'Kỳ nhân' bài chòi

Dù không biết chữ, nhưng bà Huỳnh Thị Thương (67 tuổi), ở tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) vẫn sáng tác, ngân nga làn điệu bài chòi. Bởi say mê bài chòi nên bà mày mò học chữ để ghi chép, lưu giữ những lời ca sau cả đêm trằn trọc tựa phận tằm 'rút ruột nhả tơ'.'Cô Thương và những sáng tác của mình được xem là 'tài sản' của làng Gò Cỏ. Khách du lịch thêm yêu thích ngôi làng, bởi những ca khúc bài chòi do cô sáng tác...'.Nòng cốt của Hội Bài chòi - hát hố Gò Cỏ

Chiều phai nắng, bà Thương ngồi trên chiếc ghế nơi sân nhà nằm cạnh núi đồi bên biển cả bao la. Bà say sưa hát bài chòi, dẫu khán giả chỉ là tôi. Giọng ca mượt mà, sâu lắng lẫn trong tiếng sóng rì rầm vỗ về bờ cát hòa cùng gió ngàn xào xạc khi ánh chiều buông.

Đắm say khúc hát bài chòi

Lời ca mộc mạc, chân tình làm say đắm tâm hồn bà Thương từ ngày thơ bé. Thuở ấy, cô bé Thương bước vội trên những con đường nhỏ uốn lượn, lên cao xuống thấp đến nơi chăm chú lắng nghe khi có người trong xóm hát hố hay ca bài chòi. Những câu hát khắc sâu vào tâm trí thơ ngây: “Ngó lên núi đá vẫn còn/ Tình sâu nghĩa nặng cho con ghi lòng/ Con ơi hãy nhớ lời ông/ Ông cha ngã xuống con ngược dòng bơi lên/ Bây giờ núi đá vững bền/ Làng xưa, xóm Cỏ vươn lên với đời...”.

Bà Huỳnh Thị Thương (thứ nhất từ phải sang) cùng phụ nữ trong làng biểu diễn bài chòi phục vụ du khách. Ảnh: TRANG THY

Trở về, cô vui sướng tập hát như chim non ríu rít ca vui giữa ngày xuân nắng ấm. Thấy cô say mê dân ca, những bậc cao niên chọn vào đội hát múa sắc bùa, góp lời ca tiếng nhạc cho xóm làng rộn ràng khi Tết đến, Xuân về. “Hồi đó nghèo khổ lắm, chưa có ti vi, máy hát như bây giờ. Vậy nên, hầu hết trẻ con trong xóm đều ưng nghe bài chòi, hát hố chứ không riêng mình tôi. Hễ biết có người hát là đến nghe say sưa...”, bà Thương nhớ lại.

Năm tháng trôi qua, cô bé Thương lớn dần cùng niềm yêu thích bài chòi. Giọng ca ngày càng trong trẻo tựa chim sơn ca hót giữa trời xanh thẳm. Rồi, điệu bài chòi ngày nào rộn rã xóm làng dần trầm lắng bởi bom đạn chiến tranh gây tang thương, khiến những người dân quê hiền lành luôn nơm nớp âu lo. Nhiều người mắt lệ nhạt nhòa bồng bế con thơ rời làng phiêu bạt chốn xa. Những người ở lại lẩn trốn trong hầm hay vách đá nơi núi đồi cạnh xóm nhỏ. Dẫu “không thể ngẩng cao đầu mà hát”, nhưng lời ca dân dã vẫn khe khẽ trong tim bao người, làm vợi đi bao đớn đau trong những ngày khói lửa chiến tranh. “Lúc đó nghe Mỹ đi càn là sợ lắm, nên vội chui trốn trong hầm, miệng thì thầm hát bài chòi cho đỡ sợ. Khi nghe bước chân đến gần thì im lặng...”, bà Hương hồi tưởng.

Bài chòi nơi đây được “tiếp sức” khi các nghệ sĩ Đoàn văn công liên khu 5 về làng biểu diễn, vận động nhân dân đứng lên đánh Mỹ. Những khúc hát làm mê đắm lòng người bởi làn điệu mượt mà, ngân nga trong đêm tối. Tiếng ca ấm áp, khích lệ lòng người, thúc giục thanh niên anh dũng đứng lên cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương: “Tiếng kèn kêu gọi, cả nước lặng nghe tiếng nói Bác Hồ/ Đi lên bảo vệ nước nhà/ Vì nền độc lập, tự do ta không lùi/ Nghe tiếng nói như lời ca Tổ quốc/ Giục lòng ta mau cất bước lên đường/ Đã làm con của quê hương/ Ngồi nhìn đất nước đau thương sao đành?... Anh ơi giặc Mỹ xâm lăng/ Non sông quằn quại cách ngăn đôi miền/ Còn gì cao đẹp thiêng liêng/ Bằng bao lớp trẻ thanh niên lên đường...”. Những lời ca đó thôi thúc thanh niên ngồi nghe đứng dậy giơ tay rồi bước lên ghi tên, ký vào sổ tòng quân. Giọng ca của bà Thương như chắp cánh bay cao khi được các văn công trong đoàn tận tình chỉ bảo.

Quê hương thanh bình, bà Thương cần mẫn cuốc xới, vun trồng trên những thửa đất bạc màu kiếm khoai, sắn nuôi con khi chồng sớm từ giã cõi đời. Lúc nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc bà lại ngân nga ca hát. Và, bài chòi làm vơi đi nỗi nhọc nhằn, cho đời thêm tươi vui giữa nhân gian bận bịu. “Tôi mê bài chòi lắm. Cứ rảnh rỗi là hát, bất kể đêm ngày. Hát đến lúc buồn ngủ quá mới thôi. Hiện giờ, tôi đang tập hát cho ba cháu nhỏ trong xóm. Mỗi tuần chỉ tập cho các cháu một tiếng đồng hồ vào tối chủ nhật. Lúc gần thi thì cho các cháu nghỉ để ôn thi. Vì nhỏ tuổi nên hơi chưa được dài, giọng còn yếu, nhưng thấy các cháu yêu thích bài chòi là tôi vui lắm”, bà Thương tâm sự.

Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ phường Phổ Thạnh,
TX.Đức Phổ NGUYỄN THỊ DIỄM KIỀU

Con chữ lưu giữ bài chòi

Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe chuyện bà Thương không biết chữ lẫn nhạc lý, nhưng sáng tác nhiều khúc hát bài chòi. Con chữ đến với bà muộn mằn bởi bom đạn chiến tranh tàn phá xóm làng. Ngày ấy, quân Mỹ đóng đồn ở Sa Huỳnh và tàu chiến ngoài biển thường nã pháo vào làng gây bao cảnh đau thương. Trẻ thơ chân tay líu ríu chui vào hầm tránh pháo thay cho cảnh tung tăng cắp sách đến trường. Tiếng ê a đánh vần con chữ trên lớp chỉ trong chốc lát rồi vội tìm nơi lẩn tránh bom đạn. Con đường đến trường của bà đành đứt đoạn trong nuối tiếc. Thương cô bé hiếu học, nhưng không thể đến lớp, người anh trong xóm cầm tay viết chữ nguệch ngoạc trên nền đất nâu lẫn cát vàng. Rồi, con chữ nhạt nhòa theo năm tháng khi người anh đi xa.

Bao nhọc nhằn lẫn hiểm nguy vẫn không làm nguội lạnh niềm đam mê bài chòi trong lòng người phụ nữ đã qua bên kia dốc cuộc đời. Bà vẫn cất lời ca và mày mò sáng tác những khúc hát diễn tả cảnh làng quê, làm nông hay đi biển, khuyên mọi người sống yêu thương nhau... Ngặt nỗi, vì không biết chữ nên việc phổ biến và lưu giữ những “đứa con tinh thần” hết sức khó khăn, dễ chìm vào quên lãng. Thế là bà quyết tâm học chữ với đôi tay lóng ngóng cầm bút tập viết hết sức khổ sở. Nhưng “có chí thì nên”, bà tự nhủ lòng như thế. Con chữ dần hiện rõ sau nhiều ngày miệt mài với những nét ngoằn ngoèo như giun bò trên giấy. Những lời ca sau cả đêm trằn trọc nghĩ suy được ghi lại trên giấy trước khi đến người nghe. “Con Thương giỏi thiệt, không biết chữ nhưng sáng tác được bài chòi. Hiếm có người được như nó lắm đấy”, cụ Võ Xết bày tỏ.

Bà Thương như “tuyên truyền viên”, với những sáng tác kêu gọi người dân thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, xây dựng nếp sống mới... nơi làng quê. Ngày nọ, một doanh nhân tìm đến nhà vận động bà tham gia mô hình du lịch cộng đồng. Sợ những người lắm tiền gom đất xây dựng khu du lịch làm đảo lộn cuộc sống, nên bà thẳng thừng từ chối. Vị doanh nhân này mời người dân tham quan mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Cù Lao Chàm, TP.Hội An (Quảng Nam). Bà lân la hỏi chuyện và hiểu rõ lợi ích mô hình du lịch cộng đồng mang lại cho những người bao năm khốn khó mưu sinh.

Trở về, bà Thương viết những ca từ mộc mạc khuyến khích người dân gia nhập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ: “...Rồi đây khu du lịch nó đứng đầu/ Khách đi qua lại ngày sau ta vững bền/ Ông già bà lão đứng lên/ Xây dựng cuộc sống vững bền cho các con...”. Du khách đến đây hào hứng với câu ca gọi mời: “Đi về Gò Cỏ mà chơi/ Nghe tiếng chim hót líu lo trên đường/ Khách đi giữa đất quê hương/ Thấm tình nặng nghĩa mến thương cho đồng bào...”.

Tôi rời xóm Cỏ khi hoàng hôn dần buông xuống. Khung cảnh làng quê bên núi đồi và biển cả đẹp tựa tranh vẽ. Cây lá đùa vui với gió và sóng thì thầm khúc hát ngàn năm. Cảnh vật và thanh âm quê hương nuôi dưỡng đam mê để người phụ nữ sắp vào tuổi thất tuần ngân nga làn điệu bài chòi cho đời thêm tươi vui.

Hội Bài chòi - hát hố Gò Cỏ được thành lập vào tháng 5.2020, với 23 thành viên. Thi thoảng, hội được mời biểu diễn bài chòi cho du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa nơi miền biển xanh - cát vàng. Bà Thương sáng tác nhiều khúc hát bài chòi rồi “đưa cho các cháu đánh máy và in ra giấy” trước khi giao cho hội viên luyện tập và biểu diễn. Chủ tịch Hội Bài chòi - hát hố Gò Cỏ Bùi Thị Sen cho biết: “Chị Thương sáng tác hay lắm, nhưng chữ viết xấu, rất khó đọc. Vậy nên, phải đưa các cháu đánh máy lại rồi mới hát được”.

TRANG THY

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/202105/ky-nhan-bai-choi-3055724/