Kỳ nghỉ đông Premier League có giúp tuyển Anh vô địch Euro?

Kỳ nghỉ giữa mùa đầu tiên trong lịch sử Premier League được kỳ vọng đem lại hiệu ứng tích cực, nhưng nhiều vấn đề của bóng đá Anh vẫn còn đó.

Kỳ nghỉ đông (winter break) không phải khái niệm xa lạ với các nền bóng đá khác ở châu Âu. Với người Anh, đây có thể là thay đổi mang tính bước ngoặt trong tư tưởng và cách làm bóng đá.

 Premier League có kỳ nghỉ đông đầu tiên trong lịch sử. Ảnh: Getty.

Premier League có kỳ nghỉ đông đầu tiên trong lịch sử. Ảnh: Getty.

Cuộc cách mạng nửa vời của Premier League?

Lần đầu tiên trong lịch sử Premier League xuất hiện cái gọi là kỳ nghỉ đông. Tháng 6/2018, áp lực từ cầu thủ và HLV dẫn tới việc ban tổ chức Premier League phải chính thức đưa ra một kỳ nghỉ giữa mùa cho giải đấu.

Trong tuần đầu tiên của tháng 2, 12 CLB Premier League sẽ được nghỉ trong một vòng đấu. 8 CLB khác vẫn chơi 4 trận của vòng 25, sau đó được nghỉ bù vào tuần sau. Thay đổi này nhằm tránh tình trạng vắng sóng Premier League trên truyền hình, để bảo đảm quyền lợi của các đài truyền hình mua bản quyền giải đấu.

Thực tế ngoại trừ Premier League, các giải đấu khác của bóng đá Anh vẫn giữ guồng quay hối hả và liên tục như mọi năm. Giải hạng Nhất Anh (Championship) cùng nhiều giải đấu hạng dưới vẫn diễn ra bình thường.

Thậm chí với các đội phải chơi trận đá lại FA Cup như Tottenham, thời gian nghỉ thực tế của họ bị rút ngắn xuống còn 9 ngày, ít hơn nhiều so với các đối thủ (Manchester United hay Chelsea có tới 15 ngày nghỉ).

FourFourTwo đặt câu hỏi đây liệu có đúng là kỳ nghỉ đông, hay thực tế nó chỉ là một quãng nghỉ được thiết kế để làm hài lòng CLB, cầu thủ, HLV và quan trọng nhất, là các đài truyền hình. Một kỳ nghỉ nửa vời để khiến các bên xoa tay hài lòng chăng?

Nguồn lợi nhuận khổng lồ tiền bản quyền truyền hình mà Premier League đem lại nhiều năm qua khiến ban tổ chức giải đấu phải cho các CLB thi đấu luân phiên trong quãng thời gian được gọi là "kỳ nghỉ đông". Ở các giải đấu hàng đầu khác như La Liga hay Bundesliga, không có kỳ nghỉ vá víu kiểu như vậy.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, việc ban tổ chức Premier League chấp nhận mất đi một phần quyền lợi thương mại để cho các CLB có kỳ nghỉ đông, cho thấy nỗ lực của họ.

Bên cạnh yếu tố truyền hình, văn hóa bóng đá Anh từ xưa nay không có chỗ cho "kỳ nghỉ đông", khi mà các CĐV coi môn thể thao vua là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống.

Daily Mail bình luận muộn còn hơn không, Premier League cần một kỳ nghỉ, bất chấp nó có phải là kỳ nghỉ đông đúng nghĩa như các giải đấu khác hay không.

Liverpool và Tottenham là hai đội không được hưởng lợi nhiều từ kỳ nghỉ này. Ảnh: Getty.

Các CLB có thật sự được hưởng lợi?

Cựu cầu thủ Arsenal, Martin Keown cho rằng kỳ nghỉ vào tháng 2 có thể là hơi trễ, nhưng vẫn là bước ngoặt mang tính cách mạng cho nền bóng đá.

Theo Keown, Premier League nên lùi kỳ nghỉ lại vào tháng một, thời điểm La Liga, Bundesliga hay nhiều giải đấu lớn khác của châu Âu đều nghỉ. Đó là thời điểm lý tưởng để các cầu thủ "sạc pin" về mặt tinh thần lẫn thể chất, để chuẩn bị cho phần còn lại của mùa giải.

Dẫu vậy, một kỳ nghỉ trong mùa giải luôn có ích với cầu thủ và đội bóng. "Họ cần nghỉ ngơi, về cả thể chất lẫn tinh thần", HLV Juergen Klopp khẳng định.

Sau 5 năm làm việc ở Anh, HLV người Đức thấu hiểu được sự khốc liệt của nền bóng đá này. "Tôi thật sự nghĩ không tốt chút nào khi lúc nào bật tivi lên cũng thấy bóng đá", HLV Klopp nói hồi đầu năm mới, trong giai đoạn Liverpool phải đá liên tục 2-3 ngày/trận.

Lời phát biểu theo kiểu "xem bóng đá nhiều cũng không tốt" của Klopp có thể mang hàm ý, nếu việc các trận đấu diễn ra liên tục còn không tốt cho người ngồi nhà xem tivi, thì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới cầu thủ như thế nào? "Các cầu thủ cũng có gia đình của họ chứ", HLV Klopp kết luận.

Hai đội được hưởng lợi nhiều nhất trong kỳ nghỉ đông của Premier League là Chelsea và Manchester United. Với việc cả hai sẽ chơi trận đấu muộn nhất của vòng 26 Ngoại hạng Anh vào ngày 18/2, hai đội này có tới 15 ngày nghỉ, nhiều nhất giải đấu.

Việc hưởng lợi lớn từ kỳ nghỉ giúp HLV Ole Solskjaer lên nhiều phương án tập luyện. Ông chia kỳ nghỉ làm 2 phần, giai đoạn đầu cho các cầu thủ xả hơi cùng gia đình, giai đoạn sau cho đội tập trung ở Marbella (Tây Ban Nha) để rèn chiến thuật. Vài CLB lớn khác như Arsenal hay Man City đi xa hơn, đến UAE để tập huấn.

Vẫn có một số đội bóng cảm thấy không hài lòng về kỳ nghỉ đông. Tiêu biểu trong số đó là Tottenham Hotspur. Đội bóng của HLV Jose Mourinho thực tế chỉ có 9 ngày nghỉ, do phải đấu lại ở FA Cup. Chưa dừng lại ở đó, sau khi trở lại Premier League vào ngày 16/2, "Gà trống" sẽ phải chơi trên sân khách ở vòng 16 đội Champions League chỉ 4 ngày sau đó.

HLV Mourinho không ngần ngại khẳng định "đây chẳng giống kỳ nghỉ đông gì cả, đặc biệt nếu bạn tính đến việc phải chơi ở Champions League". HLV Mourinho tin Tottenham nên được chơi trong giai đoạn đầu của kỳ nghỉ, và xả hơi bù sau đó để chuẩn bị cho vòng 16 đội Champions League.

Giống Tottenham, Liverpool cũng là một đội bóng khác rơi vào tình cảnh này. Điều này dẫn đến việc HLV Klopp quyết sử dụng đội trẻ cho trận đá lại ở FA Cup, để đội 1 có thể nghỉ hoàn toàn. 3 ngày sau khi trở lại Premier League, Liverpool sẽ gặp Atletico Madrid.

Điều này cho thấy kỳ nghỉ đông đầu tiên của Premier League vẫn tồn tại bất cấp và chưa thật sự giúp ích cho các CLB Anh thi đấu ở Champions League.

HLV Southgate không hy vọng nhiều ở kỳ nghỉ đông. Ảnh: Getty.

Tuyển Anh có nhiều cơ hội hơn ở Euro?

LĐBĐ Anh (FA) khẳng định kỳ nghỉ đông vào tháng 2 sẽ giúp ích nhiều cho ĐTQG. Nhiều chuyên gia Anh cũng nhận định kỳ nghỉ đông này sẽ có tác động lớn đến công tác chuẩn bị của tuyển Anh ở Euro 2020.

Cựu HLV tuyển Anh, Roy Hodgson tin trong quá khứ, "Tam sư" luôn thất thế hơn so với các ĐTQG khác vì không có kỳ nghỉ giữa mùa. "Họ thường mệt mỏi hơn các cầu thủ châu Âu hay Nam Mỹ khác", Hodgson nói. "Có quá nhiều chấn thương cơ bắp xảy ra, khi các cầu thủ phải chơi với mật độ liên tục 2-3 trận trong 6 ngày".

Trong quá khứ, hai HLV Sven-Goran Eriksson và Fabio Capello cũng từng nhiều lần yêu cầu có kỳ nghỉ giữa mùa, trong giai đoạn họ nắm quyền ở tuyển Anh.

Tuy nhiên, HLV Gareth Southgate lại có quan điểm khác. Ông cho rằng kỳ nghỉ giữa mùa không thật sự đem lại khác biệt lớn. Southgate nhắc lại kỳ Euro 1996, nơi tuyển Anh vào tới bán kết. Khi đó không ai đặt ra câu hỏi về kỳ nghỉ đông.

Với Pep Guardiola, HLV này đòi hỏi một thay đổi mang tính sâu rộng hơn, sau khi chứng kiến Harry Kane và Marcus Rashford gặp chấn thương nặng từ tháng 1, nhiều khả năng không hồi phục kịp cho Euro 2020.

Cơ hội của tuyển Anh ở Euro thậm chí suy giảm từ trước kỳ nghỉ đông, khi hai chân sút chủ lực Kane và Rashford chấn thương nặng. Pep tuyên bố ông không ngạc nhiên trước tình trạng của hai cầu thủ người Anh. "Mọi chuyện đã được dự báo từ trước", HLV người Tây Ban Nha nói.

"Quá nhiều trận đấu từ Boxing Day cho đến đầu năm mới. Năm nào cũng thế, khi cơ thể cầu thủ đạt tới giới hạn, nó sẽ ngừng hoạt động. Tôi cho rằng cần có ít trận đấu hơn, cường độ ít hơn", Pep phân tích.

Theo quan điểm của Pep Guardiola, bóng đá Anh cần thay đổi từ gốc, tức là giảm bớt các trận đấu trong cả một mùa giải, chứ không hẳn chỉ là nghỉ một vòng Premier League giữa mùa cho giống kỳ nghỉ đông.

Kỳ nghỉ đông 2020 của Premier League rõ ràng vẫn mang chút gợn, với mục đích thật sự dường như chỉ để chữa cháy và làm hài lòng các bên. Những vấn đề của nền bóng đá xứ sở sương mù vẫn còn đó.

Với những gì đang xảy ra, thật khó để tin rằng kỳ nghỉ lần này có thể đem lại nhiều tác động tích cực cho các CLB lẫn ĐTQG Anh. Các nhà lãnh đạo của bóng đá Anh cần làm nhiều hơn thế.

Bàn thắng ở sát đường biên ngang của cựu sao Premier League Sáng 6/2 (giờ Hà Nội), cựu cầu thủ West Ham Dimitri Payet ghi bàn mở tỷ số ở góc khó tin trong trận Marseille thắng Saint-Etienne 2-0 tại vòng 23 Ligue 1.

Hồng An

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ky-nghi-dong-premier-league-co-giup-tuyen-anh-vo-dich-euro-post1044815.html