Kỷ lục doanh thu trong Ngày độc thân: Hai mặt của vấn đề

Những người mua hàng trực tuyến đã chi hơn 14 tỷ USD chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ kể từ lúc bắt đầu ngày hội mua sắm của Trung Quốc hôm 11/11, một lần nữa phá vỡ kỷ lục doanh số bán hàng kể từ lúc lễ hội bắt đầu vào 10 năm trước.

Doanh thu “khủng” sau vài giờ bán hàng. (Nguồn: Bloomberg).

Kỷ lục mới

Đợt mua sắm này cũng phá tan những dự báo ảm đạm mà giới chuyên gia đưa ra trước đó về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh họ đang lao vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ, thị trường cổ phiếu sụt giảm cùng đà tăng trưởng kinh tế bị chững lại.

Có tên gọi là Ngày độc thân, lễ hội mua sắm ở Trung Quốc là dịp để khách hàng mua đồ giảm giá trên các nền tảng bán hàng trực tuyến. Lễ hội mua sắm này được Tập đoàn Thương mại điện tử Alibaba khởi xướng, và nay đã trở thành một ngày lễ không chính thức của người chưa tìm được nửa kia của mình ở Trung Quốc.

Một màn hình lớn được đặt trong đêm hội mà Alibaba tổ chức ở thành phố Thượng Hải cho thấy doanh số bán hàng của họ tăng đều theo thời gian: Ngay sau 2 phút 5 giây tính từ rạng sáng ngày 11/11, 10 tỷ NDT (1,43 tỷ USD) đã được đổ vào hoạt động mua sắm trên các nền tảng bán hàng trực tuyến của Alibaba. Vào thời điểm 1h47 sáng cùng ngày, con số đó đã tăng gấp 10 lần.

Ngày độc thân ban đầu chỉ là một sự kiện chơi khăm được tổ chức bởi các sinh viên Đại học ở Trung Quốc vào khoảng những năm 1990. Sự kiện này còn gọi là “Số 11 kép”, ám chỉ ngày tháng đều chung con số 11, tượng trưng cho sự độc thân. Nhưng sau đó, sự kiện này nhanh chóng được quảng bá bởi các hãng bán lẻ điện tử, và cuối cùng trở thành Cyber Monday - sự kiện mua sắm trực tuyến của Mỹ - phiên bản Trung Quốc.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, vô số đoạn bình luận và bài đăng có liên quan tới Ngày độc thân tràn ngập trên nền tảng này. Nhiều cư dân mạng tuyên bố rằng họ đã không bị mắc chiêu trò câu khách của các hãng bán lẻ điện tử, trong khi nhiều người khác đăng tải những món hàng mà họ mua được trong lễ hội mua sắm này.

Người sáng lập Tập đoàn Alibaba Jack Ma, người từng tuyên bố sẽ từ bỏ chức vụ Chủ tịch của tập đoàn này trong vòng 1 năm tới, cũng tham dự lễ hội tổ chức ở Thượng Hải và xuất hiện trong một đoạn thông điệp hình ảnh, đang tự tay gói ghém những chú cua lông - một món hàng phổ biến trên các nền tảng bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc.

Ngày độc thân “thực chất không phải một dịp giảm giá, mà là một ngày để thể hiện lòng biết ơn”- Jack Ma nói trong đoạn thông điệp hình ảnh - “Đó là dịp để các nhà bán lẻ tung ra những sản phẩm tốt nhất, với giá rẻ nhất của họ để thể hiện lòng biết ơn đối với khách hàng của mình”.

Mặt trái của Ngày độc thân

Giờ đây, lễ hội mua sắm này đang được người tiêu dùng nhiều nước châu Á quan tâm, từ Trung Quốc cho đến Hàn Quốc hay nhiều nước Đông Nam Á.

Lễ mua sắm vốn ban đầu chỉ dành cho người độc thân ở Trung Quốc, đã phát triển dần dần: Vào năm 2009, Alibaba thu được doanh thu ước khoảng 100 triệu nhân dân tệ tương đương 14,4 triệu USD. Thế nhưng đến năm ngoái, con số này tăng lên mức khoảng hơn 25 tỷ USD, như vậy doanh số bán hàng của Ngày Độc thân cao gấp gần 4 lần so với Cyber Monday. Cyber Monday là ngày khởi động cho mùa mua sắm cuối năm của Mỹ.

Tuy nhiên, các nền tảng bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc từng hứng nhiều chỉ trích vì bán ra các sản phẩm chất lượng kém và cả hàng giả. Hong Tao - chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Công nghệ và Kinh doanh Bắc Kinh - nói rằng Ngày độc thân là dịp để khuyến khích người dân đi mua hàng với giá rẻ chứ không phải hàng chất lượng tốt, điều này khiến nhiều khách hàng mua nhiều thứ mà họ thực sự không cần.

“Nhiều người bị cuốn vào dịp lễ hội mua sắm này”- ông Hong nói - “Đợt bùng nổ mua sắm này diễn ra chỉ một ngày duy nhất, nhưng có thể gây ra sự suy kiệt cho cả bên bán lẫn bên mua”.

Bên cạnh đó, dịp lễ hội mua sắm Ngày độc thân cũng bị chỉ trích vì gây ra nhiều vấn đề về môi trường.

Trong lúc mà Tập đoàn bán lẻ Alibaba cùng đối thủ cạnh tranh JD.com cam kết chỉ sử dụng các loại giấy gói hàng có thể phân hủy được để giảm lượng rác thải, một nghiên cứu mà Tổ chức Hòa bình Xanh khu vực Đông Á công bố tháng này cho thấy rất nhiều túi nhựa có dán nhãn “có thể phân hủy sinh học” được sử dụng bởi các hãng bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc. Trên thực tế, loại túi này chỉ có thể được phân hủy dưới nhiệt độ cao, mà chỉ có một số lượng nhà máy hạn chế ở nước này mới có thể làm được.

Tổ chức Hòa bình Xanh ước tính rằng, đến năm 2020, các loại giấy gói và túi đựng hàng dán nhãn “có thể phân hủy sinh học” kiểu này có thể lấp đầy 721 xe tải chở rác mỗi ngày ở Trung Quốc.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/ky-luc-doanh-thu-trong-ngay-doc-than-hai-mat-cua-van-de-tintuc422458