Kỷ lục đoản thọ

Ngay từ cuối năm 2016, khi TP Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm; đã lập tức xuất hiện những ý kiến hoài nghi băn khoăn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Rất nhiều đoạn vỉa hè đang rất ổn, khi đó bị đục khoét cạy phá, lãng phí; biến thành những công trường ồn ào bụi bặm ảnh hưởng giao thông. Rồi công trình có đảm bảo yếu tố “thế kỷ” như kỳ vọng đặt ra?

Không phải chờ đợi lâu, chỉ sau cỡ 3 năm sử dụng, nhiều đoạn vỉa hè lát đá được quảng cáo là “đá tự nhiên, có độ bền 70 năm”; đã bắt đầu vỡ nát, xuống cấp nghiêm trọng. Vấn đề ai phải chịu trách nhiệm cho sự đầu tư sai lầm lãng phí này, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Việc thay đổi, cải tạo vỉa hè bằng hình thức lát đá thể hiện quyết tâm về thực hiện mục tiêu xanh - sạch - đẹp. Vỉa hè Hà Nội đã nhiều lần được thay đổi bề mặt bằng những loại gạch bình thường, gạch nung tự nhiên, gạch lung lăng. Lần này, mục tiêu là muốn triển khai để vỉa hè, gạch đá bền vững lâu dài, làm đẹp đồng bộ cho địa phương. Có điều để thành công thì cần có một giải pháp có tính chất đồng bộ, lâu dài và toàn diện, tránh gây lãng phí nguồn ngân sách. Nhìn lại dự án trên, có thể thấy còn nhiều yếu tố “lởm khởm”.

Ở góc độ kỹ thuật, cần xác định rõ từng mục đích sử dụng như vỉa hè phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền phải khác nhau. Rồi muốn để vật liệu đá lát bền thì cần có một lớp lót nền đảm bảo bền vững.

Lớp lót nền hiện đã được thực hiện bằng bêtông. Nhưng dưới lớp bêtông thì vỉa hè lại có nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác nhau như đường ống cấp thoát nước, đường thông tin liên lạc… Ở đây, yếu tố đảm bảo đồng bộ bền vững tất cả các hạ tầng kỹ thuật đã chưa được xử lý tốt.

Hà Nội là TP có rất nhiều cây xanh, đa dạng về chủng loại. Có nhiều cây cổ thụ rễ chùm có tuổi thọ đến cả trăm năm và nhiều loại cây mới trồng.

Như vậy, về nguyên tắc, không thể có một giải pháp bêtông lót nền nào điển hình cho các loại hè phố. Mỗi nơi cần có một loại bêtông thích ứng với từng điều kiện cụ thể thì mới giữ được độ bền khi lát đá.

Vỉa hè của Hà Nội cũng rất đa dạng, có những nơi chỉ là nhà ở, có chỗ lại là trụ sở các cơ quan - đơn vị, nên số lượng phương tiện giao thông đi qua không giống nhau.

Với những nơi là nhà ở thì ít xe đi lại, có thể trăm năm vỉa hè vẫn vậy. Nhưng ở các cổng trường, trung tâm thương mại, cả ngàn lượt xe mỗi ngày; nếu không có giải pháp đặc biệt thì đá nào chịu nổi?

Rồi còn nghi vấn có những viên đá tốt, ổn định; và cũng có rất nhiều viên đá chất lượng kém.

Tại các dự án lát lề đường, có thể thấy phần lớn lực lượng để thi công mang danh công ty nhận thầu nhưng lại nhiều lao động phổ thông, chưa có kỹ năng nghề nghiệp nhất định, thiếu kinh nghiệm.

Thực tế dự án có mục tiêu bền vững từ 50-70 năm nhưng đã “đoản thọ” sau 2 – 3 năm, đã gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí tiền của, gây bức xúc dư luận. Hy vọng sẽ không còn “kỷ lục” buồn nào như vậy một lần nữa lặp lại ở Thủ đô thân yêu.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ky-luc-doan-tho-d142140.html