Kỷ lục gia Trần Quốc Phúc: 'Cha mẹ hiện đại có nhiều quan niệm dạy con sai lầm'

Điều gì khiến trẻ con phát triển trí lực mạnh mẽ, trở thành những thiên tài hay những nhân cách để người đời nể trọng? Ngược lại, điều gì khiến những đứa trẻ bị tổn thương, thui chột khả năng nhạy bén của mình, trở thành cái cây cong queo không lớn nổi? Câu trả lời là hầu hết đều do giáo dục và tính cách mà nên. Nhận ra điều này, nhà tâm lý giáo dục Trần Quốc Phúc đã thực hiện sách nói và tổ hợp tranh vẽ 'Vườn tâm hồn', ươm những hạt giống tươi đẹp trong việc vun trồng nhân cách và phá triển cảm xúc EQ cho trẻ.

Đây là một bộ cẩm nang hỗ trợ giáo dục nhân cách trẻ bao gồm 4 sản phẩm: Một bức tranh chứa đựng 50 “hạt giống” là 50 phẩm chất tích cực cần có của một con người; một đĩa audio gồm những bài học ý nghĩa từ bức tranh, là các mẩu chuyện hoặc tình huống cụ thể được lồng ghép theo từng phẩm chất riêng biệt; một cuốn sách thuật ngữ gồm các mẩu chuyện, châm ngôn sống, hướng dẫn cách phụ huynh đặt vấn đề, ôn tập để trẻ dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ; một tranh tô màu Vườn tâm hồn giúp trẻ dễ hình dung và tư duy tốt. Điểm đặc biệt của tác phẩm là có phần ứng dụng cho điện thoại để các bậc phụ huynh có thể sử dụng tiện lợi nhất. Năm 2016, tác phẩm “Vườn tâm hồn” được xác lập Kỷ lục Việt Nam về ứng dụng giáo dục nhân cách con người. Tháng 5.2017, tác phẩm này còn nhận được Đĩa Vàng Cống hiến do Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới trao tặng.

Cơ duyên nào khiến anh làm ra bộ sách nói “Vườn tâm hồn”?

- Từ lâu, tôi luôn trăn trở về bí quyết thành công của người thành đạt. Tôi nhận ra rằng, phần lớn những người tôi có dịp tiếp xúc đều thành công nhờ cách xử thế cùng tính cách của họ, chứ không hẳn xuất phát từ một nền tảng giàu có. Có một quãng thời gian tôi nghiên cứu về bản chất con người, bắt đầu từ quá trình thai giáo. Và tôi gọi tên cho những hành động tích cực bằng những “hạt giống” tâm hồn. Đơn giản, tôi muốn cho họ thấy trong con người mình có mặt tốt đẹp cần được đánh thức. Sau khi phác họa ra bức tranh, tôi bắt đầu đưa cho bạn bè xem thử, và kết quả là nhiều người thích, họ mua tranh của tôi. Sau một thời gian, tôi nhận ra cách dạy con của các bậc cha mẹ hiện đại đang gặp sai lầm. Điều này càng khiến tôi quyết tâm ra bộ sách này hơn.

Xin anh nói rõ hơn sai lầm trong giáo dục con cái của các bậc cha mẹ hiện đại là gì?

- Thứ nhất, xuất phát từ quan niệm dạy con không đúng. Việc dạy con là cần thiết không chỉ từ trong bụng mẹ, mà còn xuất phát từ việc vun đắp những đức tính tốt ngay từ thuở thiếu thời. Các bậc cha mẹ hiếm người dành thời gian cho việc dạy con, chủ yếu lo đi kiếm tiền, thiếu sự kết nối với con cái. Thế nên mới có nghịch cảnh, cha mẹ giàu chưa chắc đã giáo dục con nên người, cho dù có gửi con đi học ở trường quốc tế tốn kém đi chăng nữa.

Thứ hai, trong thời buổi hiện nay, quan điểm giáo dục không đồng nhất. Thời phong kiến cách dạy khác, thời nay khác. Mâu thuẫn về cách dạy con là thường xuyên tồn tại giữa hai thế hệ trong gia đình.

Thứ ba, nhiều người nghĩ bọn trẻ không hiểu gì, nên hay dùng lời nói làm tổn thương các bé, trong khi đó, bọn trẻ có thể ghi nhớ những điều đó suốt cuộc đời. Những hạt mầm độc ác một khi đã được gieo vào trí não, thì không dễ gì xóa được, chỉ bị đè chồng lên thôi. Đặc biệt ở Việt Nam, cha mẹ ít khi khen con, mà thường thích chê cho “an toàn”. Vì họ nghĩ, chê là một trong những “liệu pháp” giúp đứa trẻ lớn lên, mạnh mẽ hơn. Thế nhưng đây là quan niệm sai lầm. Những gì người lớn gieo vào đời con trẻ nên là những gì tích cực, tốt đẹp chứ không nên là những câu chửi rủa hay những lời oán thán. Do đó, nhận định của cha mẹ ban đầu về con cái thường quyết định tương lai con họ sau này sẽ ra sao.

Vậy cách giáo dục con cái của anh ra sao?

- Tôi thường nói với con những điều tích cực, khích lệ chúng hàng ngày, và điều kỳ diệu xảy ra: Chúng trưởng thành rất nhanh và phát triển ở mức bất ngờ. Và tôi hiểu rằng việc bị cha mẹ làm tổn thương sẽ ám ảnh đứa trẻ suốt đời, khiến chúng bị thui chột ước mơ và niềm vui sống. Tôi bắt đầu muốn giúp mọi người bằng cách gieo những điều tốt trong tâm trí đứa trẻ. Hãy nói với các bé mỗi ngày: Tôi mạnh mẽ, hiếu thảo, vui vẻ, lễ độ, cẩn thận, biết ơn, chân thành, khiêm tốn... Khi ghép một chuỗi hành vi tích cực đi cùng nhau, tôi không ngờ lời nói lại có công năng mạnh như vậy, có thể từ từ thay đổi tâm trí và năng lực của một con người.

Để trẻ con hiểu sâu sắc những đức tính đó, nhà giáo dục cần làm điều gì?

- Tôi bắt đầu làm những sản phẩm có chiều sâu hơn và thực hiện qua video với từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, nếu con bạn không chào hỏi khách đến nhà thì phải làm sao? Đầu tiên là gieo hạt giống lễ độ, cha mẹ nói con đọc đi đọc lại trong vài tuần, sau đó đọc đến hạt giống yêu thương, hiếu thảo... Mình gieo cho con một nhóm hạt tức một nhóm giải pháp, thì sẽ dần dần thay đổi nhận thức của đứa trẻ. Nếu cho bé hạt giống tươi cười thì chưa đủ, phải có hạt giống yêu thương, quan tâm, khoan dung, biết ơn... Bọn trẻ còn nhỏ, chưa hiểu thế giới bên ngoài thế nào, nên khi người lớn gieo thông điệp, gieo năng lượng và cảm xúc thì hình thành tiềm thức tốt đẹp. Thứ hai, một người nói những điều tốt đẹp, thì năng lượng của họ tự khắc sạch, tự động truyền thẳng tới người đối diện. Nhiều bà mẹ mở chương trình cho con nghe, không ngờ từ từ thay đổi cả người cha.

Nên dạy cho trẻ con biết rằng cuộc đời này nếu con muốn đạt được một điều gì đó thì con phải mang lại giá trị và điều tốt đẹp cho người khác. Khi con tôi khóc, tôi bảo con, người thành công là người luôn mang niềm vui cho người khác, khóc không phải là giải pháp. Muốn người ta mời mình, mình phải vui vẻ và giúp đỡ, đó là quy luật cho và nhận. Tốt nhất cha mẹ nên dùng tình thương yêu để nói chuyện với con cái và vận dụng chuyện thưởng phạt công minh.

Không chỉ đưa hạt giống giáo dục, ta còn cần phải gieo những hạt giống thành công vào tâm trí đứa trẻ.

Việc này mang lại những hiệu ứng gì?

- Đầu tiên, tôi giúp đứa trẻ nhận ra mình là ai, có những giá trị gì, tự tin tỏa sáng trên những giá trị mà nó đã khẳng định. Điều kế tiếp, gieo vào tâm trí trẻ những điều tốt ngay khi còn nhỏ, lớn lên trong cuộc đời, trẻ sẽ dễ bước đi theo hành trình đó. Những hạt giống sẽ giúp trẻ tin tưởng vào chính mình chứ không phải qua lời người khác. Khi tiềm thức đã mạnh rồi thì bọn trẻ lỡ vấp ngã sẽ tự đứng dậy, vì đã có niềm tin mạnh mẽ bên trong.

Là diễn giả đi nhiều nơi, hướng dẫn cách giáo dục con cái cho các bậc cha mẹ, anh nhận thấy công cụ "Vườn tâm hồn" có lợi ích gì?

- Tôi nhận lại rất nhiều hạnh phúc. Điều đầu tiên là sự thay đổi ở những người được tôi giúp đỡ. Có một vị phụ huynh ở Đà Nẵng nói với tôi là chị dạy hoài mà cháu không nghe, vì bản thân chị chưa làm tốt. Nhưng khi mở "Vườn hạt giống tâm hồn" cho bé nghe, bé tự động biến chuyển và quan tâm đến những người xung quanh, kể cả ông bà nội ngoại. Khi cha mẹ chưa làm tốt những điều tích cực, thì Vườn tâm hồn được coi là một công cụ để trẻ tiếp cận dễ dàng. Thứ hai, trong gia đình, mỗi người có một trình độ khác nhau, không biết tiếp cận trẻ con ở điểm nào, và càng không biết nói chuyện gì với con. "Vườn tâm hồn" mở ra nhiều chủ đề để mỗi ngày cha mẹ cùng trò chuyện với con. Cũng có gia đình đã giúp trẻ thuyết trình, khiến các bé hiểu sâu sắc hơn những giá trị nhân văn đã ngấm vào trong tinh thần của các bé.

Đối tượng áp dụng "Vườn tâm hồn" là những ai?

- Tôi nghĩ, chủ yếu các bậc cha mẹ. Từ đó, có một xu hướng mới, thúc đẩy cha mẹ quan tâm việc dạy con nhiều hơn. Tôi hướng dẫn việc gieo trồng nhân cách, gặt hái thành công chứ không chung chung ở “đạo” yêu thương. Trong "Vườn tâm hồn" có bức tranh của sự cho đi, hạt giống phụng sự, giúp đỡ, đóng góp cho xã hội. 8 tài sản trong cuộc đời con người được khái quát gồm: Sức khỏe, gia đình, mối quan hệ, trí tuệ, hưởng thụ, sự nghiệp, đóng góp cho xã hội và tự do tài chính.

Ngày nay, người ta nghĩ rằng, những ngôi trường đẹp, giáo viên giỏi phải chăng là nơi phát huy tối đa khả năng của trẻ?

- Chưa chắc. Tôi đến nhiều nơi và nhận ra rằng có những ngôi trường khang trang, vật chất đầy đủ, song không ít giáo viên chưa thật tâm lý. Họ phán xét đứa trẻ vô tội vạ với những từ không hay ho cũng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến đứa trẻ. Ngôn ngữ giúp cho đứa trẻ phát triển khác với ngôn ngữ khiến bọn trẻ bị vướng vào vòng suy nghĩ tiêu cực. Nhiệm vụ của tôi đi nói chuyện ở các trường là nhấn mạnh chuyện lời nói gieo vào tâm trí trẻ con như những hạt giống thiện lành vô cùng quan trọng. Tôi cho rằng, thà mình cho con đi học ở trường bình thường còn hơn ở những trường “xịn” mà giáo viên giao tiếp với học trò không đạt chuẩn.

Dự định sắp tới của anh là gì?

- Tôi đã phỏng vấn các nhân vật thành công để rút ra mô thức chung về những hạt giống điển hình. Thứ hai, làm phim hoạt hình cho trẻ con theo mô hình Việt Nam để mỗi nhân vật đóng vai trò là một hạt giống đi vào tâm thức trẻ con. Bên cạnh đó là làm game để việc giáo dục trở nên dễ tương tác với trẻ con hơn.

Xin cảm ơn anh.

NHẬT LỆ (Thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ky-luc-gia-tran-quoc-phuc-cha-me-hien-dai-co-nhieu-quan-niem-day-con-sai-lam-625580.ldo