Kỷ niệm 1.979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Sáng 11-3 (tức mùng 6 tháng Hai năm Kỷ Hợi), Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 1.979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2019) tại đền thờ Hai Bà Trưng, phố Hương Viên, phường Đồng Nhân. Đây là hoạt động nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Kỷ niệm 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai hội Đền Hai Bà Trưng

Tới dự và chung vui với nhân dân trên địa bàn có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại biểu các cơ quan thành phố, một số quận, huyện và đông đảo cán bộ, nhân dân quận Hai Bà Trưng.

Mở đầu lễ kỷ niệm, đồng chí Hoàng Trung Hải và các đại biểu, nhân dân quận Hai Bà Trưng đã làm lễ chào cờ, nghe tuyên chúc văn và dâng hương tưởng niệm Hai Bà Trưng, cầu quốc thái dân an.

Trình bày diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cho biết, Hai Bà Trưng - những người con gái Lạc tướng đất Mê Linh và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) đã đi vào lịch sử dân tộc, in đậm trong tâm tư, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân quận Hai Bà Trưng như một huyền thoại. Thời kỳ đó, đất nước ta bị nhà Hán đô hộ, với chính sách thống trị tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc, nhất là sau khi thái thú Tô Định được cử đến cai trị. Nhân dân ta sống trong lầm than, khổ cực, sục sôi ý chí nổi dậy. Trong số các Lạc tướng của người Việt có ý chống lại sự thống trị của nhà Hán nổi lên nhà Trưng Trắc ở Mê Linh, Phong Châu và nhà Thi Sách ở Chu Diên. Trưng Trắc kết hôn với Thi Sách, hai nhà đồng lòng hợp lực lượng chống lại sự cai trị của nhà Hán. Trước khí thế chống đối của các thủ lĩnh người Việt, thái thú Tô Định đã giết Thi Sách. Năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương và nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc.

Trong ngày xuất quân, “cờ dậy đất, chiêng trống vang trời, tướng nam lẫm liệt, tướng nữ lạnh lùng”, nghĩa quân khí thế ngút trời. Lời thề “Đền nợ nước, trả thù nhà” của hai bà Trưng Trắc - Trưng Nhị trên dòng sông Hát đã vang vọng núi sông. Hàng vạn dân chúng, tướng lĩnh, nghĩa quân đã cùng Hai Bà Trưng ào ào xuất trận. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra cả nước, làm sụp đổ toàn bộ chính quyền quân xâm lược. Ngọn cờ chính nghĩa tung bay chiến thắng ở 65 huyện, thành. Nền độc lập được khôi phục, chấm dứt giai đoạn 246 năm thống trị (lần thứ nhất) của phong kiến phương Bắc. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước thanh bình, bà Trưng Trắc được tướng sĩ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô ở Mê Linh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và các đồng chí lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm Hai Bà Trưng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và các đồng chí lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm Hai Bà Trưng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và các đồng chí lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm Hai Bà Trưng.

Lên ngôi được 3 năm, quân giặc lại tràn sang, Hai Bà Trưng tiếp tục lãnh đạo quân dân chống giặc. Ngày mùng 6 tháng Hai năm Quý Mão, tương truyền sau khi quyết chiến với kẻ thù, quyết không để sa vào tay giặc, Hai Bà đã gieo mình xuống sông Hát tuẫn tiết. Tương truyền sau khi mất, khí phách của Hai Bà kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi đến bãi Đồng Nhân. Dân làng Đồng Nhân xưa đã lấy vải đỏ làm lễ rước tượng vào bờ. Năm 1142, vua Lý Anh Tông truyền lập đền thờ Hai Bà Trưng ngay lại bờ sông. Năm 1819, do bến sông sạt lở, đền thờ Hai Bà Trưng được chuyển vào khu Võ Miếu, thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, chính là phường Đồng Nhân ngày nay. Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng nêu rõ: “Thật vinh dự và tự hào biết bao khi quận Hai Bà Trưng được vinh dự mang tên hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc - Trưng Nhị. Tiếp nối truyền thống anh hùng của Hai Bà Trưng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong quận luôn quan tâm, tập trung vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cùng với công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước; những năm qua đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ. Năm 2018, quận đã hoàn thành toàn bộ 21/21 chỉ tiêu, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt mức; đặc biệt chỉ tiêu ngân sách đạt gần 1.200 tỷ đồng, bằng 123% chỉ tiêu giao”.

Chương trình nghệ thuật tái hiện khí thế của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Ngay sau phần lễ, phần hội của lễ kỷ niệm được tiếp nối với nhiều tiết mục văn nghệ tái hiện khí thế của cuộc khởi nghĩa cách đây 1.979 năm, khẳng định tinh thần yêu nước, anh hùng sống mãi với thời gian của Hai Bà Trưng, các tướng quân và nhân dân ta...

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/928931/ky-niem-1979-nam-khoi-nghia-hai-ba-trung