30-9-2018, đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một thập kỷ ghi dấu những nỗ lực bảo vệ môi trường quốc gia được thể hiện qua việc xây dựng thể chế, huy động nguồn lực, thanh kiểm tra giám sát, phòng ngừa sự cố, gìn giữ thiên nhiên, chất lượng môi trường sống… từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Công tác bảo vệ môi trường đang dần đi vào đúng vị thế vốn có trong tiến trình phát triển - trở thành một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.

Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng cục Môi trường, Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tài đã chia sẻ với báo chí những thách thức trong công tác bảo vệ môi trường cũng như tầm nhìn trong giai đoạn tới.

PV: Thưa Tổng Cục trưởng, dù 2018 kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng cục, song, công tác quản lý môi trường đã được thực hiện hơn 2 thập kỷ qua. Theo ông, công tác quản lý môi trường đã có những thành tựu, nỗ lực nào đáng ghi nhận?

Ông Nguyễn Văn Tài: Chặng đường hình thành và phát triển, Tổng cục Môi trường đã trải qua 4 lần thay đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức vào các năm 1993, 2002, 2014 và 2018. Tiền thân là Cục Môi trường thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (1993 - 2002), Vụ Môi trường, Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Cục Bảo vệ môi trường thuộc Bộ TN&MT (2002 - 2008) và Tổng cục Môi trường từ năm 2008.

Thành tựu lớn nhất trong công tác bảo vệ môi trường chặng đường 10 năm qua là việc không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Kể từ khi Kế hoạch hành động quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững 1992 - 2000, Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 - Bộ Luật đầu tiên đặt nền móng cho công tác bảo vệ môi trường của nước ta được ban hành, trải qua 25 năm phát triển, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của nước ta liên tục được bổ sung, hoàn thiện với nhiều văn bản quan trọng được ban hành như: Chỉ thị 36-CT/TW, Nghị quyết số 41-NQ/TW là những văn kiện, nghị quyết đầu tiên của Đảng về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề cập một cách toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp nối những thành công của thế hệ đi trước, trong 10 năm xây dựng và phát triển, Tổng cục luôn quan tâm, chú trọng công tác xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, đã tham mưu ban hành 2 đạo luật quan trọng là Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cùng với 141 văn bản dưới luật; qua đó, đã tạo được một hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý toàn diện và đồng bộ về bảo vệ môi trường ở nước ta.

Hiện nay, Tổng cục Môi trường đang rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Đa dạng sinh học 2008; trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường trong năm 2018. Trong giai đoạn này, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên tục được rà soát, sửa đổi và ban hành, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn với 82 QCVN về môi trường được xây dựng và ban hành. Nhiều cơ chế, công cụ quản lý, quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung sát với tình hình, theo kịp diễn biến các vấn đề môi trường của đất nước.

Trong giai đoạn 2008 - 2018, Tổng cục Môi trường đã phối hợp xây dựng thành công hồ sơ đề cử cho 5 thành phố đạt danh hiệu thành phố bền vững ASEAN gồm: Thành phố Hạ Long, Đà Nẵng, thành phố Đà Lạt, thành phố Huế, thành phố Cần Thơ; 6 Vườn Di sản ASEAN gồm: Vườn Quốc gia (VQG) Chư Mom Ray, VQG Hoàng Liên, VQG Ba bể, VQG Kôn Ka Kinh, VQG U Minh Thượng, VQG Bái Tử Long; 4 trường học sinh thái ASEAN gồm: Trường Tiểu học Thực nghiệm, Trường THPT Chu Văn An, Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường PTTH Chuyên ngữ; 6 khu Ramsar gồm: Hồ Ba Bể (Bắc Kạn, 2011), Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp, 2012), Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (2013), Vườn Quốc gia Côn Đảo (2014), Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An (2015), Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang (2016).

PV: Hệ thống văn bản pháp luật về môi trường khá đầy đủ và toàn diện. Vậy việc tổ chức thực hiện chấp hành chính sách, pháp luật, các công cụ, biện pháp quản lý về môi trường ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Tổng cục Môi trường từ ngày đầu thành lập đã đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường cùng với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Trong 10 năm qua, đã có hàng nghìn dự án được thẩm định, đánh giá các yêu cầu bảo vệ môi trường. Các dự án này được thẩm định trên quan điểm phải đảm bảo các mục tiêu môi trường, gắn kết phát triển hài hòa với thiên nhiên, không cấp phép đầu tư nhiều dự án vì không đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Tổng cục đã tập trung kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy thiết lập hệ thống thu gom, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường. Đến nay, 80% các khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung; xử lý 85,5% chất thải rắn khu vực đô thị, 90% chất thải nguy hại; tỷ lệ chất thải được tái chế liên tục tăng; nhiều khu vực môi trường được cải tạo, phục hồi; nhiều giá trị sinh thái, cảnh quan được gìn giữ, hình thành và quản lý thành công hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực, hành lang đa dạng sinh học cao.

Bên cạnh công tác phòng ngừa, Tổng cục cũng tích cực nghiên cứu, triển khai nhiều biện pháp ứng phó sự cố môi trường, dần chuyển từ thế bị động sang chủ động trong kiểm soát, ứng phó, giải quyết các sự cố, vụ việc ô nhiễm môi trường; qua đó đã góp phần ngăn chặn cũng như giải quyết hàng trăm vụ việc, sự cố môi trường như vụ việc gây ô nhiễm của Công ty Vedan, Công ty Formosa Hà Tĩnh. Các điểm nóng môi trường, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được theo dõi thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống Đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương, hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường cũng như các Tổ Giám sát của Tổng cục, phối hợp với các địa phương.

Từ năm 2012, Tổng cục Môi trường bắt đầu triển khai thu phí thực hiện các thủ tục hành chính. Năm 2018 so với năm 2012, đã tăng 240% do từng bước hoàn thiện về cơ chế chính sách, tăng thêm một số nguồn thu phí mới; theo đó, tổng thu phí trong giai đoạn 2012 - 2018 (bao gồm ước thực hiện năm 2018) là 116.166 triệu đồng.

Tổng cục đã thực hiện nhiều giải pháp, hành động tích cực nhằm ứng phó với các vấn đề môi trường toàn cầu, tác động môi trường xuyên biên giới, trong đó, chú trọng kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, các vấn đề môi trường trên biển Đông thông qua việc quy hoạch, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

Nhiều khu vực môi trường bị ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng đã được khắc phục, cải tạo và phục hồi, trong đó nổi bật là kết quả cải tạo, phục hồi các vùng đất ô nhiễm dioxin, thuốc bảo vệ thực vật và các chất tồn lưu; các bãi rác, bệnh viện thuộc khu vực công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các kênh, mương, ao, hồ bị ô nhiễm với 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật được xử lý hoàn toàn; hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu được phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ; 262 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, 53 bãi rác, 21 kho thuốc thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 92% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để; hiện trạng tồn lưu dioxin tại các vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề cơ bản đều đã về ngưỡng an toàn; việc lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào nước ta ngày càng giảm...

Đáng ghi nhận là công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường ở cả Trung ương và địa phương. Trong 10 năm qua, mạng lưới trạm quan trắc TN&MT quốc gia tiếp tục được mở rộng. Định kỳ hàng năm thực hiện 635 điểm quan trắc môi trường với tần suất từ 2 đến 6 đợt/năm. Các số liệu quan trắc môi trường đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết cho công tác giáo dục truyền thông, xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường, xây dựng các chương trình, dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Tổng cục đã xây dựng và công bố 10 báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, cung cấp những thông tin, số liệu chính xác, khách quan về các vấn đề môi trường, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học và của cả cộng đồng.

Đến nay, nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, cộng đồng, người dân đã có những bước chuyển biến hết sức tích cực qua các năm, các thời kỳ, nhất là trong giới sinh viên, học sinh, tầng lớp trẻ. Từ đó, thay đổi hành vi theo hướng thân thiện với môi trường hơn. Đây là kết quả hết sức quan trọng, nền tảng, cơ sở cho công tác bảo vệ môi trường trong hiện tại và tương lai.

PV: Xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường diễn ra khá gay gắt trong những năm qua, khi mà sức ép phát triển kinh tế khiến nhiều khi chúng ta phải “đánh đổi” môi trường. Làm thế nào để phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ được môi trường, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Đúng vậy, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước của một giai đoạn phát triển nóng, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Hàng năm, có hàng trăm nghìn dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phát sinh hơn hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại. Các vấn đề môi trường ngày càng phức tạp, tăng nhanh theo mức độ phát triển của nền kinh tế cùng với nhiều vấn đề môi trường tích tụ trong thời gian dài, nhiều khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái chưa được xử lý, giải quyết trong tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, nguồn lực tài chính của cả nhà nước, doanh nghiệp, người dân đều rất hạn chế, trình độ công nghệ, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, điều kiện đảm bảo chưa đáp ứng yêu cầu, còn khoảng cách xa so với nhu cầu tạo nên thách thức hết sức lớn lên công tác quản lý và bảo vệ môi trường.

Đối diện với nhiều thách thức, khó khăn, tuy vậy, thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước thông qua việc tham mưu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối, phối hợp hệ thống với các Bộ, ngành, Trung ương với địa phương thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, hướng về địa phương, cơ sở, doanh nghiệp, cộng đồng.

Kết quả quản lý Nhà nước về môi trường chuyển từ thế bị động sang chủ động trong phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các sự cố, vấn đề ô nhiễm môi trường, từng bước kiềm chế, giảm đà tăng nhanh của xu hướng ô nhiễm, suy thoái môi trường của giai đoạn phát triển nóng hiện nay, hướng hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vào quỹ đạo của phát triển bền vững, gìn giữ chất lượng môi trường sống, bảo vệ các giá trị cốt lõi của thiên nhiên, cân bằng sinh thái.

Tổng cục đã triển khai thực hiện 67 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, tạo ra bước tiến mới trong việc ứng dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong giám sát, phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường; nghiên cứu xây dựng và phát triển một số quy trình công nghệ thân thiện với môi trường trong xử lý ô nhiễm nước, đất và không khí. Chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ Việt Nam phê chuẩn, tham gia, ký kết 23 Điều ước quốc tế về môi trường hoặc liên quan đến môi trường; đầu mối quốc gia của 8 Điều ước quốc tế , 3 Thỏa thuận quốc tế; đầu mối hợp tác ASEAN về môi trường...

PV: Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không thể tách rời nhau. Chỉ có bảo vệ môi trường thực sự mới có phát triển kinh tế. Vậy, giải pháp cho vấn đề này đã được Tổng cục Môi trường đặt ra như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Để vượt qua thách thức, khó khăn, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, đưa Tổng cục tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai, đóng góp hiệu quả cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường của đất nước, Tổng cục đã thống nhất trong giai đoạn tới phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đó là tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng quản lý, chuyên môn của độ ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện đảm bảo cho công tác quản lý; tăng cường tình hệ thống, sự thống nhất, sự kết nối, phối hợp giữa các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương, giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, cộng đồng, người dân và doanh nghiệp trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường.

Xây dựng, bổ sung, hoàn hiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như tổ chức triển khai các quy định pháp luật trên thực tế. Chủ động nghiên cứu, đề xuất Quốc hội thực hiện Đề án sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Rà soát hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, bổ sung, hoàn thiện sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý, các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý Nhà nước; nâng cao hiệu quả của các công cụ, biện pháp quản lý môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; tập trung giám sát đối với các cơ sở, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhất là các dự án tại các khu vực nhạy cảm về môi trường; chủ động nắm thông tin và giải quyết, xử lý các vấn đề môi trường phát sinh.

Tăng cường đầu tư xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường. Kết nối, kết hợp số liệu quan trắc nguồn thải với quan trắc chất lượng môi trường dự báo diễn biến, đánh giá, xác định nguyên nhân và có các giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, hướng về địa phương và cơ sở. Kết hợp tăng cường các biện pháp, công cụ, cơ chế quản lý môi trường với cải cách thủ tục hành chính có vai trò đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định. Tăng cường đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, tư liệu môi trường theo kịp xu hướng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường; cung cấp thông tin kịp thời về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

-------------------------------------------

Tổng cục Môi trường - những dấu mốc lịch sử

* Năm 2008, đánh dấu một bước quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thống tổ chức của Bộ TN&MT nói chung và các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, trong đó có Tổng cục Môi trường nói riêng. Ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trên cơ sở kiện toàn bộ máy, nhân sự của Cục Bảo vệ môi trường, Vụ Môi trường, Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường. Theo đó, Tổng cục Môi trường được hình thành với 16 đơn vị trực thuộc, trong đó có 10 đơn vị hành chính và 6 đơn vị sự nghiệp.

* 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ TN&MT. Theo đó, Tổng cục Môi trường gồm 18 đơn vị trực thuộc, bao gồm 5 đơn vị tổng hợp và 7 Cục chức năng, 6 đơn vị sự nghiệp; trong đó, lần đầu tiên thành lập cục chức năng của Tổng cục Môi trường tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực miền Nam.

* Năm 2018, một lần nữa, chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Môi trường lại được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các nhiệm vụ mới tại Quyết định số 15/2018/QĐ-TTg ngày 12-3-2018 (thay thế Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg). Mô hình tổ chức của Tổng cục vẫn duy trì với 18 đơn vị trực thuộc, tuy vậy, có những thay đổi cơ bản và toàn diện như: chuyển đổi mô hình từ 3 Cục thành 3 Vụ, giảm 17 phòng và 43 lãnh đạo cấp phòng; kiện toàn 3 Cục Bảo vệ Môi trường khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên và miền Nam; thành lập 3 Trung tâm Quan trắc môi trường khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên và miền Nam.

Như vậy, hiện nay, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường đã được tinh giản vừa gọn nhẹ, hợp lý, vừa chặt chẽ đủ để bao quát toàn bộ các nhiệm vụ quản lý môi trường, đảm bảo thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Môi trường được quy định theo hướng kết hợp giữa các nhiệm vụ, quyền hạn chung và các nhiệm vụ quyền hạn đặc thù về quản lý chuyên ngành; khắc phục được những chồng chéo và bỏ sót trong quản lý Nhà nước giữa Bộ TN&MT với các Bộ, ngành khác, giảm tình trạng phân tán, trùng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ.

Mai Dung

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/van-hoa-xa-hoi/2018/12064/dau-an-mot-thap-ky-tong-cuc-moi-truong.aspx