Kỷ luật kiểu time-out và tư duy dạy trẻ sai quá sai qua bài hát 'Quả bóng tròn tròn' mà cô giáo mầm non nào cũng hát cho bé nghe

'Phải đứng một mình vì quả bóng chưa ngoan, suốt ngày rong chơi nên các bạn cười chê.' Đang hát dở cho con nghe thì mình dừng lại, nói với chồng: Sao lời bài hát lại tiêu cực thế anh nhỉ?

Hãy tưởng tượng thế này:

Hãy tưởng tượng thế này:

Bạn có một ngày đi làm khá tệ, sếp khó tính, đồng nghiệp không hợp tác. Rồi bạn gọi điện cho mẹ đẻ và 2 mẹ con tranh luận gay gắt. Bạn nghĩ khi mình về nhà, mình có thể kể những bức xúc của ngày hôm nay với chồng/vợ. Bạn muốn anh ấy/cô ấy lắng nghe, đồng cảm và khiến bạn cảm thấy thoải mái. Về tới nhà, chồng/vợ bạn hỏi "Ngày hôm nay của anh/em thế nào?". Đáp lại, bạn ném cái túi xuống và gắt gỏng. Chồng/vợ bạn lao tới, thay vì ôm bạn như bạn đã hi vọng, thì họ gào lên "Sao anh/em dám ném cái túi như vậy và gắt lên. Hãy ra khỏi ghế và úp mặt vào tường trong 5 phút đi. Khi nào hết giờ thì quay lại đây nói chuyện tiếp".

Bạn cảm thấy thế nào?

Bạn rất muốn được kết nối với họ, nhưng họ lại đẩy bạn ra xa. Nó chắc chắn không làm chúng ta cảm thấy khá hơn hay khiến ta cư xử bình tĩnh và tử tế hơn. Rồi, giờ hãy tưởng tượng một đứa trẻ sẽ cảm thấy thế nào khi chúng bị phạt "úp mặt vào tường trong 5 phút" để chờ đợi vì chúng đã mất bình tĩnh trong vài phút trước đó.

Mình vốn tin rằng time-out là một phương pháp kỷ luật không hiệu quả, vì nó bỏ qua những cảm xúc thật sự tiềm ẩn đằng sau các hành vi của trẻ. Nó cũng không dạy con cách cư xử tốt hơn, mà thay vào đó dạy chúng rằng: bố mẹ chỉ muốn ở bên cạnh chúng khi chúng cư xử tốt. Nó cũng gửi đi một thông điệp rằng không nên bộc lộ cảm xúc thật của mình ra. Và có lẽ, điều quan trọng nhất, nó khiến mối quan hệ giữa bố mẹ - con cái bị rạn nứt, kết nối dần trở nên lỏng lẻo đi.

Hôm qua mình vô tình hát bài hát quả bóng cho bọn trẻ con nghe lúc đang phơi quần áo, bài hát quen thuộc có câu "Quả bóng tròn tròn là quả bóng xinh xinh dưới hàng cọ xanh sao bóng đứng một mình. Phải đứng một mình vì quả bóng chưa ngoan, suốt ngày rong chơi nên các bạn cười chê." Đang hát dở thì mình dừng lại, nói với chồng mình "Sao lời bài hát lại tiêu cực thế anh nhỉ?

Chỉ trong một câu đã thể hiện đủ sự tiêu cực: hình thức kỷ luật tiêu cực "time-out" (đứng một mình), tư duy tiêu cực (bị các bạn cười chê) và vô lý ("chưa ngoan" ư, trẻ được phép hư mà nếu không người lớn sinh ra để làm gì nữa?). Lúc đó, tự dưng mình nhận ra rằng, hóa ra tư duy về trẻ con, về cách dạy trẻ và hình phạt cho những đứa trẻ hiện nay đang có những điều sai rất sai nhưng lại được "bình thường hóa" và tiếp tục sai trong thời gian quá dài. Đã tới lúc cần thay đổi rồi, bố mẹ ạ!

Nếu bạn là một trong những phụ huynh đang băn khoăn về tính hiệu quả của time-out, một biện pháp kỷ luật khá phổ biến hiện tại thì đây có lẽ là những giải pháp thay thế mình có thể gợi ý, giúp kết nối với con tốt hơn cũng như cải thiện được hành vi của chúng:

1. Thay đổi kỳ vọng của bạn

Nhiều bố mẹ phạt con vì họ kỳ vọng không thực tế về hành vi của trẻ. Một em bé toddler có thể giận dữ vô cớ bởi kết nối thần kinh còn non nớt, con không có nhận thức để bình tĩnh giống như người lớn có thể.

Một em bé phải "vật lộn" với việc thay đổi và chào đón thêm một em bé mới thì không phải là đang cố tình nghịch ngợm hay bạo lực. Con đang phải cố gắng giải quyết cảm giác đau buồn, hay đơn giản là không có khả năng nói ra và diễn tả những cảm xúc bằng lời - mà thể hiện qua hành vi. Trẻ em không phải là "những người lớn tí hon". Họ không thể và cũng không hành động giống chúng ta. Hạ thấp kỳ vọng và hiểu rằng con không thể hoàn toàn kiểm soát não bộ của chúng.

2. Kết nối

Hầu hết các hành vi tiêu cực là do đứa trẻ cảm thấy thiếu kết nối với bố mẹ. Điều này lý giải vì sao những em bé có kết nối tốt và gần gũi với cha mẹ, được đồng cảm và cảm thấy an toàn sẽ có những hành vi tốt hơn - hoặc là những hành vi tiêu cực có thể tới nhưng sẽ nhanh chóng tự biến mất sau đó. Một đứa trẻ cảm thấy không được yêu thương lại càng cố gắng chứng minh rằng CHÚNG QUAN TRỌNG.

Việc của bố mẹ là xây dựng lòng tự trọng của con để con cảm thấy tích cực hơn, và time-out thì không tạo ra điều này. Bình tĩnh và chia sẻ sự bình tĩnh đó với con. Bạn hoàn toàn có thể nói "Mẹ không thích những gì con vừa làm, nhưng mẹ yêu con, nên mẹ ở đây để giúp con bình tĩnh lại". Hãy chờ cho "cơn bão" đi qua trong khi ngồi lại bên con và giúp con cảm thấy an toàn, sau đó nói chuyện và ôm con.

3. Làm mẫu cho con trước

Có một câu nói không thể sai hơn là "Làm như tôi nói, chứ không phải như tôi làm". Trong các yếu tố ảnh hưởng tới hành vi của trẻ, hãy nhớ rằng chính bạn là người ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu con la hét quá nhiều, hãy tự hỏi mình liệu có phải mình đã thường xuyên lớn tiếng hay bạn mới là người cần kiểm soát chính tiếng nói của mình.

Cách kỷ luật tốt nhất có lẽ đó là hãy trở thành người mà bạn muốn con bạn trở thành. Nếu muốn con bình tĩnh, tốt bụng, yêu thương - chính BẠN phải tự mình làm mẫu những "phẩm chất" này. Nếu con đặc biệt khó tính, hay cau có giận dữ - hãy tự hỏi mình liệu đã tới lúc mình cần thời gian để kiểm soát và điều chỉnh hành vi của chính mình?

4. Sử dụng cách khác đi

Khi những em bé tức giận hay buồn bã, bạn cần cho con thời gian để bình tĩnh lại, vì chắc chắn không có ai dù lớn hay nhỏ có thể thực sự "lắng nghe" trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu. Khi con bình tĩnh lại rồi, hãy giảng giải cho con hiểu. Nhưng hãy dùng cách nào đó sáng tạo hơn để con tiếp thu dễ dàng hơn. Ví dụ như cùng ngồi xuống sáng tác một câu chuyện, trong đó nhân vật chính đang phải vật lộn với những cảm xúc lớn lao. Hãy nhập vai, diễn tả cách con cư xử và những gì có thể thay đổi trong những lần sau đó, hoặc giúp con vẽ ra những cảm xúc lên giấy.

5. Tạo một góc an toàn và bình tĩnh

Hãy chọn một nơi nào đó đặc biệt trong nhà, trang trí bằng thảm mềm, dầu thơm, bóng, đồ chơi hay những cuốn sách mà con thích… hãy khuyến khích con đi tới chỗ này bất cứ khi nào con căng thẳng hoặc cảm thấy rằng con chuẩn bị nói/làm gì đó có thể khiến con hối hận. Và có thể góc này cũng rất cần cho cả bố mẹ.

Kỷ luật một cách nhẹ nhàng cần thời gian để nhìn thấy kết quả, nó có thể không khiến con nghe lời ngay lập tức, nhưng nó mang tới cho con những điều sẽ ảnh hưởng tích cực tới con suốt cuộc đời. Nó xây dựng sự kết nối, lòng tin, lòng tự trọng và hạnh phúc. Nó tác động tích cực tới con. Và tất nhiên, cũng tích cực với chính chúng ta.

Có lẽ, cách tốt nhất để có thể nuôi lớn một em bé bình tĩnh và hạnh phúc, thì đơn giản là chính chúng ta cần bình tĩnh và hạnh phúc.

Đơn giản mà không đơn giản chút nào, nhỉ?

=> Đọc thêm bài viết cùng tác giả: Nếu nghĩ cho tương lai của con thì đây là 6 ĐỪNG và 4 HÃY cha mẹ cần lưu tâm trong hành trình làm cha mẹ

Linh Phan

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ky-luat-kieu-time-out-va-tu-duy-day-tre-sai-qua-sai-qua-bai-hat-qua-bong-tron-tron-ma-co-giao-mam-non-nao-cung-hat-cho-be-nghe-2220201911211025308.htm