Kỷ luật tích cực: Giúp trẻ phát triển nhân cách toàn diện

'Kỷ luật học trò bằng tình yêu thương, sự cởi mở, chân thành và tôn trọng, thầy cô sẽ giúp các em nhận ra việc làm chưa đúng, góp phần phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh',

Cô trò Trường Tiểu học Đại Hợp trong giờ học.

Cô trò Trường Tiểu học Đại Hợp trong giờ học.

Ông Nguyễn Văn Phán - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiến Thụy (Thái Bình) chia sẻ.

Hành động tích cực thay đổi tư duy

Trường THCS Thụy Hương, huyện Kiến Thụy có 320 học sinh và 21 cán bộ, giáo viên. Tuy là một ngôi trường có quy mô nhỏ nhưng nhiều năm liền Trường THCS Thụy Hương luôn dẫn đầu toàn huyện về chất lượng giáo dục mũi nhọn, 96% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, trường không có học sinh xếp hạnh kiểm trung bình. Hàng năm tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm 80%.

Thầy giáo Nguyễn Văn Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Hương cho rằng, chất lượng giáo dục là con số “biết nói” thể hiện toàn diện nhất kết quả dạy học của thầy trò qua từng năm học. Vì thế, với đội ngũ giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn, chắc tay nghề mà cần phải có phương pháp sư phạm vững vàng. Để trò phát triển toàn diện nhân cách, hiểu được những hành vi lệch chuẩn và sửa chữa, hướng tới những hành động tích cực, nhân văn trước hết thầy cô cần thay đổi, nhìn nhận cách đánh giá và có những hình thức kỷ luật tích cực với học sinh.

Theo thầy Mai, để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, thầy cô chính là tấm gương tốt nhất. Vì thế, nhà trường luôn quan tâm, đồng hành cùng giáo viên thay đổi quan niệm giáo dục, sử dụng những biện pháp mềm dẻo trong đánh giá đội ngũ. Thông tư mới quy định cụ thể về những việc giáo viên không được làm khi kiểm tra đánh giá học sinh. Để các thầy cô giáo “ngấm - thấm” các quy định của ngành, nhà trường triển khai các văn bản, những tài liệu tham khảo về việc đánh giá học sinh.

Công tác sinh hoạt chuyên môn được chú trọng, đặc biệt là nội dung, phương pháp giáo dục học sinh cá biệt. Trường THCS Thụy Hương thường tổ chức Hội thi “giải quyết các tình huống sư phạm” để giáo viên trong trường trao đổi, cùng nhau rút kinh nghiệm. Ngoài ra, nhà trường xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học triển khai tới 100% giáo viên và học sinh của nhà trường.

Thầy Trần Văn Dược (Trường THCS Thụy Hương) chia sẻ: Hơn 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, gần 10 năm làm công tác chủ nhiệm, tôi luôn tìm những biện pháp “mềm” để uốn nắn học sinh thay vì trách mắng, phạt lỗi học sinh của mình. Tôi thường tổ chức những buổi sinh hoạt lớp theo tinh thần cởi mở, thầy trò cùng nói chuyện, trao đổi. Thầy đưa ra những tình huống thường gặp để phân tích, định hướng cho trò.

Trường THCS Thụy Hương với những tiết học vui nhộn.

Ngôi trường hạnh phúc

Thầy giáo Bùi Hữu Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Hợp, huyện Kiến Thụy chia sẻ, với đặc thù bậc tiểu học, giáo viên vừa dạy vừa dỗ, vì thế để uốn nắn một hành vi, thói quen xấu của trẻ là cả một quá trình và thời gian dài. Mỗi tiết học chỉ gói gọn trong 35 - 40 phút trong khi một lớp học thường đến 40 em, mỗi em một tâm tính, để áp dụng hình thức kỷ luật tích cực giáo viên cần kiên trì, bền bỉ. Đã từ lâu việc trách phạt, la mắng học sinh không được coi là biện pháp mang lại hiệu quả trong giáo dục.

Để có một môi trường giáo dục lành mạnh, bản thân người quản lý giáo dục mà trực tiếp là hiệu trưởng cần thay đổi tư duy, cách đánh giá giáo viên, cùng các đồng nghiệp chỉ ra những mặt ưu, nhược của quá trình giáo dục học sinh qua những tình huống thực tế. Người hiệu trưởng phải tiên phong trong đổi mới, trong đánh giá giáo viên, học sinh. Chính lãnh đạo nhà trường là người truyền lửa cho giáo viên và các thầy cô lại là người truyền cảm hứng, thái độ sống tích cực cho học trò. Là một hiệu trưởng, thầy Mạnh luôn tìm tòi mọi phương pháp, hình thức để truyền đạt, định hướng cho giáo viên cách thay đổi quan điểm giáo dục.

Trong quá trình dạy học, bản thân mỗi thầy cô đều nhận thức được rằng việc động viên, khuyến khích, trách phạt bằng tình yêu thương sẽ nuôi dưỡng tinh thần ham học, thái độ sống tích cực của học sinh. Nhưng muôn vàn tình huống sư phạm xảy ra trên bục giảng, nếu không có hình thức kỷ luật nghiêm, sẽ không rèn được học sinh. Vì thế, thầy cô kỷ luật tích cực là tôn trọng học trò nhưng vừa mềm dẻo lại cần cương quyết, nghiêm nghị, không thể buông lỏng hành động của trò. Nhờ cách giáo dục này nhiều năm qua Trường Tiểu học Đại Hợp gây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, thầy cô và học trò thân thiết, gần gũi.

Nêu quan điểm về kỷ luật tích cực, ông Nguyễn Văn Phán - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiến Thụy cho rằng, quan niệm “thương cho roi cho vọt” không phù hợp trong môi trường giáo dục. Nếu thầy cô chỉ nhằm vào lỗi của trò để quở mắng, trách phạt thậm chí đánh trò là phản sư phạm. Vì thế, kỷ luật học trò bằng tình yêu thương, sự cởi mở, chân thành và tôn trọng, thầy cô sẽ giúp các em nhận ra việc làm chưa đúng, giảm thiểu những hành vi không phù hợp. Để có một môi trường giáo dục lành mạnh, chính những người quản lý, hiệu trưởng các nhà trường cần thay đổi tư duy.

Có nhiều tình huống sư phạm khiến thầy cô căng thẳng, ức chế, nếu không có kỹ năng ứng xử tốt dễ dẫn đến hành động nóng vội, lời lẽ không hay với học sinh. Vì thế, để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, ở đó kỷ luật học sinh không phải là trách móc, roi vọt mà là sự sẻ chia, tôn trọng, là những nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc, tôi thường có những cách làm riêng của mình. - Thầy Nguyễn Văn Mai

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/ky-luat-tich-cuc-giup-tre-phat-trien-nhan-cach-toan-dien-UsdpMppGR.html