Kỷ nguyên 4.0, xóa sổ học bạ giấy được không?

Được dán học bạ là hạnh phúc lắm rồi. Đây, in ra rồi ngồi chép lại vô học bạ giấy. Cái vụ ngồi chép mới căng, sai một tí là phải thay học bạ mới.

Bài viết “Ám ảnh học bạ cát, dán thời 0.4” của tác giả Phan Tuyết đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 19/5 đã nhận được sự đồng tình rất lớn của các thầy cô giáo khắp cả 3 miền đất nước.

Những cuốn học bạ viết kín chữ (Ảnh P.T)

Những cuốn học bạ viết kín chữ (Ảnh P.T)

Cứ vào các trang diễn đàn về giáo dục, các hội nhóm kín hay công khai của giáo viên chúng ta sẽ thấy hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận của các nhà giáo để thấy được những phản ánh của tác giả trong bài viết còn quá nhẹ so với thực tế những gì giáo viên đang phải làm với học bạ thời 4.0.

Làm học bạ trên hệ thống, được in ra, cắt dán là sướng quá rồi

Học bạ được làm trên phần mềm, nhiều trường học buộc giáo viên in ra, cắt và dán vào cuốn học bạ giấy. Chuyện buồn cười khó tin khi chúng ta cứ liên tục kêu gọi phải ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục.

Tuy thế, vẫn có nhiều giáo viên cho rằng làm như thế vẫn còn sướng hơn quy định nơi địa phương của họ. Giáo viên làm bạ xong trên phần mềm vẫn phải làm tiếp vào học bạ giấy bằng cách viết tay.

Cô giáo Trần Phương Thảo chia sẻ: “Được dán học bạ là hạnh phúc lắm rồi. Đây, in ra rồi ngồi chép lại vô học bạ giấy. Cái vụ ngồi chép nó mới căng não, sai phát là phải thay học bạ mới.

Lớp 3 thì chỉ liên quan tới lớp 2, còn lớp 4 mà sai thì phải lọ mọ đi xin cả lớp 1 nó viết lại giùm. Mà thiệt, cô viết rồi cô đọc, học sinh có được đọc đâu”.

Lại có địa phương, cùng lúc phải làm học bạ vào cả 2 phần mềm Vnedu và Smas nhiều giáo viên thắc mắc mà không hiểu làm thế để làm gì nữa?

Ám ảnh khi phải viết tay học bạ

Làm học bạ giấy, không đơn giản chỉ là ghi tên trường, lớp, sức khỏe, ngày nghỉ học, vắng học, thành tích, lên lớp, ở lại, điểm số đạt được… mà phải nhận xét cho gần chục môn học, hàng chục năng lực, phẩm chất…

Bạn Nguyễn Hoài cho biết: “Ghi học bạ là nỗi sợ hãi của giáo viên. Vất vả, đau đầu nhưng xong rồi lại vứt vào tủ tới 5 năm sau”.

Bạn Phương Lê thắc mắc: “Vô lí nhất là làm học bạ mà chỉ có giáo viên xem. Hết cấp tiểu học mới trả về cho học sinh đọc. Lúc đó, những gì động viên hay khen ngợi đã không còn tác dụng nữa rồi”.

Bạn Trần Thị Quỳnh Nga thì: “Bộ môn như mình 23 lớp, trung bình 1 lớp 40 đến 45 em. Tính ra ghi hơn 1 nghìn cuốn học bạ, thấy sợ và hãi thực sự”.

Bạn Nguyễn Kim Hưng: “Viết nhầm một nét cũng phải thay. Hiện giờ thay 4 quyển rồi mà 15k/quyển làm xong cất kín vào tủ, hết lớp 5 trả cho học sinh. Học sinh lên lớp 6 có học bạ khác cũng không dùng gì đến nó nữa. Vậy là học bạ luôn luôn nằm trong tủ”.

Bạn Hoa Hồng Nhung: “Mình viết cũng 40 quyển, tự viết rồi tự đọc luôn chán nản, đã vậy còn làm trên phần mềm nữa chứ. Mỏi hết cả tay, đau hết cái lưng, mờ hết cả mắt”.

Bạn Ánh Hồng: “Lớp mình 45 quyển học bạ, 45 quyển sổ liên lạc, rồi phần mềm cơ sở dữ liệu, phần mềm Smas, thêm 2 quyển sổ tổng hợp đánh giá kết quả học tập của học sinh và 1 quyển sổ chủ nhiệm, làm cả tuần mờ mắt chưa xong”.

Hỏi bất kỳ giáo viên nào đang làm học bạ vẫn sẽ nghe những lời ca thán như thế vì tất cả đều giống nhau như một khuôn đúc.

Vậy, có cách nào giảm những công việc vô bổ này không?

Sinh ra các phần mềm quản lý trường học, quản lý học sinh để làm gì? Hãy nghe người đại diện của phần mềm quản lý trường học Vnedu.

Theo đại diện Trung tâm Kinh doanh VNPT - Khánh Hòa, đối với nhà trường, lợi ích của vnedu là giúp hình thành cách thức quản lý mới, khoa học;

Giảm bớt công việc thủ công, các thủ tục hành chính trong quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc.

Với vnedu, việc tính toán, tổng hợp số học lực, hạnh kiểm… được hệ thống thực hiện tự động tuân theo các quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành nên tránh được sai sót do việc tính toán thủ công;

Các số liệu báo cáo được hệ thống cung cấp một cách nhanh chóng, chính xác. Hệ thống vnedu còn tích hợp các mẫu báo cáo thống kê EMIS theo các giai đoạn của năm học, các mẫu báo cáo về hồ sơ và điểm của học sinh tương thích với phân hệ quản lý học sinh VEMIS và quản lý điểm.

Nhà trường có thể chủ động trong việc in ấn một số mẫu sổ gọi tên và ghi điểm, mẫu sổ theo dõi và đánh giá học sinh tiểu học…;

Vnedu tiện ích như thế nhưng nhiều trường công lập hiện nay chưa tận dụng hết những công dụng của nó. Thống kê số liệu, vào học bạ, nhận xét học sinh trên hệ thống nhưng nhiều nhà quản lý địa phương vẫn bắt giáo viên in ra giấy kẹp vào hồ sơ, buộc giáo viên vừa làm học bạ trên hệ thống vừa phải viết tay ngoài giấy.

Cách làm này không giảm công việc như Vnedu mang lại mà còn tác dụng ngược là tăng thêm việc làm cho giáo viên. Vì thế, nhiều thầy cô ngán ngẩm và không mặn mà với việc làm trên phần mềm.

Cách nào thay thế học bạ giấy?

Vừa làm học bạ trên phần mềm, vừa buộc viết tay học bạ giấy là điều hết sức vô lý trong thời đại 4.0 hiện nay.

Bạn Nguyễn Tuyết đưa ra giải pháp: “Đâu cần phải cắt dán? Lớp 1 in bìa và trang học bạ hiệu trưởng ký duyệt xong, giáo viên ghim lại. Các năm sau làm như lớp 1 và hết 5 năm học, giáo viên dạy lớp 5 đóng quyển là xong. Có gì phức tạp đâu?”

Bạn Nguyễn thanh Bình nêu đề xuất: “Theo tôi thiết nghĩ, học bạ của học sinh nên làm học bạ điện tử dễ chỉnh sửa, kiểm tra, in ấn.

Cuối cấp in màu đóng quyển. Còn chữ kí điện tử đã được đăng kí và sử dụng. Trang cuối học bạ nên có 1 mặt để xác nhận chỉnh sửa, bàn giao năm trước năm sau của giáo viên chủ nhiệm lớp.

Trường hợp học sinh chuyển trường chỉ cần in ra, bấm lại và đóng dấu giáp lai là xong”.

Nỗi vất vả của giáo viên khi cùng lúc vừa phải làm học bạ trên hệ thống, vừa phải viết tay học bạ giấy, đã thế những lời phê của giáo viên cũng chỉ thầy cô viết thầy cô đọc đã thấy rõ.

Những nổi niềm của giáo viên trong bài viết, hy vọng sẽ đến được những người có thẩm quyền để sử dụng triệt để phần mềm quản lý thật sự sẽ giảm bớt công việc thủ công, các thủ tục hành chính trong quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc chứ không phải tăng việc, gây áp lực mà hiệu quả lại quá thấp như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

https://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/201709/nhieu-tien-ich-tu-mang-giao-duc-viet-nam-vnedu-8054161

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ky-nguyen-4-0-xoa-so-hoc-ba-giay-duoc-khong-post218018.gd