Kỳ nghỉ trong thành phố

Thời điểm bận rộn và tốn kém nhất trong năm ở châu Âu đang tới: tháng 12 vừa đón Giáng sinh vừa mừng năm mới. Chuẩn bị cho kỳ nghỉ này, người gốc Việt tại đây không chỉ đắn đo quanh chuyện kinh phí mà còn băn khoăn đi đâu cho an toàn, nhẹ nhàng.

Trong ga tàu điện ngầm ở Paris (Pháp), tôi loay hoay chưa biết quẹt mặt nào của thẻ vào máy soát vé tự động. Bỗng rầm rầm, hai viên cảnh sát lao lên phía trước, đu người đạp mạnh vào cánh cổng chặn nơi soát vé. Lại rầm! Họ bẻ quặt tay người đàn ông ngay trước tôi, áp vào tường. Hành khách lao xao một chút, bảo nhau “Lại nghi khủng bố ấy mà”, rồi tiếp tục hòa vào dòng chảy nhịp sống hàng ngày. Biết tôi định đưa con đi Disneyland Paris chơi, cô bạn tên Mai sống ở vùng ngoại ô Paris lắc đầu: “Thà chị chọn một nơi yên tĩnh ở Bỉ, thuê cái nhà có vườn, có bể bơi cho tụi nhỏ vui chơi, chạy nhảy thoải mái còn hơn đi Disneyland, vừa đông vừa đắt”.

Mai nói chẳng sai. Hỏi thêm bạn bè gốc Việt đang ở Pháp, chẳng mấy ai chịu dắt con đi Disneyland. Còn người ở xa không biết, cứ cắm đầu cắm cổ móc hầu bao và kiên nhẫn xếp hàng cả tiếng đồng hồ chờ đến lượt để chơi một trò. Giang, một du học sinh Việt ở Hà Lan tuần trước cũng nhắn tin cho tôi kể chuyện tranh thủ thi xong học kỳ, lên xe buýt đi chơi Disneyland. “Cháu bỏ ra 80 EUR mua vé chơi cả hai công viên trong đó. Nhưng chỉ kịp chơi một công viên đã hết giờ. Biết thế mua vé vào một công viên thôi”, Giang tiếc rẻ.

Đi Paris thời điểm này mới thấy hơi thở gấp nóng của những nỗ lực ngăn chặn khủng bố, mong một mùa Giáng sinh thực sự an lành sắp đến. Mai mới đón bố mẹ từ Việt Nam sang chơi. Như thường lệ, cô đưa bố mẹ vào thang máy leo tháp Eiffel, nhưng lần này từ trên cao nhìn xuống cô chứng kiến ngay cảnh bên dưới đang phong tỏa hết đường sá, chắc nghi khủng bố. Chừng một tiếng sau khi kiểm tra, thấy không vấn đề gì, cảnh sát mới mở lại đường. Gần đây, khách du lịch tại Pháp còn truyền tai nhau chuyện bọn cướp nhảy vào một xe buýt chở khách châu Á, xịt khói cay xè. Ai cũng nghĩ gặp khủng bố rồi. Lúc hoàn hồn cũng là lúc khói tan. Mọi người mừng phát khóc vì không ai bị làm sao. Nhưng toàn bộ túi xách hàng hiệu vừa sắm trong chuyến đi đã biến mất.

Các thành phố lớn ở châu Âu bây giờ không dành cho người yếu bóng vía. Ngay ở các nước Bắc Âu vốn được xếp hạng an toàn nhất, đáng sống bậc nhất thế giới, tinh thần cảnh giác của người dân nơi đây cũng rất cao độ. Trước khi tôi mua vé tàu từ Copenhagen (Đan Mạch) sang thành phố Malmo (Thụy Điển), anh bạn đang sống tại Thụy Điển dặn: “Nhớ mang đầy đủ giấy tờ, bây giờ không chỉ đi máy bay mà xuống ga tàu người ta cũng kiểm tra kỹ lắm”. Cũng tại Copenhagen, một bạn gốc Việt khác kể: “Hôm ấy 10 giờ đêm, đang chờ tàu về thì nghe bùm bùm bùm. Biết quanh đây thường bắn pháo hoa cuối tuần, nhưng hôm nay mới đầu tuần. Nghi quá. Quay ra thấy người vừa ngồi cạnh co cẳng vừa chạy vừa hét: “Bom đấy, khủng bố đấy! Chạy đi!”. May có người khác trấn an: “Cổ động viên ăn mừng thắng bóng đá đấy mà”.

Tuy vậy, tôi vẫn đưa các con đi Disneyland Paris, vẫn kiên nhẫn bế con trên tay hàng tiếng đồng hồ để được ngồi trong chiếc thuyền, bay vào bầu trời đêm đầy sao trong thế giới của Peter Pan. Chúng tôi cũng vẫn đến Nhà thờ Đức Bà, bẻ bánh mì cho bồ câu ăn và ngồi ngắm kim tự tháp bằng kính trước Bảo tàng Louvre rực sáng ánh đèn đêm. Ở Paris, thời gian chỉ còn tính bằng phút. Quá nửa đêm, sương xuống buốt lạnh, tôi lê đôi chân rã rời cùng đàn con nhỏ vừa đi vừa ngủ gật về đến nhà trọ của người gốc Việt. Hàng quán đã đóng cửa, tôi chẳng còn sức lết ra siêu thị đêm. Chợt thấy mấy gói mì tôm đặt sẵn trên kệ bếp. Ấm đun nước chẳng mấy chốc lập cập sôi. Mùi mì thơm tỏa khắp phòng. Ngả sofa ở phòng khách ra đã thành giường ấm. Hồi tỉnh. Tôi lại bắt đầu lên kế hoạch cho kỳ nghỉ năm mới. Đi là sống

LÂM VĂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ky-nghi-trong-thanh-pho-483216.html