Kỷ nguyên Joe Biden: Những thách thức và cơ hội đối với Đông Nam Á

Ông Joe Biden đã được truyền thông Mỹ xướng tên là Tổng thống đắc cử. Điều này đã mang lại 'tiếng thở phào nhẹ nhõm' trên khắp khu vực Đông Nam Á sau 4 năm việc hoạch định chính sách của chính quyền Donald Trump ở khu vực châu Á đã làm gia tăng những căng thẳng địa chính trị, dẫn đến những mức độ bất trắc chưa từng có và sự thiếu tin tưởng trong các mối quan hệ của khu vực này với Washington.

Bất chấp những dấu hiệu ban đầu cho thấy những ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền mới là vấn đề biến đổi khí hậu và hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, chính quyền Biden sẽ coi châu Á là tuyến đầu mới trong cuộc đấu giành ưu thế với đối thủ Trung Quốc. Chiến lược của chính quyền Biden có thể khiến các chính phủ ở Đông Nam Á phải chọn bên và làm cho mọi cuộc gặp song phương giữa họ với các quan chức Mỹ hay Trung Quốc đều liên quan đến việc đứng về bên nào. Cũng giống như phương thức can dự đã tác động đến hòa bình và an ninh khu vực trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh hồi những năm 1950, phương thức này đang diễn ra tương tự hiện nay. Một rủi ro khác, ít rõ ràng hơn, là hỗ trợ ủy nhiệm trong các cuộc xung đột nội bộ của khu vực, một xu hướng đã làm phức tạp đáng kể bức tranh xung đột ở khu vực Trung Đông.

Đấu trường chính cho xung đột ủy nhiệm đang nổi lên ở biển Đông, hiện là tâm điểm lo ngại của các quốc gia Đông Nam Á ven biển - chủ yếu là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Những động lực của cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) vốn diễn ra chậm chạp giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã bị ngăn lại bởi sự can thiệp của Mỹ. Hải quân Mỹ đã tăng cường các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở khu vực biển đang có tranh chấp này.

Ông Biden sẽ tác động nhiều đến chính sách của các nước Đông Nam Á. Ảnh tư liệu

Ông Biden sẽ tác động nhiều đến chính sách của các nước Đông Nam Á. Ảnh tư liệu

Vấn đề tương tự dường như liên quan đến tiểu vùng sông Mekong, nơi các cơ chế đa phương của Trung Quốc đối với việc quản lý các nguồn nước trên sông Mekong, còn gọi là Diễn đàn Hợp tác Lan Thương-Mekong, đã có động lực và gây phương hại cho các tổ chức được phương Tây tài trợ trước đây, như Ủy hội sông Mekong. Trong hai năm qua, Washington đã phát đi tín hiệu muốn gây ảnh hưởng hơn đối với các tổ chức này để chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở tiểu vùng sông Mekong.

Các cuộc xung đột giữa các quốc gia nhỏ ở khu vực Đông Nam Á cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc cạnh tranh địa chính trị đang nổi lên. Những xung đột nhỏ hay đang “ngủ đông” ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ dọc biên giới của Myanmar đã được tiếp thêm sinh lực trong những tháng gần đây sau căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalaya.

Trong khi đó, những nỗ lực của các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực đàm phán của chính phủ Myanmar để chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài với các cộng đồng sắc tộc thiểu số như Shan, Kachin và Karen đã bị Trung Quốc cản trở. Bắc Kinh coi những khu vực dọc biên giới Trung Quốc-Myanmar, nơi có nhiều đội quân sắc tộc này đặt căn cứ và hoạt động, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tầm với chiến lược của Trung Quốc vào khu vực. Một kịch bản về sự hỗ trợ ủy nhiệm cho cuộc xung đột nội bộ ở Myanmar có thể liên quan đến việc Trung Quốc sử dụng các mối quan hệ không chính thức với các nhóm sắc tộc vũ trang, coi đó như một sự bảo đảm chống lại khả năng Myanmar trở lại quỹ đạo của phương Tây.

Rủi ro thứ ba và có lẽ ít “sát sườn” hơn là các nước lớn có thể can dự vào các cuộc chuyển tiếp dân chủ mà sẽ đem lại các kết quả chính trị trong nước có lợi cho họ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tham gia việc lật đổ các chính quyền không phù hợp với chính sách chống Cộng của mình. Hành động này đã dẫn đến sự bất ổn và biến động chính trị ở Indonesia, Campuchia, Thái Lan. Điều này không có khả năng xảy ra hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc đã cho thấy xu hướng đưa ra bình luận về những mâu thuẫn nội bộ ở Campuchia và Thái Lan, bất chấp lập trường mạnh mẽ của Bắc Kinh tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Một lĩnh vực nổi rõ sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ với Trung Quốc là đầu tư và trợ giúp tài chính cho khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng sản xuất vắc-xin phòng Covid-19, hiện được thử nghiệm ở Indonesia, cho tất cả các nước ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Mỹ đã bắt đầu viện trợ và tài trợ phát triển nhiều hơn cho các nước như Indonesia để giúp họ vượt qua sự suy giảm mạnh về kinh tế do dịch bệnh Covid-19. Nhìn chung, sự cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng và gay gắt hơn sẽ gây căng thẳng cho ASEAN.

Trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á đánh giá cao thái độ cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc nhằm tạo ra một sự cân bằng địa chính trị, song họ không muốn bị coi là đang tích cực chống lại sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều này là do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là láng giềng gần nhất của khu vực.

Vậy ASEAN nên làm gì trong kỷ nguyên Biden? Việc lôi kéo cả hai siêu cường vào một cuộc đối thoại về việc thay thế cuộc cạnh tranh giành ưu thế bằng một tầm nhìn chung về an ninh và sự thịnh vượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương là điều có ý nghĩa, mặc dù cả Bắc Kinh và Washington đều không muốn nói chuyện với nhau tại các diễn đàn đa phương. Tuy nhiên, hy vọng tốt nhất của ASEAN để giảm nhẹ tác động từ cạnh tranh Mỹ-Trung là khẳng định lại và tăng cường lập trường trung lập và không liên kết của khối. Chiến lược này khẳng định ý thức hệ riêng của ASEAN, được thể hiện trong ý tưởng về một Khu vực tự do hòa bình và trung lập, và được đưa ra trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-nguyen-joe-biden-nhung-thach-thuc-va-co-hoi-doi-voi-dong-nam-a-218584.html