Kỷ luật và sự răn đe

Trong mấy ngày qua, câu chuyện về hình thức kỷ luật đuổi học dành cho 7 học sinh ở Thanh Hóa khiến nhiều người quan tâm.

Sau khi thu giữ điện thoại của một học sinh mang đến lớp, giáo viên đã phát hiện một nhóm học sinh nói xấu, thậm chí xúc phạm cô giáo chủ nhiệm trên mạng xã hội. Hình thức kỷ luật của trường là đuổi học 1 năm với 3 học sinh, 4 học sinh khác bị đuổi học một tuần, 1 học sinh bị cảnh cáo.

Đã có khá nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với hình thức kỷ luật của nhà trường. Đuổi học là giải pháp tồi tệ nhất. Đuổi học, vô tình đẩy các em lún sâu hơn vào tội lỗi, vô tình tạo thêm những thành phần bất hảo, nguy hiểm cho xã hội, các em cần được giáo dục, hơn nữa thầy cô giáo cũng cần phải xem lại mình… Đình chỉ học tập đối với học sinh vi phạm kỷ luật nhà trường có phải là cách tốt nhất để răn đe, giáo dục? Cho dù giải pháp này không sai quy định nhưng tương lai các em sẽ về đâu?...

Ngay sau đó, Giám đốc sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo nhà trường hủy quyết định đuổi học, nhận học sinh trở lại.
Có thể nói, học sinh với sự ảnh hưởng của công nghệ thông tin cũng có nhiều hành xử không hợp chuẩn, từ việc vô kỷ luật, không chấp hành nội quy của nhà trường đến vô lễ với giáo viên thậm chí là xúc phạm đến danh dự, sức khỏe của thầy cô giáo. Trong khi đó, bất kỳ hình thức kỷ luật nào giáo viên áp dụng cho học sinh cũng có thể bị phản ứng.

Sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp, đời sống tâm lý học sinh cũng đang có những biến động lớn về các mối quan hệ thầy cô, bạn bè, việc học tập… với nhiều biểu hiện đáng lo ngại mà nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Trở lại vụ việc ở Thanh Hóa, dù vụ việc đã được xử lý được nhiều người nhận định là hợp tình, hợp lý, nhưng một số người lại tỏ ra băn khoăn cho rằng thật khó để tránh cho các học sinh nghĩ rằng chúng không sai. Ngay cả ở những nền giáo dục của các nước phát triển, thì cũng không có nghĩa là học sinh được phép làm mọi thứ và được tự do nói xấu thầy cô, bạn bè...

Ở góc nhìn khác, một số chuyên gia giáo dục lại cho rằng cảm nhận không có hình phạt là một tai họa đối với đứa trẻ. Không nên giáo dục một đứa trẻ bằng cách làm cho nó tưởng rằng được phép làm gì cũng được, rằng nó chỉ có quyền mà không có một nhiệm vụ nào.

Giáo dục một con người trong quá trình xã hội hóa cá nhân phải thông qua 4 yếu tố: Giáo dục tại gia đình, giáo dục tại nhà trường, giáo dục tại xã hội và tự giáo dục. Trong đó, giáo dục tại gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và định hình nên nhân cách văn hóa cá nhân. Và dường như việc đình chỉ học tập một thời gian đối với học sinh cho thấy sự bất lực của các nhà làm giáo dục.

Thanh Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/ky-luat-va-su-ran-de-tintuc422371