Kỳ mưu 'giả dương hành âm' được sắp đặt suốt 10 năm giúp An Lộc Sơn đại phá nhà Đường

'Giả dương hành âm' tức là dùng hành động công khai để che giấu những hành vi, ý đồ kín đáo, đó là một trong những phương pháp đánh lừa kẻ khác không những người xưa hay dùng mà ngay cả thời nay vẫn nhiều khi hữu dụng...

Lời nói dối mê hoặc

Trong lịch sử Trung Hoa, có một sự kiện tưởng như rất vô lý nhưng thực tế đã xảy ra: Tháng 6/756, viên loạn tướng thời nhà Đường là An Lộc Sơn dễ dàng chiếm được Tây kinh Trường An, khiến nhà Đường từ đỉnh cao cường thịnh rơi xuống vực sâu suy bại.

Hình ảnh An Lộc Sơn được dựng lại trong một bộ phim.

Hình ảnh An Lộc Sơn được dựng lại trong một bộ phim.

Đế quốc đại Đường đang ở giai đoạn cường thịnh nhất, với 80 vạn hùng binh, hàng loạt tướng lĩnh trung thành sẵn sàng xả thân nơi chiến trường, nhưng một An Lộc Sơn nhỏ bé chỉ có gần 20 vạn quân trong chớp mắt lại đánh chiếm được hai kinh đô nhà Đường, buộc Đường Huyền Tông phải bỏ chạy. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do An Lộc Sơn đã vận dụng thành công mưu kế “Giả dương hành âm, thừa sơ kích giải”.

“Thừa sơ kích giải” tức là nhân lúc kẻ địch không ngờ tới để tấn công mạnh mẽ, làm cho chúng không kịp trở tay, thần trí rối loạn, mất khả năng kháng cự. Nhưng thông thường thì kẻ địch ít khi tê liệt, lỏng lẻo. Do đó trước khi tấn công mạnh mẽ luôn phải thông qua “giả dương hành âm” để mê hoặc đối phương, còn mình thì nuôi dưỡng chí khí.

“Dương” là công khai, “âm” là ngụy trang, ẩn nấp. Trước khi An Lộc Sơn tiến công, ông ta đã phải dùng một khoảng thời gian mất 10 năm để thực hiện kế “giả dương hành âm”. “Giả dương” là vờ tỏ ra thật thà, thẳng thắn, trung thành, để giành được lòng tin của Đường Huyền Tông.

Năm 743, An Lộc Sơn đã làm tới chức Binh Lư Tiết độ sứ, mỗi lần vào triều thường được Đường Huyền Tông tiếp kiến và có những ưu đãi đặc biệt. Ông ta đã thừa cơ dâng tấu: “Năm ngoái cả một vùng Doanh Châu bị sâu bọ tàn phá hoa màu thần đã thắp hương khấn trời: “Nếu thần không ngay thẳng, chính trực, trung thành với quân vương thì nguyện làm thức ăn cho sâu bọ, nếu không thì xin hãy đuổi hết lũ sâu bọ đi”.

Thần vừa khấn xong thì lập tức từng đàn từng đàn chim sà xuống, lũ sâu bọ không con nào thoát chết cả. Qua đó có thể thấy chỉ cần tấm lòng thành thì ông trời nhất định sẽ phù hộ”. Một lời nói dối vốn rất nực cười nhưng vì An Lộc Sơn giỏi xu nịnh nên Đường Huyền Tông lại tin là thật và càng cho là ông ta thật thà chân chất. Một lần đúng lúc có hoàng thái tử ở đó, Đường Huyền Tông lệnh cho hoàng thái tử gặp An. An cố ý không bái kiến.

Thị vệ trước điện quát hỏi: “An Lộc Sơn gặp điện hạ sao không bái?”. An vờ kinh ngạc: “Điện hạ là ai?”. Đường Huyền Tông mỉm cười: “Điện hạ tức là hoàng thái tử”. An trả lời: “Hạ thần không biết lễ nghi trong triều, thế hoàng thái tử là quan gì?”. Đường Huyền Tông cười phá lên: “Sau 100 năm nữa người lên ngôi hoàng đế kế vị trẫm thì gọi là hoàng thái tử”.

Lúc này An Lộc Sơn mới giả bộ như mới tỉnh ngộ ra: “Ngu thần chỉ biết có bệ hạ, không biết có hoàng thái tử, tội đáng muôn chết”. Đồng thời bái lạy hoàng thái tử. Đường Huyền Tông lại cảm thấy ông ta “thật thà, chất phác” hết lời khen ngợi. Năm 747, Huyền Tông mở tiệc, An Lộc Sơn tự mình ra múa điệu Hồ Toàn góp vui. Huyền Tông thấy ông ta bụng to như vậy mà vẫn có thể múa mới cười hỏi rằng: “Trong bụng có những thứ gì mà to đến vậy?”.

An Lộc Sơn trả lời rằng: “Chỉ có tấm lòng chân thành”. Huyền Tông rất vui lệnh cho ông ta kết nghĩa với anh em Quý phi. An Lộc Sơn lại mặt dày mày dạn xin làm con trai Dương Quí Phi. Từ đó trở đi An Lộc Sơn ra vào cung cấm như người trong hoàng tộc. Huyền Tông càng tin dùng, giao vào tay ông ta tổng quản một phần tư tinh binh trong thiên hạ.

Âm mưu phản loạn của An Lộc Sơn rất nhiều người biết và cũng đã nhiều lần nói cho Huyền Tông. Nhưng Đường Huyền Tông đã bị kế “Giả dương hành âm” của An Lộc Sơn mê hoặc, nên xem tất cả các bản tấu đó chỉ là sự đố kỵ với An Lộc Sơn, đã không đề phòng gì mà còn không ngừng ban cho ân sủng.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

An Lộc Sơn thấy kế “Giả dương hành âm” đã thuận lợi, Đường Huyền Tông lại chỉ tin dùng chứ không hề đề phòng gì nên nhanh chóng dùng biện pháp “thừa sơ kích giải” để tập kích bất ngờ. Sự sắp xếp chiến lược của ông ta là dốc toàn lực đánh thẳng vào hai kinh Đông Tây (tức Trường An và Lạc Dương).

Vì thế mà An Lộc Sơn chỉ với hơn 20 vạn binh lực, chưa bằng một phần tư nhà Đường, nhưng tất cả mãnh tướng tinh binh của nhà Đường đều tập trung ở Tây Bắc, không có sự phòng bị gì đối với An Lộc Sơn, cả một vùng rộng lớn bao gồm cả hai kinh chỉ có 8 vạn người, binh tướng ở Hà Nam, Hà Bắc lại càng ít.

Mà quân lính thì đã quen với sự bình yên, võ bị lỏng lẻo nên khi đối mặt với sự tấn công của đội quân tinh nhuệ dọc theo mặt Đông của bình nguyên Hà Bắc áp sát hai kinh thì đương nhiên là hoang mang, lúng túng, không còn khả năng kháng cự. Vì thế mà cuộc tấn công của An Lộc Sơn bắt đầu từ Bắc Kinh chiếm đến Lạc Dương chỉ mất 33 ngày.

Nhà Đường với thực lực hùng hậu hơn, khả năng ứng biến nhanh nhẹn hơn An Lộc Sơn đã ngăn chặn được mũi nhọn của phiến quân, cắt đứt liên lạc giữa phiến quân với đại bản doanh ở Hà Bắc. Nhưng Đường Huyền Tông đã bị kế “giả dương hành âm” làm cho phẫn nộ lại bị kế “thừa sơ kích giải” chạm vào lòng tự tôn đã trở nên nôn nóng, vội vàng.

Thêm vào đó quân sư lại khuyên: “Chúa không thể nóng giận như vậy mà khởi binh, cũng không thể tức giận như vậy mà chiến đấu được”. Nhưng mưu kế của An Lộc Sơn đã làm cho Đường Huyền Tông mất đi sự bình tĩnh cần có trong chỉ huy chiến đấu, trong cơn nóng giận vội vàng quên mất điều cần thiết đối với nhà Đường là giữ nguyên thế trận để có thời gian điều tinh binh đến bao vây tiêu diệt phiến quân, đã vội vàng xử trảm hai tướng đã phòng thủ rất đích đáng, lại bắt một viên tướng khác bỏ đi cái thế hiểm yếu của Đồng Quan để xuất kích phiến quân thì làm gì mà toàn quân chẳng bị tiêu diệt, thất bại thiên lý như vậy?

Sau khi chiếm lĩnh Đồng Quan, An Lộc Sơn đã dừng quân 10 ngày và khi vào Trường An cũng không tổ chức truy kích, để cho Đường Huyền Tông đào thoát. Có thể thấy An Lộc Sơn là người có tầm nhìn nông cạn, chỉ lo củng cố hai kinh đã chiếm được và để nối thông với đại bản doanh Hà Bắc, hưởng thụ những chiến lợi phẩm, hưởng thụ cảm giác làm hoàng đế mà không lo dập tắt triệt để những hậu họa.

Song một kẻ có tầm nhìn nông cạn như vậy mà lại có thể đánh cho hoàng đế đại Đường phải bỏ chạy thì cũng đủ thấy hiệu lực của mưu kế “Giả dương hành âm, thừa sơ kích giải”.

Theo sử sách, An Lộc Sơn tuy chiếm được Trường An nhưng ngày càng to béo phì nộn, đến mức mặc quần áo cũng phải có người hầu giúp. Mắt ông cũng bị tật mờ đi, không trông rõ mọi vật. Sau khi xưng đế, An Lộc Sơn rất tự mãn và bộc lộ tính cách kiêu ngạo, tàn ác, thích trách phạt thuộc hạ. Hai thuộc hạ của An Lộc Sơn là Nghiêm Trang và Lý Trư Nhi, vốn giúp An Lộc Sơn khởi nghiệp bây giờ họ trở thành nạn nhân hứng chịu những trận đòn, lời quát mắng.

Con thứ hai của An Lộc Sơn là An Khánh Tự biết vị thế của mình khá bấp bênh nên luôn tìm cách đối phó. Cùng lúc 3 người thân cận nhất của An Lộc Sơn hợp mưu nhau để trừ khử ông.

Một đêm tháng 1 năm 757, Khánh Tự và Nghiêm Trang cầm kiếm đứng phục ngoài trướng, còn Lý Trư Nhi cầm đại đao tiến thẳng vào trong, An Lộc Sơn phát hiện liền vươn tay tìm thanh bảo kiếm để đầu giường nhưng không được vì trước đó Lý Trư Nhi lén giấu đi. Lý Trư Nhi chém một nhát vào bụng An Lộc Sơn khiến ông ta gục ngã xuống giường.

Lúc đó ông 55 tuổi. Sau khi ông bị hại, cuộc nổi loạn do An Lộc Sơn phát động chống nhà Đường còn kéo dài vài năm sau mới chấm dứt.

Trị Thiên

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ky-muu-gia-duong-hanh-am-duoc-sap-dat-suot-10-nam-giup-an-loc-son-dai-pha-nha-duong-d104515.html