Kỳ nhân làng võ

'Người luyện võ trong nước rất nhiều, nhưng việc một cá nhân tổ chức nhiều giải võ thuật ở quy mô quốc gia, quy tụ hàng nghìn võ sĩ khắp mọi miền về tranh hùng, thì người làm được như Đặng Tam Thuận không nhiều!' – Võ sư Đào Hoàng Long (Chủ tịch Chi hội di sản võ cổ truyền Nhất Nam tỉnh Yên Bái) đã ngợi khen như thế về khả năng tổ chức cùng nhiệt huyết bảo tồn võ cổ truyền của võ sư Đặng Tam Thuận.

Bên thềm Giải võ thuật tranh cúp Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3 diễn ra từ ngày 26-8 tại Hà Nội, giới “võ lâm” đang dành cho vị trưởng ban tổ chức giải ấy mối quan tâm đặc biệt.

Quần anh hội tụ

Từ ngày 26-8 đến ngày 29-8 tại Nhà thi đấu huyện Hoài Đức (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội), hàng ngàn võ sĩ, vận động viên (VĐV) sẽ quy tụ, tranh tài tại Giải võ thuật tranh cúp Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3. Sự kiện do Học viện Quốc tế võ thuật Việt Nam và Trung tâm đào tạo võ thuật Tài năng trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức.

Võ sư Đặng Tam Thuận

Võ sư Đặng Tam Thuận

Chia sẻ những thông tin về giải đấu, Võ sư Nguyễn Tân Văn – (Phó Ban tổ chức giải) cho biết nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát triển và quảng bá võ học cổ truyền của dân tộc, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thúc đẩy phong trào TDTT trong quần chúng nhân dân, được sự nhất trí của Sở VH&TT Hà Nội, Tổng cục TDTT, giải võ thuật tranh cúp Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3 sẽ được tổ chức, quy tụ 2.300 võ sĩ, VĐV thuộc 50 đoàn, gồm nhiều môn phái, võ phái, võ đường, CLB võ thuật toàn quốc về tranh hùng. Đây là giải đấu mở r

Giải võ thuật tranh cúp Tài năng trẻ lần 2

ộng, tổ chức thường niên của Học viện quốc tế võ thuật Việt Nam và Trung tâm đào tạo võ thuật Tài năng trẻ Việt Nam. Giải võ này không hạn chế số lượng VĐV, cũng như các môn phái, võ phái trong cả nước, bất kỳ đơn vị, cá nhân nào đủ điều kiện đều có thể tham gia. Đây đã là mùa giải thứ 3, nối tiếp sự thành công của các giải đấu tổ chức trong các năm 2018, 2019. Bước sang năm 2020, 2021, do tình hình dịch bệnh nên các giải đấu bị hoãn. Theo võ sư Văn, thì giải đấu năm nay như một sự dồn nén để bùng nổ, quy tụ đông đảo VĐV tham gia hơn các năm trước, với 80 bộ huy chương cho các nội dung biểu diễn, thi đấu võ thuật ở nhiều hạng cân. Điều này tạo áp lực rất lớn lên Ban tổ chức.

Vẫn theo võ sư Văn, vì số lượng VĐV dự giải năm nay đông gấp nhiều lần các năm trước, nên để sở hữu một tấm huy chương không phải chuyện đơn giản. Các VĐV phải rất nỗ lực thi đấu hết mình và cạnh tranh với nhiều VĐV khác. Đặc biệt, luật thi đấu đối kháng mới ban hành sẽ được áp dụng trong giải đấu năm nay, điều này đòi hỏi các VĐV phải có sự chuẩn bị kỹ càng và vận dụng các kỹ thuật đòn thế linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, nội dung quyền thuật và binh khí cũng được Ban tổ chức khuyến khích, để các đơn vị đưa ra nhiều bài bản có giá trị hơn. Cụ thể là các bài binh khí cổ phát triển từ đòn gánh, liềm, bừa cào, đòn sóc, thước bản… là những nông cụ thường ngày của người Việt sẽ được đem ra biểu diễn…. Về cơ sở vật chất, điều kiện thi đấu phục vụ cho giải đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế, vì Nhà thi đấu huyện Hoài Đức vốn là 1 trong 19 địa điểm thi đấu chính thức của Ðại hội thể thao Ðông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).

“Thực hiện chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa lĩnh vực TDTT, giải võ thuật tranh cúp Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức thường niên hoàn toàn từ nguồn kinh phí cá nhân và đóng góp của các nhà hảo tâm, không sử dụng ngân sách nhà nước. Để có tài chính chuẩn bị cho sự kiện thể thao quy mô cấp quốc gia thế này, với hàng nghìn VĐV về Hà Nội dự giải, trực tiếp võ sư Đặng Tam Thuận - Trưởng Ban tổ chức giải cùng các cộng sự đã phải kêu gọi sự giúp đỡ, tài trợ từ rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong xã hội” - võ sư Văn cho biết thêm.

Một người “làm” võ

Trong một lần trao đổi, GS.VS Ngô Xuân Bính (võ sư Chưởng môn phái Nhất Nam) có nói đại ý rằng để tìm một người giỏi võ không khó, làng võ có rất nhiều. Nhưng tìm được người có óc tổ chức tốt để “làm” võ là điều rất khó, vạn người mới có một.

“Làm” võ tức là chấn hưng nền võ học dân tộc thông qua hoạt động quảng bá, gây dựng lên phong trào luyện võ sâu rộng trong xã hội. Điều này đòi hỏi một “cái đầu” thông tuệ hơn là tố chất chân cứng, tay mạnh ở người võ sĩ.

Theo ý ấy, võ sư Đặng Tam Thuận có thể nói là một nhân vật khá đặc biệt. Từ nhiều năm nay, làng võ Việt Nam đã khá quen thuộc với tên tuổi của ông, bởi những đóng góp đáng kể trong sứ mệnh bảo tồn, truyền bá di sản võ thuật cổ truyền dân tộc. Tài năng của ông được nhiều người nhắc đến, chính là óc tổ chức và năng lượng sống mạnh mẽ để triển khai nhiều công việc cùng một lúc.

Nối gót tiền nhân, những năm qua ông đã dành nhiều tâm huyết để lan tỏa các tinh hoa, kỹ thuật chiến đấu đặc sắc của võ cổ truyền Bình Định đến với người dân. Hiện ông là Chủ tịch Học viện quốc tế võ thuật Việt Nam, trọng tài võ thuật quốc tế, Giám đốc Trung tâm đào tạo võ thuật Tài năng trẻ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức nhiều giải võ thuật tranh cúp Tài năng trẻ Việt Nam. Những năm qua, để góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, ông đã có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi võ thuật với đồng nghiệp nước ngoài, thành lập được nhiều võ đường ở một số quốc gia châu Âu.

Chia sẻ về động lực thúc đẩy ông dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp chấn hưng võ thuật nước nhà, võ sư Thuận cho biết lịch sử ngàn đời chống ngoại xâm của dân tộc ta, đã để lại một di sản phi vật thể vô cùng quý giá, đó là những môn võ công đặc dị, những kỹ thuật chiến đấu đặc sắc, ẩn chứa trong đó đạo lý, lẽ sống, tinh thần thượng võ hào hùng, quật khởi của dân tộc. Trong thời đại hiện nay, võ cổ truyền có nguy cơ thất truyển bởi nghề võ không thể giúp các thầy võ chiến thắng trong công cuộc mưu sinh. Bên cạnh đó giới trẻ đang đứng trước quá nhiều sự lựa chọn hấp dẫn để thỏa mãn đời sống tinh thần, thay vì nhọc công luyện võ. Một yếu tố khác là sự du nhập của các môn phái võ nước ngoài với tính thực dụng, “mỳ ăn liền” của nó… đã khiến một bộ phận giới trẻ xao lãng những môn võ cổ truyền được cho là khó học, lâu thành. Với tình yêu sâu nặng với võ cổ truyền, nối bước sư phụ trong sứ mệnh bảo tồn, phát triển di sản võ học, trong nhiều năm qua võ sư Thuận đã dành trọn thời gian, tâm trí, sức lực vào việc góp phần chấn hưng võ thuật dân tộc. Không chỉ truyền thụ võ công, ông luôn tìm tòi về cách làm hiệu quả nhất để gây dựng phong trào luyện võ ở các địa phương và đưa võ Việt ra thế giới. Được sự hỗ trợ của ban ngành chức năng, sự góp sức, vào cuộc của bầu bạn, học trò, Võ sư Thuận và cộng sự đã thành lập được Học viện quốc tế võ thuật Việt Nam và Trung tâm đào tạo võ thuật Tài năng trẻ Việt Nam với 35 chi nhánh khắp cả nước, thu hút hàng nghìn môn sinh theo học, đồng thời đã lập được một số võ đường tại châu Âu. Giải võ thuật tranh cúp Tài năng trẻ Việt Nam được các ông tổ chức với mục tiêu tạo ra sân chơi, tăng động lực cho việc dạy và học võ thuật cổ truyền, qua đó góp phần bảo tồn và phát triển di sản võ học Việt Nam.

Những hoạt động của Trung tâm võ thuật Tài năng trẻ Việt Nam

Được biết, để tạo nguồn thu nhập, công ăn việc làm cho các HLV và môn sinh, võ sư Thuận cùng cộng sự đã thành lập ra Tập đoàn vệ sĩ Tài năng trẻ Việt Nam với nhiều chi nhánh trong cả nước. Mục tiêu của ông là giúp người luyện võ có thể dùng võ để kiếm sống lương thiện trong nghề vệ sĩ, bảo vệ với thu nhập khá tốt. Ông giải thích lý do khiến võ thuật hiện nay không được công chúng mặn mà, bởi thực tế là không ai có thể làm giàu, thậm chí là đảm bảo cuộc sống từ việc dạy võ. Xưa nay các thầy dạy võ cổ truyền ở nước ta chủ yếu là vì trách nhiệm với cộng đồng, hay bởi tâm báo hiếu ân sư… chứ ít ai nghĩ đến chuyện làm kinh tế. Chính vì nghề này là cho đi, nên trong thời buổi hiện nay, động lực khiến người ta theo đuổi đến cùng trên con đường luyện võ, tu đạo cũng đã suy giảm, mai một đi nhiều. Từ thực tế này, Võ sư Thuận luôn suy nghĩ phải làm sao để giúp các thầy dạy võ, các môn sinh có thể ứng dụng võ thuật vào việc kiếm sống lương thiện.

“Hiện nay xã hội có rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực cần đến khả năng đặc biệt của người luyện võ. Chẳng hạn, người học có thể tham gia các giải đấu võ chuyên nghiệp quốc tế, hay làm việc ở các đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sĩ, bảo vệ, làm diễn viên hành động, cascadeur chuyên nghiệp, sản xuất nội dung số, làm truyền thông, quảng bá thương hiệu, hình ảnh cho các doanh nghiệp… gắn với hoạt động võ thuật. Do đó, chúng tôi tổ chức các giải đấu võ tranh cúp Tài năng trẻ thường niên, là bước tập dượt cho các võ sĩ bước vào con đường chuyên nghiệp. Qua đó phát hiện, bồi dưỡng nhân tài võ thuật. Đồng thời, có thể tuyển dụng ngay các VĐV vào công việc vệ sĩ, bảo vệ, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho họ. Phải có những tác dụng thiết thực như vậy mới khuyến khích được người ta theo học võ” – võ sư Thuận nói.

Thăng hoa trên màn ảnh

Ngoài những việc đã làm, võ sư Thuận còn sử dụng một “tuyệt chiêu” nữa để phát triển phong trào học võ thuật cổ truyền, đó là tích cực đưa võ vào phim. Bản thân ông đã thủ vai trong nhiều bộ phim hình sự đình đám như “Người phán xử”, “Bão ngầm”, “Câu hỏi số 5”, “Mặt nạ da người”, “Sát thủ online”, “Phố trong làng”, “Tể tướng Lưu Nhân Chú”, “Đấu trí”… Trong các bộ phim này, võ sư Thuận đã chinh phục khán giả bởi khả năng diễn xuất rất “nhuyễn vai”, những pha thi triển võ thuật mãn nhãn. Chưa hết, ông chính là người hướng dẫn võ thuật cho các nam diễn viên Việt Anh, Trung Anh, Bảo Anh trong phim Người phán xử. Còn trong phim Bão ngầm, ông đóng vai sĩ quan chỉ huy lực lượng Bộ đội Biên phòng trong cuộc tấn công xóa sổ sào huyệt ma túy của Thào A Chư. Tại Trung tâm đào tạo Võ thuật Tài năng trẻ Việt Nam, có nhiều lớp đào tạo nghệ thuật võ thuật - điện ảnh, đào tạo nghề cascadeur miễn phí do ông trực tiếp đứng lớp.

“Tác dụng của điện ảnh với mục tiêu phát triển phong trào võ thuật là điều không phải bàn cãi. Thông qua điện ảnh, võ thuật có điều kiện để phô diễn vẻ đẹp, tiếp cận nhanh nhất đến quảng đại công chúng, khơi dậy đam mê, lòng yêu thích và theo học môn thể thao này. Bản thân người đã luyện võ cũng có thêm động lực, sự hứng khởi để kiên trì với mục tiêu chinh phục đỉnh cao võ thuật, hoặc hướng tới việc trở thành ngôi sao màn bạc. Tích cực quảng bá võ cổ truyền trên phim ảnh là một trong số những hướng đi của chúng tôi để góp phần chấn hưng nền võ học nước nhà” – võ sư Thuận chia sẻ.

Đào Trung Hiếu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ky-nhan-lang-vo-i665751/